Có nên giới hạn tốc độ theo làn xe chạy?
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm việc nhiều tài xế bị phạt vì chạy quá tốc độ khi lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số tuyến cao tốc đang được giới hạn tốc độ theo làn là nguyên nhân khiến tài xế vi phạm tốc độ khi vượt xe.
Báo Giao thông trao đổi với PGS.TS Vũ Hoài Nam, giảng viên cao cấp Khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Vũ Hoài Nam.
Cao tốc chỉ nên giới hạn tốc độ tối đa và tối thiểu
Hiện, Việt Nam đang có một số tuyến cao tốc quy định giới hạn tốc độ theo làn xe. Ông nhìn nhận thế nào về cách tổ chức giao thông này?
Việc phân tốc độ theo làn có ưu điểm là xe chạy chậm phải đi vào làn bên phải ngoài cùng sát lề đường, nếu chạy nhanh hơn đi làn giữa và làn sát tim đường. Việc này giúp phân dòng phương tiện theo tốc độ, dễ dàng hơn cho việc xử phạt.
Hiện nay, đa số các tuyến đường cao tốc của Việt Nam được tổ chức giao thông giới hạn tốc độ theo tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Chỉ có số ít tuyến cao tốc giới hạn tốc độ theo làn xe là cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua tỉnh Bắc Ninh, cao tốc Láng - Hòa Lạc và đường Võ Chí Công.
Tuy nhiên, việc phân chia tốc độ theo làn chỉ phù hợp với các đường trong đô thị, tốc độ xe không cao.
Trên đường cao tốc, nhu cầu vượt và chạy tốc độ nhanh rất lớn nên việc giới hạn tốc độ theo cách này cần nghiên cứu kỹ. Đường cao tốc thường đã giới hạn tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Nếu lái xe tuân thủ nguyên tắc xe đi chậm đi về bên phải thì việc giới hạn tốc độ theo làn là không cần thiết.
Nhiều tài xế cho rằng, việc giới hạn tốc độ theo làn là nguyên nhân khiến họ bị phạt khi vượt xe, quan điểm của ông thế nào?
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn Hà Nội - Bắc Ninh đang tổ chức giao thông theo hướng: Làn sát dải phân cách giữa dành cho ô tô, tốc độ tối đa 90km/h. Làn tiếp theo (làn giữa) dành cho ô tô, xe máy, tốc độ tối đa 70km/h. Làn còn lại phía ngoài cùng dành cho xe máy, xe thô sơ, tốc độ tối đa 50km/h.
Quy định theo cách trên chưa phù hợp, xe đang chạy với tốc độ 90km/h mà xuống 70km/h sẽ làm khó tài xế, dễ xảy ra va chạm. Phân tích ATGT cho thấy, nếu tốc độ làn liền kề chênh nhau từ 20km/h sẽ tiềm ẩn tai nạn.
Việc nhiều ô tô chạy chậm nhưng bám làn bên trái khiến tài xế xe phía sau buộc phải vượt ở làn bên cạnh, dễ vi phạm tốc độ. Giá trị tốc độ giữa các làn phải được tính toán làm sao cho các xe muốn chuyển làn không bị vi phạm.
Năng lực thông hành một làn xe thấp, xe chạy chậm cản trở xe chạy nhanh, tốc độ chung sẽ giảm xuống và kéo theo giảm năng lực thông hành của toàn tuyến. Ngược lại, nếu các làn xe đều được chạy cùng một giá trị tốc độ, năng lực thông hành của tuyến đường sẽ tốt hơn các làn có tốc độ cao thấp khác nhau.
Xe đi chậm hơn đi vào làn bên phải
Ông vừa nói đến thực trạng xe chạy chậm cản trở xe chạy nhanh. Nhiều người cho rằng nếu đã chạy tốc độ tối đa cho phép thì không cần nhường đường. Vậy, luật quy định vấn đề này thế nào?
Xe đi chậm hơn đi vào làn bên phải sát lề đường đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Việc đi chậm dưới tốc độ cho phép mà không đi vào làn bên phải cũng vi phạm lỗi không nhường đường cho xe chạy nhanh hơn.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn Hà Nội - Bắc Ninh đang được tổ chức giao thông theo hướng giới hạn tốc độ theo làn. Ảnh: Tạ Hải.
Tình trạng này đang diễn ra phổ biến, nguyên nhân do tài xế chưa hiểu luật hoặc không chấp hành. Việc xử phạt chưa nhiều vì hiện lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn khi chứng minh lỗi này.
Theo quy định, xe sau có nhu cầu vượt thì xe trước phải nhường đường khi điều kiện phía trước cho phép. Đây là văn hóa và quy tắc tham gia giao thông, Luật cũng quy định khi nào lái xe cần chấp hành, nhất là quy tắc nhường đường, giữ làn đường và quy tắc về tốc độ để đảm bảo an toàn. Nếu lái xe tôn trọng và chấp hành các quy định, giao thông sẽ an toàn hơn.
Ông đánh giá thế nào về quy định tốc độ phương tiện trên các tuyến cao tốc hiện nay?
Quy định tốc độ trên các tuyến cao tốc hiện chưa đồng đều, một số tuyến vừa được điều chỉnh lên 90km/h. Tốc độ cao hay thấp là bài toán khá phức tạp cần có sự khảo sát đánh giá từ thực tiễn của từng tuyến.
Xét ở khía cạnh an toàn, khi tốc độ thấp sẽ giúp giảm tai nạn giao thông nhưng xét ở bài toán kinh tế sẽ làm giảm năng lực thông hành. Tất nhiên, chúng ta đặt tính mạng con người lên trên hết nhưng đây là bài toán cần cân nhắc để tối ưu hiệu quả đầu tư. Thường là phân loại theo chức năng của làn như làn vượt, làn cho xe tải hơn là theo tốc độ.
Trong điều kiện hạ tầng, phương tiện đang dần tốt lên mà thiết lập tốc độ thấp làm giảm hiệu quả đầu tư. Việc thiết lập tốc độ khai thác phải trên cơ sở 85% số người lái mong muốn đi ở tốc độ đó và người ta có thể điều khiển xe một cách an toàn.
Đây là căn cứ khoa học để xác định tốc độ tuyến đường. Việc thiết lập tốc độ khai thác cần có sự khảo sát, nghiên cứu, tính toán cụ thể.
Khi nào nên chia tốc độ theo làn xe?
Như ông vừa phân tích, tổ chức giao thông trên cao tốc không nên giới hạn tốc độ theo làn?
Hiện, chúng ta đang xây dựng nhiều tuyến cao tốc. Để phân làn xe theo tốc độ cần căn cứ vào điều kiện thực tế của từng tuyến. Chỉ khi có sự chênh lệch đáng kể về tốc độ giữa các loại phương tiện, độ dốc dọc, bán kính đường cong, số làn đường, độ nhám mặt đường mới cân nhắc việc phân tốc độ theo làn xe.
Hay ở những đoạn cho phép vượt như ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn, bắt buộc xe tải chạy chậm phải đi vào làn bên phải, dành làn đường bên trái cho xe có nhu cầu vượt.
Ở bước thiết kế chỉ đưa ra các vấn đề về mặt lý thuyết, dự báo trước được với điều kiện hình học của tuyến đường, dự báo tốc độ của từng loại phương tiện như xe con, xe tải, xe khách.
Trên đường thẳng thì sự chênh lệch tốc độ giữa các loại xe không nhiều nhưng ở các đoạn lên dốc, xuống dốc hay đường cong có sự chênh lệch lớn. Đây là cơ sở để khái quát hóa và đưa ra một quy tắc chung để phân làn đường theo tốc độ.
Nhưng phải chăng dù tốc độ có như thế nào nào thì ý thức chấp hành của người tham gia giao thông vẫn là quan trọng nhất, thưa ông?
Đúng như vậy, con người là yếu tố quan trọng trong xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Để có được điều này, ngay trong quá trình đào tạo cấp GPLX, ngoài kỹ năng điều khiển phương tiện, nên có những bài đánh giá hay rèn luyện ý thức tuân thủ về an toàn giao thông.
Mong muốn của cơ quan quản lý là thiết lập mạng lưới cao tốc giúp tăng liên kết vùng và giúp tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn chúng ta cần chấp nhận thực tế là có những tuyến cao tốc phải phân kỳ đầu tư và hình thức khai thác sẽ không giống như các tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh.
Vì vậy, trong thời gian đầu khai thác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tuần tra, xử phạt để chủ phương tiện quen với các tuyến đường phân kỳ đầu tư.
Cảm ơn ông!
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN:
Tách xe máy khỏi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Đối với cao tốc có nhiều làn xe, việc phân chia tốc độ theo làn xe là phù hợp, giúp người tham gia giao thông có sự lựa chọn, trật tự ATGT sẽ tốt hơn.
Với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, khi xây dựng vướng mặt bằng nên chưa làm được đường gom hai bên. Khi đó, đã tính đến việc phân làn cho xe máy đi vào quốc lộ 1 cũ. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa cao tốc và quốc lộ 1 quá xa, không thuận tiện cho người dân. Vì vậy, sau đó đã tổ chức giao thông hỗn hợp cho cả xe máy, dù tuyến đường đã đạt chuẩn cao tốc.
Hiện, đường gom đoạn qua tỉnh Bắc Ninh đã được đầu tư và cơ bản hoàn thành, Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN đã chấp thuận lập phương án tổ chức giao thông điều chỉnh.
Để khắc phục triệt để tình trạng trên cần tách xe máy ra khỏi đường cao tốc, tổ chức phân luồng xe máy đi vào hệ thống đường gom đã đầu tư của dự án và tận dụng, tổ chức giao thông, phân luồng xe máy đi vào đường quốc lộ 1 cũ (đường 295B); Không tổ chức giao thông hỗn hợp, đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc và hoàn trả thông tin biển báo đoạn Hà Nội - Bắc Ninh.