Hơn 300.000 tỷ đồng đổ vào hạ tầng Phú Quốc trước thềm APEC 2027
Phú Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2027. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho các dự án trên 300.000 tỷ đồng.
300.000 tỷ đồng vào Phú Quốc
Tại Hội thảo Bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững, ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBNDTP. Phú Quốc cho biết, những năm qua, thị trường BĐS Phú Quốc đã từng phát triển rõ nét. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, lĩnh vực này vẫn thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội. Thành phố xác định hạ tầng đô thị và du lịch là hai trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững.

Ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc phát biểu. Ảnh: Nhật Huy.
Ông Khoa cho biết, hiện Phú Quốc chiếm hơn 86% tổng số dự án đầu tư du lịch của tỉnh Kiên Giang, với diện tích hơn 9.485 ha và tổng vốn khoảng 388.410 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, CEO Group, Tân Á Đại Thành… đang triển khai các dự án quy mô lớn, góp phần thay đổi diện mạo Thành phố.
Đáng chú ý, theo ông Khoa, để chuẩn bị cho APEC 2027, hàng loạt công trình hạ tầng quan trọng đang được xúc tiến đầu tư, với tổng vốn dự kiến trên 300.000 tỷ đồng.
“Đây được kỳ vọng lực đẩy giúp thị trường BĐS Phú Quốc phục hồi và bước vào chu kỳ phát triển mới”, ông Khoa nói. Ông cũng khẳng định, chính quyền Thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Năm 2024, du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng, với 17,5 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. Riêng Phú Quốc đón hơn 5,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng hơn 73%, doanh thu đạt trên 21.000 tỷ đồng (chiếm hơn 84% tổng thu từ du lịch của tỉnh Kiên Giang).

Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Tuy nhiên, thị trường du lịch Phú Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như chi phí đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động chất lượng, vướng mắc pháp lý kéo dài và chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nghỉ dưỡng.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang cho biết Phú Quốc hiện có gần 500 cơ sở lưu trú với hơn 26.000 phòng. Tuy nhiên, để phục vụ cho APEC 2027 – sự kiện dự kiến thu hút 12.000–15.000 đại biểu quốc tế, đảo Ngọc cần bổ sung ít nhất 15 – 20 khách sạn 5 sao, cùng hàng chục phòng Tổng thống và nhiều cơ sở lưu trú 3 – 4 sao phục vụ hậu cần.
Sở Du lịch Kiên Giang đề xuất nhiều giải pháp, như đầu tư vào biệt thự nghỉ dưỡng tích hợp dịch vụ hội nghị – giải trí, nâng cấp dịch vụ đạt chuẩn quốc tế; ứng dụng công nghệ vào vận hành, phát triển lưu trú xanh – thông minh và mở rộng hệ sinh thái du lịch cao cấp.
Địa phương cũng đang xây dựng đề án đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2025. APEC 2027 được kỳ vọng là cú hích để Phú Quốc bứt phá và trở thành biểu tượng mới của du lịch Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Quang cảnh hội thảo.
Ông Nguyễn Anh Quê – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, thị trường BĐS Phú Quốc đã trải qua 3 giai đoạn rõ rệt: Chưa phát triển trước 2012, tăng trưởng nóng từ 2013 – 2018 nhờ kỳ vọng lên đặc khu, và giảm sâu từ 2019 – 2024 do khủng hoảng pháp lý và dịch COVID-19.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, theo ông Quê, thị trường BĐS Phú Quốc đã có tín hiệu phục hồi, với nhiều khu vực ghi nhận mức tăng giá từ 20 – 500%. Các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, Tân Á Đại Thành, Thái Group đang tích cực hoàn thiện pháp lý và chuẩn bị triển khai dự án trên đảo. APEC 2027 sẽ là đòn bẩy đưa thị trường “thoát đáy” từ quý IV/2025, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn tỷ đô vào đảo Ngọc trong dài hạn.
Kiến nghị thể chế đặc thù
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định, việc Phú Quốc được chọn đăng cai APEC 2027 là cơ hội “vàng” để nâng tầm vị thế quốc tế. Tuy nhiên, hạ tầng, pháp lý và tiến độ triển khai vẫn còn nhiều rào cản.
Ông Châu đề xuất, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp lý, ban hành cơ chế đặc thù cho Phú Quốc. Cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong cấp phép khai thác vật liệu, triển khai dự án cấp bách, phân cấp quyết định đầu tư hợp tác công - tư (PPP) về cho tỉnh.
“APEC 2027 là cú hích lịch sử, nhưng chỉ phát huy hiệu quả nếu Phú Quốc có đủ hành lang pháp lý để đột phá”, ông Châu nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, APEC 2027 là cơ hội lịch sử để Phú Quốc chuyển mình, vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự có ý nghĩa nếu thành phố tái định hình chiến lược phát triển, tập trung đầu tư hạ tầng, cải thiện quản trị đô thị và đặc biệt là nâng cấp cửa ngõ hàng không.
Ông Thiên cảnh báo nguy cơ phát triển méo mó trong bất động sản do tình trạng đầu cơ, phân lô, phá vỡ quy hoạch. Phú Quốc cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng khả thi, tăng tốc các dự án cấp thiết và thay đổi tư duy phát triển – không làm dự án để “chia phần”, để tạo ra giá trị cộng hưởng, bền vững.
“APEC 2027 là tình thế ‘bất thường’ thì giải pháp cũng phải ‘khác thường’. Cần một chương trình hành động ưu tiên cấp quốc gia với sự phối hợp trung ương – địa phương, trao quyền chủ động và sáng tạo cho địa phương, doanh nghiệp” ông Thiên nhấn mạnh.