Có nhau từ chiến trường đến đời thường

Ngày đó, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều thanh niên đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường biên giới Tây Nam. Khi trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sĩ năm nào lại viết tiếp hành trình đầy tự hào trên mặt trận lao động, sản xuất.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Tuấn (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) có thu nhập ổn định từ mô hình xe nhang

Cựu chiến binh Đào Ngọc Tuấn (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) có thu nhập ổn định từ mô hình xe nhang

Khởi nghiệp từ nơi mình sinh ra

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1986 khi vừa tròn 19 tuổi, ông Đào Ngọc Tuấn (xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia.

Hai năm sau, ông xuất ngũ về địa phương và lập gia đình. Khi ra riêng, cha mẹ đều nghèo nên chẳng giúp đỡ được gì nhiều. Thu nhập của hai vợ chồng lúc bấy giờ chỉ dựa vào việc làm thuê, làm mướn. Với lòng nhiệt huyết, không ngại gian khổ của người lính Cụ Hồ được tôi rèn trong quân ngũ đã giúp ông Tuấn hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình. Cứ thế, ông nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế khác nhau và bắt đầu "bén duyên" với mô hình xe nhang.

Thời điểm bắt đầu, ông cũng gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Khó khăn đầu tiên là công thức pha bột nhang. Sau nhiều lần thất bại, ông quyết học hỏi, thử nghiệm rồi đúc kết ra công thức pha bột nhang cho riêng mình. Giải quyết được khó khăn này thì ông lại gặp khó khăn khác, đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nếu cứ làm thủ công thì không thể cạnh tranh, phải ứng dụng máy móc vào sản xuất trong khi gia đình lại không đủ vốn để đầu tư.

May mắn, ông được Hội Cựu chiến binh (CCB) xã tạo điều kiện vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn nghĩa tình ấy, ông đầu tư máy xe nhang, nhập nguyên liệu. Cũng từ đây, mô hình xe nhang của gia đình ông không ngừng phát triển. Trung bình mỗi ngày, ông cung cấp ra thị trường từ 70-80 thiên (mỗi thiên 1.000 bó) nhang, sau khi trừ chi phí, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/tháng.

CCB Đào Ngọc Tuấn bộc bạch: “Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi may mắn sống sót và được trở về với gia đình, còn nhiều đồng đội phải nằm lại trên đất bạn hay gởi lại một phần thân thể nơi chiến trường. Tôi nghĩ, mình đã may mắn hơn nhiều người nên càng phải cố gắng. Càng khó khăn thì mình càng phải kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn”.

Ngoài mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, ông Tuấn còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đặc biệt, ông còn là cựu chiến binh gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động.

Chủ tịch Hội CCB xã Long Hòa - Nguyễn Văn Hòa khẳng định: “Bắt đầu từ khó khăn, CCB Đào Ngọc Tuấn đã nỗ lực vươn lên. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với tinh thần vượt khó, anh đã gầy dựng sự nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Riêng với vai trò Chi hội trưởng CCB ấp 4, anh luôn gương mẫu, tích cực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Hội các cấp giao”.

Vẹn tình đồng đội

Ở trên đất công của Nhà nước, CCB Phan Văn Đạt (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) luôn lo lắng không biết phải di dời nhà lúc nào. Thu nhập bấp bênh, ông dành dụm mãi mới đủ mua một nền nhà trên cụm, tuyến dân cư và mơ ước không gì hơn là có tiền xây căn nhà của riêng mình.

Chia sẻ với đồng chí, đồng đội năm xưa, Hội CCB huyện Tân Hưng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ ông Đạt 80 triệu đồng xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội. Căn nhà đã được khởi công xây dựng, dự kiến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành. 80 triệu đồng đối với nhiều gia đình có lẽ là con số không lớn nhưng với ông Đạt thì ý nghĩa lắm bởi đây là số vốn mồi, giúp ông có thêm động lực hiện thực hóa ước mơ “an cư, lạc nghiệp”.

CCB Phan Văn Đạt trải lòng: “Nhận được hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà, tôi mừng lắm, cứ như mơ! Có số tiền này, tôi mới có động lực xây nhà. Giờ đây, mỗi viên gạch được đặt xuống, mỗi công đoạn được hoàn thành, tôi lâng lâng hạnh phúc. Ước mơ về căn nhà mới của tôi đang dần thành hiện thực”.

Cuộc sống gia đình cựu chiến binh Ngô Văn Cu (trái, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) ổn định hơn nhờ sự tiếp sức của Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hưng

Cuộc sống gia đình cựu chiến binh Ngô Văn Cu (trái, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) ổn định hơn nhờ sự tiếp sức của Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hưng

Tương tự ông Đạt, CCB Ngô Văn Cu (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cũng có cuộc sống ổn định nhờ sự tiếp sức của Hội CCB huyện. Cũng như bao CCB khác khi mới trở về với cuộc sống đời thường, ông Cu gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Với sự tiếp sức đầy nghĩa tình, năm 2020, ông được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà Đồng đội.

Từ khi có căn nhà mới, ông an tâm làm việc và phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi rắn ri voi. Nhờ nuôi rắn, ông có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. CCB Ngô Văn Cu phấn khởi nói: “Có căn nhà khang trang, sạch đẹp, tôi an tâm làm việc, kinh tế gia đình cũng từ đó đi lên. Từ 40 triệu đồng hỗ trợ, tôi xây phần thô sau đó tích cóp hoàn chỉnh căn nhà. Nhìn lại cuộc sống của gia đình bây giờ, tôi biết ơn đồng chí, đồng đội nhiều lắm!”.

Sau khi trở về cuộc sống đời thường, mỗi CCB đều có hoàn cảnh khác nhau. Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ được tôi rèn trong quân ngũ đã giúp họ vững vàng trên mặt trận sản xuất. Hơn hết, chính sự đoàn kết, sẻ chia đồng chí, đồng đội năm xưa dành cho nhau là động lực, tình thâm để họ tiếp tục vững bước./.

Chỉ tính trong năm 2024, Hội CCB các huyện, thị xã, thành phố vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 90 căn và sửa chữa 97 căn nhà Đồng đội, với tổng kinh phí gần 11 tỉ đồng.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-nhau-tu-chien-truong-den-doi-thuong-a193572.html