Có nên mở hé nắp capo khi ô tô đang di chuyển?

Nhiều tài xế cho rằng mở hé nắp capo khi di chuyển sẽ lấy được nhiều gió làm mát hơn, tuy nhiên việc này tiềm ẩn nguy cơ nắp capo bật lên gây mất an toàn.

Có nên mở hé nắp capo khi di chuyển?

Theo thiết kế của nhà sản xuất nắp capo thông thường sẽ có hai cơ cấu khóa, gồm một cơ cấu chốt khóa và một cơ cấu chốt khóa phụ. Việc bố trí tới hai cơ cấu khóa nhằm đảm bảo an toàn, giúp nắp capo không bị bung ra khi đang lái xe dẫn tới mất tầm nhìn gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, một số lái xe cho rằng chỉ cần cơ cấu khóa phụ là đủ đảm bảo an toàn, khi di chuyển quãng đường dài nên mở cơ cấu khóa chính để có thêm khe hở giúp lượng gió lùa vào khoang động cơ nhiều hơn, giúp tản nhiệt dễ hơn.

Trao đổi về vấn đề này, anh Đức Dũng, chủ gara ô tô 879 trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho rằng, việc mở hé nắp capo để giải phóng nhiệt độ khoang máy chỉ phù hợp khi xe không di chuyển, còn khi đi nhanh việc này không làm xe mát hơn mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Việc mở hé nắp capo khi di chuyển không giúp làm mát động cơ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh minh họa.

Việc mở hé nắp capo khi di chuyển không giúp làm mát động cơ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh minh họa.

"Ô tô là sản phẩm được nghiên cứu rất kỹ về khả năng vận hành, trong đó việc làm mát động cơ chủ yếu là bởi dung dịch (nước làm mát). Các luồng gió đã được tính toán để làm mát các bộ phận khác.

Khi mở hé nắp capo, luồng không khí không đi đúng theo hướng của nhà sản xuất, điều này không giúp làm mát động cơ mà còn dẫn tới giảm hiệu quả hệ thống làm mát", anh Dũng chia sẻ.

Anh Dũng còn cho biết, việc mở hé nắp capo khi xe di chuyển là rất nguy hiểm bởi nếu chạy với tốc độ cao, gió có thể làm nắp capo bung lên, đập ngược vào kính lái gây hư hại cho xe và mất an toàn cho những người bên trong.

Trên thực tế, không thiếu những trường hợp ô tô di chuyển mà nắp capo chưa đóng chặt đã bật lên và đập vào kính lái. Chủ xe sau đó phải mất đến cả chục triệu để khắc phục. Chưa kể, việc đóng nắp capo không chặt sẽ gây tiếng ồn "lạch cạch" khá khó chịu.

Những cách nên áp dụng để ô tô tản nhiệt tốt hơn

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên để chiếc xe có hiệu quả làm mát tốt, chủ xe nên thường xuyên vệ sinh khoang máy, loại bỏ rác, lá cây và các vật dụng che khuất đường gió vào ở mặt ca-lăng. Kiểm tra kỹ các hạng mục như nước làm mát, dầu máy trước mỗi chuyến đi xa.

Đối với những chiếc xe cũ có hệ thống làm mát kém, tài xế không nên để xe vận hành dưới trời nắng nóng quá nhiều giờ liên tục. Có thể chia nhỏ chặng đường để xe "nghỉ" khoảng 10-15 phút rồi mới tiếp tục di chuyển.

Trong quá trình lái xe cần thường xuyên quan sát đồng hồ báo nhiệt độ động cơ. Nếu phát hiện dấu hiệu xe bị quá nhiệt, cần lập tức tìm nơi thích hợp để đỗ xe. Sau khi đỗ, nên tắt máy và chờ động cơ nguội.

Cần chú ý vệ sinh khoang máy, kiểm tra định kỳ để động cơ đạt được hiệu quả làm mát tốt nhất. Ảnh minh họa.

Cần chú ý vệ sinh khoang máy, kiểm tra định kỳ để động cơ đạt được hiệu quả làm mát tốt nhất. Ảnh minh họa.

Nếu khoang máy quá nóng và có khói, hơi nước bốc lên thì nên mở nắp capo để đẩy nhanh quá trình tản nhiệt. Chỉ nên tiến hành kiểm tra các bộ phận bên trong khi động cơ đã nguội hẳn để đảm bảo an toàn.

Khi động cơ xe đang nóng, không nên mở nắp hoặc kiểm tra két nước làm mát để tránh bị bỏng. Trong quá trình kiểm tra, cần chú ý quan sát hệ thống làm mát bị hư hỏng, xác định vị trí rò rỉ nước làm mát nếu có.

Nếu bị thiếu hoặc hết nước làm mát, nên khắc phục tạm thời bằng cách đổ thêm nước làm mát hoặc nước sạch và đưa phương tiện tới gara sớm nhất có thể.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/co-nen-mo-he-nap-capo-khi-o-to-dang-di-chuyen-192240822113626955.htm