'Có những khó khăn cần được chia sẻ, tháo gỡ!'

Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là nhóm vấn đề thứ tư, cũng là cuối cùng trong chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy lần này. Nhưng không vì thế mà những câu hỏi đại biểu dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giảm bớt sự sôi động, gai góc, hay tính thời sự.

Chuẩn bị cho phiên chất vấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Báo cáo số 163 dài 27 trang gửi đến Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, đó là Bộ ý thức một cách đầy đủ rằng, việc chất vấn không chỉ là đề cao vai trò giám sát của Quốc hội mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch của nước nhà. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “hết sức phấn khởi”. Đây cũng là dịp để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “được báo cáo với Quốc hội về những kết quả sau 2/3 thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Tinh thần này được “tư lệnh ngành” văn hóa, thể thao và du lịch duy trì trong suốt 160 phút đăng đàn trả lời các chất vấn của đại biểu chiều nay, 5.6, xoay quanh 3 vấn đề khá thời sự và sát sườn với đời sống xã hội thuộc lĩnh vực được giao quản lý nhà nước. Đó là công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật và giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có những việc “chúng ta thấy đúng, nhưng chưa phải làm được ngay”

Thông qua phần trả lời của Bộ trưởng, những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, thậm chí là những câu chuyện “chưa đẹp”, nếu không nói là “xấu xí”, những hiện tượng “phản văn hóa” gây bức xúc dư luận xã hội mà đại biểu nêu ra đã được trao đổi, tranh luận và làm rõ.

Nội dung các chất vấn cũng cho thấy, các vấn đề đại biểu nêu ra với “tư lệnh ngành” văn hóa không chỉ là những câu hỏi đơn thuần, mà chính là những nỗi niềm trăn trở, phản ánh phần nào tâm trạng băn khoăn, lo lắng của dư luận xã hội, của cử tri và Nhân dân cả nước với một lĩnh vực được Bác Hồ trao sứ mệnh rất lớn "soi đường cho quốc dân đi” và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ưu tư chia sẻ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đó là “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đáp lại sự mong đợi và kỳ vọng lớn lao đó, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn, rõ quan điểm, chính kiến trước từng chất vấn đại biểu nêu. Từ những nỗi lo chung của đa số vận động viên hiện nay mà ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phản ánh và đề nghị Bộ cho biết giải pháp lâu dài để bảo đảm tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, đặc biệt là những vận động viên không may gặp chấn thương trong quá trình thi đấu, cống hiến?

Hay, chất vấn của ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An): Bộ trưởng có giải pháp nào để duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc đang đứng nguy cơ dần mai một? Giải pháp của Bộ trưởng là gì khi mà sản phẩm du lịch đêm - một lợi thế được nhiều quốc gia khai thác một cách hiệu quả, nhưng ở Việt Nam còn đơn điệu, chưa đa dạng, đặc sắc để có thể thu hút, giữ chân du khách, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội - ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) chất vấn.

ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Cụ thể hơn là câu hỏi của ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí 300 tỷ đồng Quốc hội bố trí cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (theo Nghị quyết 43/2022/QH15) để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, nhưng hiện vẫn đang nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng với số tiền lãi được chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý Quỹ?...

ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Và, bên cạnh những vấn đề mang tầm vĩ mô, mà chắc chắn chưa thể giải quyết thấu đáo ngay trong ngày một, ngày hai, đó là làm cách nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản văn hóa và môi trường; các đại biểu cũng đề cập đến những vụ việc cụ thể khiến dư luận xôn xao, và “làm xấu đi” hình ảnh của văn hóa, thể thao, du lịch Việt Nam, như vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao…

Tất cả các vấn đề đại biểu đặt ra đều được Bộ trưởng trả lời. Song, có lẽ phần trả lời của Bộ trưởng chưa đủ làm hài lòng các đại biểu. Đơn cử, với việcgiải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao, Bộ trưởng tiếp tục khẳng định là “sẽ nghiên cứu…”, “sẽ rà soát…”, “sẽ ban hành…”. Chỉ rõ đây là điều mà những người có thẩm quyền đã trả lời từ các nhiệm kỳ trước, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn "sẽ..." là bao giờ?

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình và đánh giá cao phát biểu có tính chất xây dựng và gợi mở, đóng góp giải pháp cho Bộ của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chân thành chia sẻ, có những việc “chúng ta thấy đúng, nhưng chưa phải làm được ngay”, mà “cũng phải nghiên cứu”, bởi nếu đại biểu hỏi phải làm như thế nào ngay, thì “chúng tôi sẽ cố gắng quyết liệt nhất trong thời gian có thể trình được”.

Một ví dụ cho việc “thấy đúng mà chưa làm được ngay” liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là quỹ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập - hai loại hình này rất khó trong hoạt động, nên cũng có những vướng mắc. Nêu vấn đề này, song Bộ trưởng cũng khẳng định rõ: Tinh thần chung là “sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy, vận động lại” và nếu cần thiết thì báo cáo đánh giá tác động để xem xét sửa đổi Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch) để đưa Quỹ vào hoạt động, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến quảng bá du lịch như trong quy định trong Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua.

Phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa!

Qua chất vấn của đại biểu cũng như trả lời của Bộ trưởng cho thấy, còn không ít vấn đề đặt ra về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm nhất mà dường như cũng chưa có câu trả lời thật sự thỏa đáng, đó là giải pháp nào để giải quyết rốt ráo, dứt điểm những tồn tại, hạn chế cũng như tầm nhìn xa dài nào cho lĩnh vực này?

Dẫu vậy, kể cả trong trường hợp chưa có được giải pháp căn cơ, thì quan điểm nhất quán được Bộ trưởng khẳng định, cũng là chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, đó là “phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa dân tộc”; “phải kiên trì xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…

Và trong những tồn tại, hạn chế liên quan đến lĩnh vực du lịch, theo Bộ trưởng, vướng mắc chưa hẳn do một mình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đơn cử như tính chính xác, tin cậy của số liệu thống kê du lịch của Việt Nam mà ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) nêu ra, để tránh hiện tượng “chỉ làm 1km đường nông thôn nhưng có 5 ngành tham gia báo cáo và sau đó đã trở thành 5km đường”.

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định tầm quan trọng của số liệu thống kê, dù với bất cứ ngành hay lĩnh vực nào, song Bộ trưởng cũng nêu thực tế: Theo Luật Thống kê hiện hành, với lĩnh vực du lịch có 4 chỉ số thống kê (gồm: lượng khách quốc tế đến; lượng khách trong nước; doanh thu từ dịch vụ lưu trú; doanh thu từ dịch vụ lữ hành); và theo phân cấp thì Tổng cục Thống kê làm 3 chỉ số, còn chỉ số du lịch nội địa giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ cũng đã xây dựng thông tư để tập trung cập nhật chỉ số này, tuy nhiên vừa qua cũng có ý kiến cho rằng, số liệu đưa ra chưa chuẩn. Chính vì vậy, “Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã có Công điện số 06 nêu rất rõ phải chú trọng nội dung này để có được số liệu chính xác nhất, tránh sự nhầm lẫn "một con gà cả nhà báo cáo”, Bộ trưởng cho biết. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, “có thể phải liên kết, kết nối dữ liệu”… và công bố thống nhất trong Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Hồ Long

Tương tự như vậy, với câu chuyện lựa chọn “sản phẩm du lịch” - vốn dựa trên văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, từng miền, từng địa phương, vậy thì chọn thế nào để tránh tình trạng “chỗ nào cũng múa sạp, chỗ nào cũng xòe”…, ngoài việc đào tạo, hướng dẫn cho bà con, Bộ trưởng cũng nêu rõ, theo quy định của Luật Du lịch, thì “đây còn là trách nhiệm địa phương”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước; và quản lý nhà nước là phạm vi hẹp, còn lĩnh vực được giao quản lý là văn hóa, du lịch… thì rất rộng, mang tính chất của một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành và thực hiện theo sự phân cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ làm chức năng quản lý nhà nước. Do đó, khi đề ra một hoạt động du lịch "phải được tính toán rất kỹ".

Nói như vậy, không có nghĩa bức tranh "văn hóa, thể thao và du lịch" không có mảng sáng. Ở góc độ tiếp cận theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương (do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin), đã có một tín hiệu khá vui mừng khi đưa ra câu hỏi về việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa, thì câu trả lời là tỷ lệ này đã tăng 32%, từ 43% năm 2019 lên 75% năm 2024.

Song, như thừa nhận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thì ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn những mặt hạn chế.

“Toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ rằng, chúng ta phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó. Đặc biệt, phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; giữa mục tiêu hướng tới phải tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối còn hạn hẹp hiện nay. Và phải đặt vấn đề phát huy nguồn lực trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cũng đang phải tinh giản biên chế và tổ chức bộ máy cần được tinh gọn. Chính vì vậy, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thì cũng có những khó khăn cần được chia sẻ, tháo gỡ", Bộ trưởng nói.

Sáng mai, 6.6, còn 10 đại biểu nêu chất vấn và một tranh luận đang chờ đợi câu trả lời của Bộ trưởng.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/co-nhung-kho-khan-can-duoc-chia-se-thao-go-i374638/