Có nên xây hầm chui tại vòng xoay Dầu khí ở Vũng Tàu?

Về phương án thiết kế hầm chui dưới tượng đài Dầu khí từ đường 2/9 sang đường Thống Nhất (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) vẫn còn một số ý kiến trái chiều, chưa thực sự đồng thuận, trong khi cơ quan chức năng khẳng định công trình thực sự cần thiết để giảm ùn tắc.

Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn An Ninh – 2/9 và Thống Nhất (mới), UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất phương án thiết kế hầm chui dưới tượng đài Dầu khí từ đường 2/9 sang đường Thống Nhất (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu), theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải tỉnh. Tuy nhiên xung quanh chủ trương này, về phía người dân vẫn còn một số ý kiến trái chiều, chưa thực sự đồng thuận, trong khi cơ quan chức năng khẳng định công trình thực sự cần thiết để giảm ùn tắc.

Còn nhiều băn khoăn

Anh Nguyễn Văn Linh, ở phường 3, TP Vũng Tàu, làm nghề lái xe du lịch cho biết: khu vực vòng xoay tượng đài Dầu khí chỉ bị kẹt xe vào giờ cao điểm, cho nên việc đầu tư đến 500 tỷ đồng để làm hầm chui chưa thực sự cần thiết. Để tiết kiệm chi phí, thay vì làm hầm chui thì nên xây cầu vượt.

Bình thường lưu lượng phương tiện vào vòng xoay tượng đài Dầu khí rất ít.

Bình thường lưu lượng phương tiện vào vòng xoay tượng đài Dầu khí rất ít.

"Xây hầm chui cũng tốt nhưng tôi thấy để tiết kiệm ngân sách, xây cầu vượt phù hợp hơn, cầu vượt bằng sắt cũng được. Cầu vượt thi công nhanh, lại không tốn kém bằng hầm chui. Thi công phải có rào chắn, do đó phương tiện không bị di chuyển chậm do vướng các rào chắn"- anh Linh nói.

Ông Hùng, một người dân cư ngụ trên đường 2/9, TP. Vũng Tàu cũng cho biết, trừ những giờ cao điểm, còn bình thường các phương tiện vẫn lưu thông dễ dàng qua vòng xoay tượng đài Dầu khí. Vì thế, thay vì làm hầm chui, ông Hùng đề xuất có thể nghĩ đến việc mở các đường “xương cá” để giảm lượng phương tiện vào vòng xoay. Bởi nếu làm hầm chui dưới vòng xoay Dầu khí còn liên quan đến yếu tố an toàn kỹ thuật cũng như kết cấu chịu lực.

"Việc xây hầm chui dưới vòng xoay Dầu khí ở thời điểm này là chưa thật sự cần thiết, khi mà bỏ ra quá nhiều tiền để thi công. Nếu đầu tư như thế thì nên tính phương án di dời tượng đài Dầu khí đi, vừa giải quyết vấn đề cảnh quan lâu dài cũng như vấn đề ùn ứ giao thông. Đường hầm này ảnh hưởng 2 đầu, vì phải tách con đường chính giữa nên 2 bên sẽ bị hẹp đi, về mặt kỹ thuật không đơn giản"- ông Hùng cho biết.

Phương án nào khả thi?

Về góc độ quản lý đô thị, ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu quan điểm, vì là “nút giao cùng mức” (nơi có hai hoặc nhiều tuyến đường giao nhau trên cùng một mặt bằng) nên hiện nay, vào giờ cao điểm tại vòng xoay Dầu Khí thường xảy ra tranh chấp giao thông. Việc bố trí “nút giao khác mức” (nơi có hai hoặc ba tuyến đường giao nhau với cao độ khác nhau) tại vị trí vòng xoay là cần thiết, tuy nhiên phương án được lựa chọn phải phù hợp với hiện tại và tương lai cũng như quy hoạch không gian của thành phố.

Theo ông Thụy, trục đường 2/9 là tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào Trung tâm thành phố nên phương án xây hầm chui dưới chân tượng đài Dầu khí là khả thi nhất. Ông Thụy cho rằng, chỉ cần giải quyết được bài toán ứ đọng nước dưới hầm chui bằng cách thoát nước cưỡng bức thì phương tiện tham gia giao thông qua hầm chui sẽ thuận lợi, còn xây cầu vượt tại vị trí trên sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị.

"Đối với nút giao tượng đài Dầu khí thì giải pháp đi khác mức bằng hầm chui về mặt cảnh quan không bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được tượng đài. Việc xây cao lên như cầu vượt thì chắc chắn sẽ che chắn các công trình, không gian khu vực đó sẽ bị ảnh hưởng, đó là nhược điểm của công trình trên cao"- ông Thụy cho biết.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị chủ đầu tư công trình, có rất nhiều phương án để giảm ùn ứ giao thông ngay nút giao vòng xoay Dầu khí, Sở cũng tính đến việc thu nhỏ vòng xoay, hoặc di dời tượng đài Dầu khí đến vòng xoay Cửa Lấp, phường 12, TP Vũng Tàu. Tuy nhiên phương án khả thi nhất, vừa hiện đại vừa có giá trị lâu dài vẫn là xây dựng hầm chui từ phía đường 2/9 qua đường Thống Nhất mới.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng nên quan tâm nhiều hơn đến giá trị sử dụng của công trình. Nếu xây hầm chui tại vòng xoay Dầu khí thì chi phí cao hơn cầu vượt, nhưng làm cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến không gian đô thị của TP Vũng Tàu.

"Không phải làm hầm chui để khắc phục ùn ứ giao thông, nhưng một nút giao không có nhiều giao cắt với nhau vẫn là phương án tối ưu, các phương tiện không giao với nhau và không dừng thì cảm thấy thành phố văn minh, hiện đại và đáng sống. Làm cầu vượt ở vòng xoay Dầu khí cũng là phương án tốt nhưng sẽ làm xấu đô thị, đương nhiên hầm chui sẽ tốn tiền hơn"- ông Trần Thượng Chí cho biết.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến người dân đóng góp. Tuy nhiên, lãnh đạo sở này cho hay nếu làm cầu vượt phía trên tượng đài thì tĩnh không sẽ khá cao, không phải phương án hợp lý, còn dời tượng đài Dầu khí đi nơi khác cũng tốn kém và lãng phí./.

Gia Khang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-nen-xay-ham-chui-tai-vong-xoay-dau-khi-o-vung-tau-826346.vov