Cố nhạc sĩ Đinh Quang Hợp - Giản dị và chân tình
Vào những năm cuối thập niên 60 - đầu 70 của thế kỷ trước, có một bài hát rất được công chúng ưa thích. Hầu như ở đâu người ta cũng hát. Những chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh thì luôn vang lên bài này. Đó là bài 'Tiếng hát sông Lam' của Đinh Quang Hợp: 'Ơ! Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh. Thuyền em lên thác xuống ghềnh. Nước non là nghĩa là tình ai ơi...'.
Mấy câu mở đầu trên đã cho thấy rõ cái phong vị dân gian của bài hát. Điều đặc biệt thú vị là tuy bài hát viết về quê hương Nghệ An mà công chúng ở khắp nơi đều ưa thích. Chỉ vì bài hát hay, nghe thấy thú vị và hát thì rất “đã” chứ người ta không mấy bận tâm đến tác giả viết về vùng đất nào. Có những hội diễn văn nghệ được tổ chức không phải ở Nghệ An, các bạn diễn viễn vẫn đưa lên sân khấu bài này.
Cái tên Đinh Quang Hợp đối với số đông công chúng có thể chưa thấy quen như nhiều tên tuổi nhạc sĩ khác nhưng quả là bài này thì ít người thấy xa lạ. Nhắc đến những ca khúc hay nhất trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1964 -1975), không thể không nhắc đến bài này.
Về sự ra đời ca khúc nổi tiếng này, có lần Đinh Quang Hợp kể với tôi: Năm 1966, khi đang giảng dạy ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) ông cùng một nhóm nhạc sĩ đi thực tế ở khu 4. Lúc này, nơi đây, chiến tranh đã rất ác liệt. Đinh Quang Hợp chứng kiến cảnh giặc Mỹ ném bom tàn phá ruộng đồng, làng mạc và tinh thần chiến đấu chống trả quân thù của quân dân Nghệ An rất ngoan cường. Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên đã bị bắn rơi. Rất nhanh chóng, ông cho ra đời bài hát với âm hưởng lạc quan, dạt dào khí thế chiến thắng.
Nghệ sĩ Sông Thao khi ấy làm việc ở Đoàn Ca múa Nghệ An đã được tác giả mời hát lần đầu tiên ca khúc này. Sau đó, khi trở ra Hà Nội, ông đem tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam và được ca sĩ Tường Vi thể hiện lại trên làn sóng. Chỉ sau một vài lần phát, bài hát đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của thính giả. Rất nhiều thư từ khắp nơi gửi về Đài yêu cầu phát lại trong chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả.
Chuyện rằng có lần Bác Hồ đón tiếp một phái đoàn khách quốc tế, Người cho mời Tường Vi đến hát chiêu đãi khách. Chị đã hát bài này khiến Bác rất xúc động. Người nói với khách: “Bài hát này nói về quê tôi đó. Ở quê tôi, không nói là “nước” mà là “nác”, nhưng để cho phổ thông, dễ hiểu, tác giả đã dùng từ “nước””. Người cũng hỏi Tường Vi quê ở đâu mà hát bài về Nghệ An hay vậy, cứ như chính người quê ở đây hát. Khi chị cho Bác biết mình quê ở Tam Kỳ (Quảng Nam) chứ không ở Nghệ - Tĩnh thì Bác rất khen, nói rằng “Cháu đã ngấm được chất dân ca vùng Nghệ An nên hát rất hay, ra đúng chất vùng này”. Sau sự việc này, bài hát lại càng được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng nhiều và vì vậy mà sức lan tỏa lại càng mạnh hơn.
Nghe bài hát trên, nhiều người nghĩ Đinh Quang Hợp có quê ở Nghệ An. Nhưng không phải. Ông sinh ngày 6/6/1935 tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Lớn lên, ông đi văn công khu ủy Tây Bắc rồi về học sáng tác ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Học xong, tiếp tục được tu nghiệp thêm ở Nhạc viện Xôphia (Bungari) từ 1969 - 1972. Về nước, ông giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Về sau, chuyển sang làm Giám đốc Công ty biểu diễn Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa (Vinaconcert) và nghỉ hưu tại đây.
Được học hành bài bản, Đinh Quang Hợp sáng tác kỹ, chỉn chu, thận trọng trong từng nốt nhạc. Số lượng tác phẩm không nhiều nhưng ông viết chắc. Ông vẫn nói với học trò: “Các bạn khi chưa học có thể viết mạnh, viết nhanh vì “điếc không sợ súng”, nhưng khi đã học hành cẩn thận thì không thể viết như vậy mà phải cân nhắc rất kỹ từng nốt nhạc, từng chi tiết nhỏ nhất”.
Ngoài bài “Tiếng hát sông Lam” nổi tiếng, Đinh Quang Hợp còn những ca khúc có chất lượng khác: “Con đường quê Thanh”, “Huyền thoại tình yêu”, “Hoa Lư non nước tình yêu”, “Bức thư sông Đà”, “Làng mới trên đất biển”, “Câu hò trên những dòng kênh”, “Ánh mắt vào đời”, “Nhịp cầu sông Mã”… Ông cũng là tác giả nhiều tác phẩm khí nhạc: Bản sônát cho đàn piano “Nước xoáy”, sônát cho hai đàn piano và violon “Cô gái đất dừa”, tam tấu đàn thập lục “Hội xuân”, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền “Trên đồng ruộng quê hương”. Thanh xướng kịch “Lửa và hoa”. Dịp chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông viết bản giao hưởng hoành tráng “Chiếu rời đô”. Ngoài ra, có 6 bản giao hưởng khác và ôpêra (nhạc kịch) “Biển sống mãi trong tôi”.
Đinh Quang Hợp giản dị, bình dân, có tính cách điềm đạm, ôn hòa, sởi lởi, dễ gần. Có chút vốn liếng, kinh nghiệm gì trong nghề nghiệp, ông tận tình chỉ bảo, truyền hết cho các học trò nên được họ rất quý mến, gần gũi. Với bạn bè, đồng nghiệp, ông chân tình, cởi mở.
Tôi có một số lần cùng ông đi sáng tác tiết mục cho các đoàn văn công địa phương. Năm 1981, chúng tôi cùng vào làm việc ở đoàn Ca múa miền núi Thanh Hóa (khi ấy, tỉnh này có hai đoàn ca múa, một miền xuôi và một miền núi). Đinh Quang Hợp có viết cho đoàn vở ôpêrét (nhạc kịch có quy mô nhỏ, ngắn hơn ôpêra). Trước khi dàn tập, ông nhờ tôi xem lại và sửa chữa phần lời ca. Tôi vừa nể, vừa cũng bận nên ngại, đã từ chối khéo. Ông nói: “Mình yếu về văn học, nhất là làm ca từ chưa được như ý. San giỏi văn chương và làm ca từ hay, gắng giúp mình. Cần thì mình đề tên cậu ở phần lời ca”. Tôi không đồng ý như vậy vì nếu có sửa giúp ông, chỉ là chút ít, không đáng kể. Không thể đề liên danh như thế. Và tôi đã cố gắng đáp ứng ông.
Nói chi tiết này để thấy ông rất khiêm tốn, luôn cầu thị dù khi ấy đã có bài “Tiếng hát sông Lam” nổi tiếng và đang là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, trong khi tôi thậm chí còn chưa ngồi ghế trường này. Ông còn rất chân tình khi góp ý sáng tác mới cho tôi mà không né tránh hoặc khen xã giao. Vậy nên ông là một trong những người tôi hay xin ý kiến mỗi khi viết xong một bài. Thường ông góp ý rất đích đáng khiến tôi bị thuyết phục.
Lần ấy, tôi viết bài “Tiếng hát giữa quê hương”. Sau khi nghe tôi hát, ông góp cho một chỗ thật chí lý. Tôi để một nốt ở vòng hòa thanh có phần mới mẻ. Ông đề nghị để ở một hòa thanh khác dung dị hơn. Ông nói: “Muốn mới mẻ, hiện đại gì thì cũng phải phục vụ ý đồ ban đầu. Bài này cậu viết về chủ đề định canh định cư cho miền núi ở Thanh Hóa. Cả bài đã ổn. Đến chỗ đó nghe bật ra ngoài, không được lô-gic với cả mạch âm nhạc chung, nghe hơi gượng”. Lúc đầu tôi chưa thông và đã không nghe ông. Đến khi tập cho diễn viên, họ cũng nói như ông. Thế là tôi phải sửa lại như ý ông góp.
Chẳng những sẵn sàng nghe lời góp của bất cứ ai về tác phẩm mới của mình, sau khi hoàn thành một bài, ông còn hay tham khảo tôi về việc lựa chọn ca sĩ thể hiện lần đầu tiên. Và ông luôn nghe theo. Ông có ý muốn thu thêm giọng một nam ca sĩ hát lại bài “Tiếng hát sông Lam” vì từ khi ra đời bài này, toàn nữ hát. Ông hỏi tôi nên là giọng nam nào. Tôi gợi ý ông tốt nhất là tìm ở đoàn Ca múa Nghệ An xem có nam ca sĩ nào không. Nếu chưa ưng ý, có thể thu giọng Trung Kiên. Nhưng ông nói Trung Kiên giọng bay, điêu luyện nhưng hơi sắc. Cuối cùng tôi nghĩ đến giọng Kiều Hưng. Nhưng không hiểu sau đó vướng mắc gì mà việc không thấy thực hiện. Đến bây giờ, chỉ toàn nữ hát bài này.
Đinh Quang Hợp cũng không giấu những chuyện thuộc cõi riêng tư. Ông rất hồn nhiên kể cho tôi nghe những ngày đầu tiên ông và phu nhân đến với nhau. Ông hỏi bà: “Anh hơn em những 10 tuổi, lại là dân âm nhạc, văn nghệ, chẳng được tích sự gì. Em thấy anh có gì hay không mà đến với anh?” (ngày ấy, hơn tuổi nhau như thế đã được coi là nhiều). Bà lườm ông một cách âu yếm rồi nói: “Anh khờ lắm. Không có gì hay thì giờ đã không như thế này”. Cho đến lúc xế bóng của cuộc đời, ông bà vẫn luôn xưng hô “anh, em” rất tình cảm mà không bao giờ “ông, bà” thay cho các cháu như nhiều cặp uyên ương lúc về già.
Bị bệnh phổi nặng từ mấy năm nay, mặc dù được gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng vào hồi 6 giờ ngày 29/12/2022, Đinh Quang Hợp đã vĩnh biệt cõi tạm, về miền mây trắng. Ông hưởng thọ 88 tuổi và lưu danh với một ca khúc để đời, xứng đáng nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012 và vừa được đôn lên Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt tới.