Có nên uống nước lá sen hằng ngày?
Trong cuộc sống, nhiều người có thói quen dùng lá sen hãm trà, đun nước uống thay nước lọc hằng ngày, với mong muốn cải thiện sức khỏe. Vậy thói quen này có tốt không?
Lá sen là một trong những vị thuốc nam có tính ứng dụng cao, được sử sụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Đại đa số mọi người thường nghĩ rằng lá sen tốt, nhưng để thực sự hiểu công dụng của lá sen đối với sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Nội dung
1. Đặc điểm của lá sen
2. Công dụng của lá sen
3. Những ai không nên dùng lá sen?
Việc dùng thảo dược đúng bệnh, đúng thuốc là phác đồ điều trị phù hợp, rút ngắn thời gian điều trị nhất.
Do vậy, chúng ta cần hiểu rõ thông tin về lá sen để dùng đúng lúc, đúng chứng bệnh. Sử dụng hiệu quả tối ưu lá sen, tránh lạm dụng hoặc dùng không đúng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
1. Đặc điểm của lá sen
Lá sen hay còn gọi là hà diệp, tên khoa học Folium Nelumbinis.
Lá sen phơi khô, nguyên hình tròn, nhăn nheo, nhàu nát, đường kính từ 30 – 60cm. Mặt trên lá màu lục tro, hơi nhám; mặc dưới màu lục nâu, nhẵn bóng, mép nguyên. Gân lá sen có khoảng 17 – 23 gân tỏa tròn như hình nan bánh xe. Lá có mùi thơm.
Tính vị: Vị đắng, hơi chát, tính bình. Quy kinh: Can, tỳ, vị.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải thử (chữa bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra), khử ứ (phá ứ trệ), chỉ huyết (cầm máu).
Điều trị cho các trường hợp: Say nắng, sốt vào mùa hè, buồn nôn kèm đi ngoài vào mùa hè… điều trị cầm máu khi kết hợp một số vị thuốc thanh nhiệt khác…
2. Công dụng của lá sen
Lá sen thơm, tính mát, vị thanh; khi uống nước lá sen tạo cảm giác thư thái, loại bỏ "nhiệt tích", loại bỏ độc tố trong cơ thể. Lá sen giá thành rẻ, chúng ta có thể mua bất kể ở đâu và bất kể thời gian nào.
Do vậy trong cuộc sống dân gian hiện nay, thường có thói quen sử dụng lá sen hãm lấy nước uống hàng ngày, trong một thời gian dài với mong muốn cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, lá sen trong đông y là một vị thuốc được dùng để chữa bệnh. Hay nói cách khác, lá sen có dược tính, giúp giải thử, lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, nhuận trường…
Lá sen có công dụng rất tốt với người đang mắc chứng say nắng, sốt vào mùa hè, bị say nắng dẫn đến vừa nôn vừa đi ngoài… Trường hợp không gặp các triệu chứng này mà uống nước lá sen e rằng tác động dược tính của lá sen không những không cải thiện sức khỏe, mà còn khiến cơ thể mất cân bằng, hình thành một số bệnh mới.
3. Những ai không nên dùng lá sen?
Lá sen chống chỉ định với phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Vì lá sen có tính khử ứ, khí huyết lưu hành "trơn tru", nếu người đang đến kỳ kinh nguyệt dùng lá sen, dược tính lá sen sẽ khiến rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều, dai dẳng… dẫn đến mất máu, thiếu máu… làm cho cơ thể mệt mỏi.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không dùng lá sen vì nó gây ảnh hưởng không tốt đến bào thai hoặc sức khỏe của bé.
Dùng lá sen với người thể trạng hàn, sốt do cảm phong hàn, vừa nôn vừa tiêu chảy do nguyên nhân khác không phải do say nắng… sẽ khiến tình trạng bệnh lý không đỡ, mà kéo dài thời gian mắc bệnh, có thể khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn.
Hơn nữa, cần lưu ý đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh lý nội khoa như suy thận, suy gan… Do lá sen là thuốc, có thành phần dược tính, ít nhiều sẽ có tác động đến cơ thể. Vậy nên cần thận trọng khi sử dụng.
Tóm lại, dùng lá sen hãm trà, đun nước uống thay nước lọc hằng ngày cần phù hợp với thể trạng bệnh cụ thể.
Lá sen nói riêng, các loại lá có dược tính nói chung, đều có tính chất dược lý, do đó khi sử dụng cần đúng người, đúng thể bệnh, đúng thời điểm.
Nên tham vấn ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền khi dùng bất cứ thảo dược nào, trong đó có lá sen để tránh những tác dụng không mong muốn do lá sen gây ra.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-uong-nuoc-la-sen-hang-ngay-169231023220143695.htm