Đặt mục tiêu 5 trường lọt top 500 đại học tốt nhất thế giới
Đến năm 2030, mục tiêu của ngành giáo dục là ít nhất 5 cơ sở lọt top 500 trường đại học tốt nhất thế giới; 5 cơ sở vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á.
Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là mục tiêu đến năm 2030 của bậc giáo dục đại học. Cụ thể, nước ta đặt mục tiêu ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới; 5 cơ sở vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, mục tiêu khác là Việt Nam sẽ nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Đối với nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng sẽ ưu tiên đầu tư đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên. Các chương trình đào tạo đại học cũng cẩn triển khai dạy ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với phương án khuyến khích dạy học một số môn bằng ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông và đào tạo bằng ngoại ngữ ở một số ngành học đại học, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ.
STEM cũng là lĩnh vực được chú trọng phát triển. Theo đó, Thủ tướng phê duyệt phương án xây dựng và triển khai quy trình phát hiện sớm, bồi dưỡng và định hướng phát triển năng khiếu, tài năng trong học sinh, sinh viên, nhất là ở các môn học, ngành nghề STEM.
Ngành giáo dục được cho phép ưu tiên tuyển chọn và cấp học bổng cho những cá nhân xuất sắc đi học ở nước ngoài theo các chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục cũng đã được phê duyệt.