Có nên miễn học phí cho sinh viên ngành y như sinh viên sư phạm?

Đề xuất hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y tương đương sinh viên ngành sư phạm đang nhận sự quan tâm của dư luận.

Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y tương đương với ngành sư phạm.

Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị sinh viên y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học.

Hiện nay, học phí của ngành đào tạo y, dược luôn thuộc top các ngành học có học phí cao, dao động từ khoảng 15 - gần 200 triệu đồng/năm, tùy trường.

Sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.

Sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.

Một số trường đại học công lập đào tạo khoa học sức khỏe có học phí cao nhất hiện nay như: Trường Đại học Y dược TPHCM, với 2 ngành đào tạo bác sĩ học phí trên mức 80 triệu đồng/năm. Cụ thể, ngành Răng-Hàm-Mặt thu 84,7 triệu đồng/năm và ngành Y khoa thu 82,2 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Khoa học sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM) có học phí 60 triệu đồng/năm ngành Y khoa và 55,2 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo bác sĩ khác.

Năm học 2024-2025, dự kiến mức thu học phí của Trường Đại học Y Hà Nội vào các ngành từ 15 - 55,2 triệu đồng/năm học.

Những ngành có mức học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học là: Y khoa, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, Y học cổ truyền, Răng-Hàm-Mặt.

Theo các chuyên gia, mức học phí cao, cộng với thời gian theo học ngành y dài. Từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 - 9 năm. Đây là rào cản với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Phan Túy – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Hòa Bình đánh giá, đề xuất của Bộ Y tế có tính nhân văn nhằm thu hút sinh viên ngành y, dược.

Theo PGS.TS Phan Túy, ở các nước trên thế giới, học phí đào tạo ngành y, dược cũng ở mức rất cao. Sinh viên Việt Nam du học ngành y cũng rất hiếm. Nhiều em gia đình khó khăn muốn theo đuổi nghề y cũng không thể theo được.

Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, PGS.TS Phan Túy cho rằng, một bác sĩ ra trường làm việc tốt, có chuyên môn chắc thì việc đào tạo rất vất vả và tốn kém. Nếu ngành y hay như ngành sư phạm đào tạo đại trà mà không quan tâm tới chất lượng thì là một nguy hiểm tiềm ẩn. Vì vậy, PGS.TS Phan Túy cho rằng, đào tạo ngành y, dược cần quan tâm đầu tư là cần thiết để phần nào giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế.

Hiệu trưởng một trường đại học cho rằng, ngành y vốn đặc thù, có khối lượng học tập nặng và chi phí đào tạo tốn kém. Tuy đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành y nhằm thu hút người học trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực ngành y tế nhưng sẽ không khả thi vì ngân sách đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Thay vì miễn học phí, nên tính toán có chính sách về học bổng đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó có 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.

Bộ Y tế cũng đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tăng cường bổ sung chính sách đặc thù cho đào tạo nhân lực y tế.

Theo quy định hiện nay, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, sinh viên phải bồi hoàn nếu làm trong ngành không đủ thời gian (6-8 năm), chuyển sang ngành khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình hoặc bị buộc thôi học.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-nen-mien-hoc-phi-cho-sinh-vien-nganh-y-nhu-sinh-vien-su-pham-10297469.html