Có nên trả tiền khi con làm việc nhà?

Có một thực tế hiện nay là trẻ rất lười làm việc nhà để phụ giúp bố mẹ. Và câu hỏi mà nhiều phụ huynh đang thực sự quan tâm và băn khoăn đó là 'Làm thế nào để con có ý thức tự giác làm việc nhà?' hay 'Có nên trả tiền khi con làm việc nhà hay không?'. Việc trả tiền khi con làm việc nhà được nhiều gia đình áp dụng và cho thấy hiệu quả. Ưu điểm của việc trả 'lương' cho con làm việc nhà sẽ thúc đẩy khả năng làm việc của trẻ. Thay vì phải giục giã, quát mắng con làm việc mỗi ngày, bố mẹ có thể trả tiền để giúp con tự giác hơn. Khi làm sẽ được nhận 'tiền lương' xứng đáng với công sức bỏ ra, giúp trẻ hiểu, để có được mọi thứ trong cuộc sống, ai cũng phải nỗ lực làm việc. Với chính cậu con trai đang học lớp 7 của tôi, tôi cũng áp dụng hiệu quả phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ. Đến nay, con đã có một khoản tiền tiết kiệm khá từ số tiền mẹ trả khi làm việc nhà, điều quan trọng là con thấy vui và hạnh phúc với chính số tiền mình kiếm được. Mong muốn của con là sẽ chăm chỉ kiếm tiền từ công việc nhà để sau này có đủ tiền mua sắm thiết bị hiện đại phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, có thưởng, có phạt, tôi rèn con đức tính cẩn thận, làm việc có trách nhiệm bằng cách, số tiền con có được phụ thuộc vào kết quả lao động của con. Nếu con làm việc thiếu trách nhiệm, làm qua loa hay không hoàn thành như sắp xếp đồ đạc không ngăn nắp, gọn gàng, lau nhà bẩn, làm chưa xong việc… thì không nhận được tiền.

Khoảng 2 năm trở lại đây, cậu con trai đang học lớp 7 của vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên, thôn 1, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) đã chủ động xin được làm việc nhà ngay cả khi bố mẹ không yêu cầu. Nguyên nhân là do cậu được mẹ trả tiền sau khi hoàn thành công việc. Theo chị Duyên, trước đây, con trai chị gần như không làm bất kỳ việc gì ngoài việc học. Khi được yêu cầu, con thường lấy lý do có nhiều bài tập cần làm rồi tỏ thái độ khó chịu, vùng vằng và chống đối. Vì vậy, dù công việc của hai vợ chồng chị Duyên rất bận rộn nhưng mọi việc trong nhà từ dọn nhà, phơi quần áo, nấu cơm, rửa bát… đều do chị và chồng sắp xếp thời gian cáng đáng.

Chị Duyên cho hay: Trong một lần chia sẻ với người bạn thân về sự bất lực của mình trong vấn đề dạy con làm việc nhà, tôi đã được bạn tôi nói về kinh nghiệm của bản thân giúp con hứng thú và chăm chỉ làm việc nhà hơn. Đó là sau mỗi lần con hoàn thành công việc sẽ được mẹ trả tiền với số tiền dao động từ 5-10.000 đồng/lần, tùy vào mức độ khó và thời gian hoàn thành. Và đặc biệt là bố mẹ không phê bình hay la mắng con khi con làm chưa tốt, mà đều ghi nhận, dành cho con những lời khen rồi hướng dẫn con làm tốt hơn trong lần sau. Tôi đã áp dụng theo phương pháp này của bạn tôi và thấy rõ hiệu quả. Sau này, tôi không còn phải căng thẳng, quát tháo con khi muốn con làm việc nhà.

Về phía con, từ khi được mẹ trả tiền để làm việc nhà, con rất vui vì có một khoản tiền riêng do mình tự quản lý. Tiền kiếm được con dùng để mua đồ ăn, đồ chơi, sách, truyện và dụng cụ học tập mà con yêu thích. Điều đáng mừng nữa là từ khi có khoản tiền quỹ của riêng mình, con không còn đòi hỏi bố mẹ mua cho các thứ đồ chơi đắt đỏ nữa. Con biết tiếc tiền do công sức mình làm ra và chỉ mua sắm những thứ đồ cần thiết.

Trả tiền khi con làm việc nhà đang được các gia đình áp dụng.

Trả tiền khi con làm việc nhà đang được các gia đình áp dụng.

Trước đây, gia đình anh Trần Văn Bình, tổ 6, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) vẫn cho cậu con trai 11 tuổi và cô con gái 9 tuổi tiền tiêu vặt hằng tháng. Thế nhưng gần đây, anh không cần phải đưa tiền cho con thường xuyên nữa bởi con đã có “tiền lương” được anh trả sau mỗi công việc nhà các con làm. Hiện giờ, hai con anh Bình đã phụ giúp bố mẹ được rất nhiều việc nhà như quét dọn nhà, rửa bát, nhặt rau, tự chuẩn bị bữa ăn đơn giản khi bố mẹ vắng nhà, phơi, gấp cất quần áo, mua sắm một số đồ tiêu dùng thiết yếu hằng ngày như mắm, muối, đồ gia vị…

Theo anh Bình, thay vì cho con tiền tiêu vặt một cách dễ dãi, cha mẹ nên để cho con tự kiếm tiền để tiêu bằng chính công sức của mình. Khi đó, trẻ sẽ nhận biết được rằng, để kiếm được đồng tiền là không dễ dàng và bố mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con ăn học rất vất vả. Từ đó, con sẽ hiểu giá trị của lao động, biết trân quý đồng tiền và chi tiêu tiết kiệm hơn, thậm chí còn giúp con thấy được mình cần nỗ lực trong học tập để có tương lai tốt, một công việc tốt.

Trả tiền khi làm việc nhà giống như chị Duyên, anh Bình hiện đã không còn xa lạ với nhiều gia đình. Nhiều phụ huynh cho rằng đó là phương pháp hiệu quả để vừa dạy con kỹ năng làm việc nhà, vừa giúp con hiểu giá trị của đồng tiền, biết cách quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý.

Cô giáo Phan Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý) nêu quan điểm, việc trả tiền khi con làm việc nhà được nhiều gia đình áp dụng và cho thấy hiệu quả. Ưu điểm của việc trả “lương” cho con làm việc nhà sẽ thúc đẩy khả năng làm việc của trẻ. Thay vì phải giục giã, quát mắng con làm việc mỗi ngày, bố mẹ có thể trả tiền để giúp con tự giác hơn. Khi làm sẽ được nhận “tiền lương” xứng đáng với công sức bỏ ra, giúp trẻ hiểu, để có được mọi thứ trong cuộc sống, ai cũng phải nỗ lực làm việc. Với chính cậu con trai đang học lớp 7 của tôi, tôi cũng áp dụng hiệu quả phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ. Đến nay, con đã có một khoản tiền tiết kiệm khá từ số tiền mẹ trả khi làm việc nhà, điều quan trọng là con thấy vui và hạnh phúc với chính số tiền mình kiếm được. Mong muốn của con là sẽ chăm chỉ kiếm tiền từ công việc nhà để sau này có đủ tiền mua sắm thiết bị hiện đại phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, có thưởng, có phạt, tôi rèn con đức tính cẩn thận, làm việc có trách nhiệm bằng cách, số tiền con có được phụ thuộc vào kết quả lao động của con. Nếu con làm việc thiếu trách nhiệm, làm qua loa hay không hoàn thành như sắp xếp đồ đạc không ngăn nắp, gọn gàng, lau nhà bẩn, làm chưa xong việc… thì không nhận được tiền.

Cô giáo Phan Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý).

Bên cạnh mặt lợi ích nhìn thấy rõ, nhiều phụ huynh cũng lo ngại, việc bố mẹ trả công cho con làm việc nhà sẽ mang lại những hệ lụy. Việc này nếu kéo dài có thể khiến cho trẻ hiểu sai lệch về trách nhiệm cá nhân trong gia đình. Trẻ sẽ mặc nhiên coi việc nhà là của người lớn. Từ đó, trẻ sống ỷ lại và chỉ làm việc khi được người lớn trả công mà không thấy có trách nhiệm, nghĩa vụ của mình ở đó. Đáng lo ngại nhất là trẻ sẽ không trân trọng công sức đóng góp của bố mẹ dành cho gia đình và coi việc được hưởng thành quả từ công sức làm việc của bố mẹ là điều hiển nhiên, từ đó có thể xuất hiện những hành vi ích kỷ.

Theo các chuyên gia giáo dục, mỗi gia đình có cách giáo dục và dạy con theo cách khác nhau. Điều quan trọng là làm sao giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền và biết quản lý tài chính tốt. Về phương pháp trả tiền cho con làm việc nhà, bố mẹ hoàn toàn có thể áp dụng để khích lệ con. Tuy nhiên, mọi phần thưởng đưa ra phải xứng đáng và phù hợp với thành quả lao động của con. Với những công việc nặng hơn, mất nhiều thời gian hơn thì có thể nhận thù lao cao hơn hoặc có thêm phần quà nhỏ động viên. Thế nhưng, để các con hiểu rõ được trách nhiệm bản thân trong gia đình, bố mẹ không nên trả công khi trẻ tự mình làm những việc của cá nhân như thu dọn đồ chơi, bàn học, sách vở của mình; gấp, thu gọn quần áo, chăn gối của mình khi thức giấc; chuẩn bị bữa ăn của mình khi bố mẹ vắng nhà; rót nước mời ông bà, bố mẹ…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ban-doc/co-nen-tra-tien-khi-con-lam-viec-nha-123801.html