Có nên xây dựng chế định luật sư công?

Việc luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công là điều cần thiết, tuy nhiên có nhiều quan điểm khác nhau trong việc có nên xây dựng chế định luật sư công hay không.

Hôm nay (17-4), Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ tư pháp tổ chức hội thảo kiến nghị giải pháp thu hút luật sư tham gia vào việc bảo vệ lợi ích công.

Luật sư công là gì?

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, bà Phạm Thùy Linh (đại diện Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp) cho rằng hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ về chế định luật sự công. Chế định luật sư công hay luật sư bảo vệ cho lợi ích công là một khái niệm mới, cần được nghiên cứu.

 Bà Phạm Thùy Linh (đại diện Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp) báo cáo dẫn đề tại hội thảo. Ảnh: YC

Bà Phạm Thùy Linh (đại diện Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp) báo cáo dẫn đề tại hội thảo. Ảnh: YC

Bà Linh nêu tại hội thảo một số mô hình luật sư công để các đại biểu cùng thảo luận và có thể đề xuất mô hình khác.

Mô hình 1: thành lập một hệ thống luật sư công là người làm việc trong nhà nước song song với luật sư tư (có chuyển đổi từ đội ngũ pháp chế viên, trợ giúp viên pháp lý không hoặc xây dựng mô hình luật sư công mới như thế nào).

Mô hình 2: thu hút luật sư tư tham gia bảo vệ lợi ích công (cách thức, cơ chế thu hút, chính sách thu hút cụ thể).

Mô hình 3 kết hợp vừa thu hút luật sư tư tham gia bảo vệ lợi ích công vừa hình thành văn phòng luật sư công trực thuộc một cơ quan nhà nước (Chính phủ/ Bộ Tư pháp/ Bộ Công thương...)

Rất nhiều vụ tranh chấp mà cơ quan nhà nước phải tham gia

Luật sư Lê Hồng Nguyên (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng hiện nay trong các vụ án hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước hầu như vắng mặt, tỷ lệ tham gia chỉ hơn 10%. Lãnh đạo các cơ quan thường hay vắng mặt hoặc ủy quyền cho cấp dưới như các chuyên viên tham gia nhưng chuyên viên lại không dám phát biểu ý kiến. Do đó, luật sư Nguyên cho rằng nên có luật sư công để đại diện, bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan nhà nước.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Phương Ngọc (Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương) cho biết hiện nay có rất nhiều vụ án tranh chấp đất đai, đầu tư… mà cơ quan nhà nước phải tham gia. Việc có luật sư công tham gia sẽ bảo vệ các lợi ích công tốt hơn.

Cũng theo bà Ngọc, việc thu hút đội ngũ luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong công tác khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp pháp lý…

Tuy nhiên, bà Ngọc cũng chỉ ra thực tiễn rằng số lượng luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công tại Bình Dương còn chiếm tỷ lệ thấp so với vụ việc phát sinh trên thực tế, chưa huy động tập hợp được hết trí tuệ của luật sư trong giải quyết vụ việc, chưa có cơ chế đặc thù, nguồn kinh phí chi trả cho luật sư tham gia vụ việc.

Từ đó, bà Ngọc nhận thấy việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư công là một hướng cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Đội ngũ này không chỉ tham gia bảo vệ lợi ích nhà nước trong các vụ việc pháp lý mà còn hỗ trợ xây dựng chính sách, thẩm định văn bản, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Nên sử dụng đội ngũ luật sư hiện nay để bảo vệ lợi ích công

Trong khi đó, Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) không ủng hộ chế định luật sư công.

 Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) không ủng hộ chế định luật sư công. Ảnh: YC

Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) không ủng hộ chế định luật sư công. Ảnh: YC

Theo luật sư Hải, hiện nay có 3 phương án đưa ra là nâng cấp công chức viên chức làm luật công, tuyển dụng luật sư làm luật sư công và sử dụng chính luật sư của chúng ta cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhà nước.

Theo ông Hải, hiện nay đã có “luật sư công” rồi, đó chính là các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, tham gia án chỉ định, tuyên truyền pháp luật… Tất cả những vấn đề đặt ra về nhu cầu hình thành luật sư công, kể cả nhiệm vụ của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước hiện nay đều có thể giao cho đội ngũ luật sư hiện tại đảm nhiệm. Nếu nhà nước muốn thành lập luật sư công để tham gia bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nhà nước, các Bộ, sở, các cơ quan ban ngành thì chỉ cần thay đổi các chính sách, chế độ để các luật sư tham gia bảo vệ cho nhà nước, cho lợi ích công.

Vì vậy, theo luật sư Hải nên tận dụng hơn 20.000 luật sư hiện nay, tận dụng thành quả đóng góp 80 năm qua, hệ thống pháp luật xây dựng theo hướng này. Vì phương án này vừa không vi phạm nguyên tắc độc lập của nghề luật sư, không xây dựng thêm bộ máy mới và không cần sửa luật. Việc đặt ra chế định luật sư công sẽ thêm “cồng kềnh”, lãng phí ngân sách nhà nước, pha loãng chất luật sư của đội ngũ luật sư Việt Nam…

Từ đó, luật sư Hải đề xuất Bộ Tư pháp thay vì xây dựng chế định luật sư công thì nên tham mưu ban hành cơ chế chính sách về các trường hợp nên mời luật sư tham gia, tạo điều kiện cho các luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công (cho doanh nghiệp nhà nước, các bộ ngành và địa phương).

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC.

Đồng tình, luật sư Phan Thông Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng không nên thành lập luật sư công để hình thành luật sư công và luật sư tư.

Về mô hình Bộ Tư pháp đưa ra, ông Anh chọn mô hình 2 (thu hút luật sư tư tham gia bảo vệ lợi ích công). Theo luật sư Anh, cứ để luật sư hoạt động bình thường và nhà nước có thể hợp tác bằng một hợp đồng, tức khi cần có thể ký hợp đồng với luật sư để tham gia. Về nội dung, luật sư tham gia bảo vệ cho nhà nước trong các phiên tòa hành chính, tư vấn trợ giúp pháp lý, tư vấn các vụ án tranh chấp quốc tế và tư vấn pháp lý cho các dự án ODA. Về quản lý nên đặt dưới sự quản lý của Sở Tư pháp địa phương.

Không cần thiết xây dựng luật sư công

Việc thành lập chế định luật sư công là không cần thiết. Bởi đã là luật sư, đều có và phải thực hiện chức năng xã hội của luật sư như quy định tại Điều 3 Luật Luật sư, có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý... Tức đã là luật sư thì đều có nghĩa vụ, có quyền tham gia bảo vệ lợi ích công mà không có sự phân biệt là luật công thì mới tham gia bảo vệ lợi ích công. Thực tế, nhiều năm qua, luật sư Việt Nam đã tham gia bảo vệ lợi ích công và mang lại hiệu quả đáng kể cho đất nước.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Đoàn Luật sư TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Với 20.000 luật sư thì luật sư Việt Nam đã và đang tham gia bảo vệ lợi ích công ngày càng nhiều hơn. Đi kèm đó, chất lượng luật sư tham gia bảo vệ lợi ích công cũng ngày càng được nâng cao.

Cạnh đó, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy nhà nước, việc xây dựng định chế luật sư công bên cạnh đội ngũ luật sư tư, lập đội ngũ này thông qua tuyển dụng họ làm viên chức hoặc thành lập Văn phòng luật sư công trực thuộc cơ quan Nhà nước là không phù hợp. Việc thành lập đội ngũ luật sư công thông qua những hình thức này sẽ khó tránh được những mâu thuẫn, xung đột giữa quy định của Luật Luật sư về một trong những nguyên tắc hành nghề của Luật Luật sư là độc lập với các nguyên tắc, quy định đối với viên chức.

Ngoài ra, việc xây dựng định chế luật sư công khó tránh khỏi việc xảy ra nhận thức, ý thức luật sư công thì quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, cần được bảo vệ hơn, cần được tạo điều kiện hơn luật sư tư. Từ đó, không khó để dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa luật sư công, luật sư tư, sự không bình đẳng giữa luật sư công và luật sư khi hoạt động hành nghề luật sư.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/co-nen-xay-dung-che-dinh-luat-su-cong-post844870.html