Có nên mua ô tô thanh lý từ ngân hàng?
Ngân hàng thường bán đấu giá ô tô do người mua xe trả góp không còn khả năng trả nợ. Nhiều người hỏi, có nên mua ô tô thanh lý từ ngân hàng?
Các ngân hàng vẫn thường tổ chức bán đấu giá ô tô do các cá nhân, tổ chức mua xe trả góp nhưng không còn khả năng trả nợ. Thực tế cho thấy, việc mua loại xe này ẩn chứa nhiều rủi ro.
Người đấu giá tự xác định chất lượng
Sáng 16/3, ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An tổ chức đấu giá chiếc xe ô tô Acura 3.6L màu bạc đời 2007 sản xuất tại Canada, giá khởi điểm của chiếc xe 7 chỗ nói trên là 653,4 triệu đồng.
Đáng chú ý, thông báo bán đấu giá tài sản ngân hàng lưu ý người mua bằng một ghi chú: “Tài sản được đấu giá nguyên trạng theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá xem xét tài sản và tự xác định chất lượng, số lượng, tình trạng của tài sản”.
Sau khi nộp 500.000 đồng mua hồ sơ đấu giá và nộp tiền đặt trước 65,3 triệu đồng (tương ứng 10% giá khởi điểm), người mua được bố trí đi xem xe tại một bãi gửi ở ngõ 2 Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Phía ngân hàng không cho lái thử hoặc đưa xe đi kiểm tra nếu chưa đủ tiền.
Thực tế có nhiều chủ xe khi gặp tai nạn, chi phí sửa chữa lớn nên thường bỏ qua và chờ ngân hàng đến siết nợ. Ngoài ra, thời gian lưu kho lâu cũng khiến nhiều chiếc xe xuống cấp. Vì vậy nếu người tham gia đấu giá không tinh tường sẽ rất dễ mua phải xe kém chất lượng.
Ngân hàng cũng lưu ý: “Giá khởi điểm không bao gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, các chi phí khác để chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, phí công chứng, phí đường bộ, phạt nguội (nếu có), phí đăng kiểm, thay đổi biển số... do người mua chịu trách nhiệm thanh toán”.
Từng tham gia đấu giá 1 ô tô thanh lý của ngân hàng VietinBank nhưng rồi bỏ cuộc, anh Hồ Quang Cương (trú tại ngõ 113 Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, các ngân hàng thường không cho lái thử xe.
Việc xem xe chỉ được phép khi đã đăng ký tham gia đấu giá, nghĩa là phải mua hồ sơ và nộp tiền đặt trước. Nếu bỏ giá trượt sẽ mất khoản tiền mua hồ sơ, số tiền đặt trước chỉ được hoàn lại sau phiên đấu giá.
Tuần trước, một lô 3 chiếc xe Mitsubishi Pajero của ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Nam Định cũng thông báo bán thanh lý, đơn vị bán đấu giá còn lưu ý người mua: “Người tham gia đấu giá không đăng ký xem tài sản được coi như chấp nhận hiện trạng giá trị, chất lượng tài sản đấu giá và không có bất kỳ khiếu nại, tố cáo đối với việc không xem tài sản”.
Một đấu giá viên của Công ty đấu giá hợp danh Sao Việt cho biết, hiện nay ô tô bán đấu giá là xe hình thành từ khoản vay, thế chấp tại ngân hàng và bị siết nợ, giấy tờ đăng ký do ngân hàng giữ bản chính. Đối với các xe bị siết nợ, việc đấu giá thường kéo dài, hiếm khi thành công ngay lần đấu giá thứ nhất.
Tin liên quan
Quy trình đấu giá ô tô bị ngân hàng siết nợ diễn ra như thế nào?
Xe siết nợ nhưng bán giá cao
Thực tế có nhiều ô tô được ngân hàng bán thanh lý thông qua đấu giá nhiều lần nhưng không thành. Có những chiếc xe thông báo đấu giá tới lần thứ 9 nhưng không có người mua. Sau mỗi lần đấu giá bất thành, giá trị khởi điểm thường bị giảm xuống từ 5 - 7%, nhưng vẫn không bán được.
Lý giải tình huống này, luật sư Đỗ Hồng Sơn (Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt) phân tích, việc đấu giá tài sản của mọi ngân hàng đều phải theo nguyên tắc bảo toàn vốn, cho nên giá trị chiếc xe tại thời điểm cho vay trong quá khứ (thuật ngữ kế toán gọi là “nguyên giá”) sẽ là căn cứ trọng yếu để ngân hàng duyệt bán tài sản. Vì vậy, dù xe bị cũ mòn nhưng ngân hàng vẫn muốn bán “nguyên giá” nhằm thu hồi vốn gốc.
“Do tính chất hao mòn tự nhiên, ô tô sẽ giảm giá từ 5 - 8%/năm, cộng với tình trạng lưu kho bãi không lăn bánh kéo dài nhiều tháng, làm chiếc xe thêm mất giá. Nhưng do nguyên tắc nói trên, khi đưa ra thanh lý, phía ngân hàng luôn muốn đặt giá cao hơn giá trị thực, thường là tương đương khoản vay”, luật sư Đỗ Hồng Sơn nói.
Nhiều người có ý định đấu giá xe thanh lý bày tỏ lo ngại về tính pháp lý, như chủ xe có thể không chỉ thế chấp để vay ngân hàng mà còn nhiều nơi khác để vay nợ. Hoặc xe đang nằm trong một vụ án hình sự.
Tuy nhiên theo luật sư Sơn, người trúng đấu giá xe ô tô không gặp trở ngại gì. Cơ sở pháp lý của việc này là điều 299 Bộ Luật dân sự 2015, quy định tài sản bảo đảm thế chấp trong ngân hàng sẽ bị thanh lý khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ.
Thỏa thuận này là một giao dịch dân sự, thường ghi sẵn trong bản khế ước đính kèm hợp đồng tín dụng. Thực tế, chưa có vụ việc nào chủ cũ kiện cáo phía ngân hàng về việc xe siết nợ bị bán thanh lý, vì chủ xe xác định mình đã từ bỏ quyền định đoạt tài sản nếu vi phạm khế ước.
Anh Vũ Hải, quản lý một showroom ô tô kiêm đại lý ký gửi ở phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) nhận định, mức đặt giá của xe thanh lý rẻ hơn xe cùng loại trên thị trường khoảng 5 - 10% nhưng chi phí cuối cùng gồm sửa chữa xe, nộp thuế phí và sang tên chuyển nhượng, tổng chi phí chưa chắc đã rẻ hơn.
Tiết lộ lý do những mẫu xe bán đấu giá của ngân hàng thường có giá cao, một nhân viên buôn bán ô tô cũ cho biết, sở dĩ như vậy bởi trong việc bán đấu giá loại xe này, các ngân hàng thường có các "đối tác" hay có thể còn gọi là "sân sau". Vì thế trong các phiên đấu giá họ thường để mức giá rất cao. Sau nhiều phiên đấu giá không thành công, mức giá sẽ được hạ thấp tối đa và khi đó các "đối tác" sẽ là người mua cuối cùng.
Theo một số người từng tham gia đấu giá ô tô thanh lý, người dùng không mặn mà với xe thanh lý của ngân hang còn có yếu tố tâm lý xe bị siết nợ, nghĩa là chủ cũ làm ăn không thuận.
Đặc biệt là mức giá khởi điểm đặt cao, thủ tục đăng ký tham dự đấu giá rườm rà, người mua chấp nhận cuộc mua bán “hên xui” về tình trạng kỹ thuật. Trong khi ra ngoài showroom xe cũ, người mua được lái thử xe, thậm chí đưa thợ tới “check xe” mà không tốn bất cứ đồng nào cho bên bán.
Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/co-nen-mua-o-to-thanh-ly-tu-ngan-hang-d585752.html