Có những nhà văn đã nổi tiếng như thế!
Nhiều người vẫn nhầm tưởng sáng tác văn học là lĩnh vực chỉ dành riêng cho những người học hành bài bản, những người 'lắm chữ'. Sự thật không hẳn như vậy. Trong mỗi chúng ta đều là một người nghệ sỹ. Và phẩm chất đó chỉ chờ ngày được 'đánh thức' mà thôi.
Không ít nhà văn nổi tiếng trên thế giới chưa hề qua bất cứ một trường lớp đào tạo chính quy nào cả mà vẫn phát huy được tài năng nghệ thuật của mình thông qua sự kiên trì, cần mẫn và tự tin.
Charlotte Perkins Gilman
Charlotte Perkins Gilman nằm trong số những nhà văn nữ đầu tiên tạo dựng được tên tuổi của mình tại Mỹ. Vào giữa thế kỷ XIX, khi phụ nữ vẫn bị "xếp sau" trong xã hội thì bà đã dám đứng lên nói về một tương lai mà tất cả các giới tính đều được đối xử bình đẳng. Đến nay các nhà hoạt động nữ quyền vẫn còn đọc truyện ngắn và tiểu luận sáng tác bởi Charlotte Perkins để lấy nguồn cảm hứng cho hành động của chính mình.
Charlotte được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn. Một trong những người cô của bố bà là nữ văn sỹ Harriet Beecher Stowe, tác giả tiểu thuyết "Túp lều bác Tom" nổi tiếng. Vậy nhưng ngay từ nhỏ bà đã rơi vào khó khăn do người cha bỏ rơi gia đình đi lấy vợ khác. Mẹ bà phải lao động quần quật hằng ngày để nuôi hai con nhỏ, vì vậy mà cô bé Charlotte hầu như được nuôi lớn bởi hai người bà vốn là nhà giáo và nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng.
Gia đình Charlotte Perkins nghèo đến mức bà phải chuyển trường đến bảy lần và đến năm 15 tuổi thì chỉ mới học xong lớp 4. Nguồn an ủi duy nhất của bà là những cuốn sách bà mượn từ thư viện công. Tuy vậy, bà phải tạm gác lại giấc mơ viết lách mà kiếm việc làm nuôi bản thân. Charlotte từng làm nhiều nghề khác nhau như họa sỹ bưu thiếp, gia sư, thợ may, phụ bếp, v.v…
Sau khi sinh đứa con đầu lòng, Charlotte và chồng là họa sỹ CharlesWalter Stetson xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến li dị. Charlotte cùng con nhỏ chuyển đến California để sống trong khi không có một đồng xu dính túi. Mẹ và con sống lay lắt nhờ nghề bán xà - phòng dạo của Charlotte. Nhưng vận may cuối cùng cũng mỉm cười với bà. Nhờ sự động viên của nhiều người bạn thân, Charlotte chính thức cầm bút. Bà viết nhiều thứ, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến thơ, phóng sự và tiểu luận.
Vào thời điểm này, phong trào hòa bình, phong trào công nhân và phong trào nữ quyền bắt đầu phát triển mạnh ở Mỹ. Cả ba phong trào tìm được tiếng nói chung ở Charlotte. Các tác phẩm của bà nói về sự bình đẳng giữa mọi giới tính, mọi sắc tộc, mọi giai cấp trong một xã hội Mỹ phân hóa ghê gớm.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, truyện ngắn "The YellowWallpaper", tố cáo những thành phần cổ hủ chống đối sự tiến bộ của nền văn minh bằng cách cầm tù người phụ nữ trong chính ngôi nhà của họ. Truyện ngắn giống như một tiếng "sét đánh" giữa văn đàn đương thời và buộc bất kỳ người Mỹ nào có lương tâm phải xem xét lại vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Trong những năm còn lại của sự nghiệp, Charlotte Perkins sáng tác không ngừng nghỉ. Tác phẩm của bà giống như "kim chỉ nam" cho những người phụ nữ và công nhân đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình. Bản thân Charlotte cũng tham gia lãnh đạo nhiều tổ chức nữ quyền và làm chủ bút các tờ báo, tạp chí về phụ nữ. Thật đáng tiếc là giữa lúc ở đỉnh cao sự nghiệp, bà bị mắc ung thư vú và mất không lâu sau đó.
John Grisham
Tiểu thuyết trinh thám nói chung đã tồn tại từ thời trung cổ, nhưng tiểu thuyết về đề tài tòa án nói riêng lại là một lĩnh vực rất mới mẻ. Chỉ nhờ vào tác phẩm của những nhà văn như John Ray Grisham Jr. mà công chúng mới biết đến thể loại mới mẻ này.
Điều đặc biệt nhất là bản thân John Grisham xuất phát không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Cha ông là công nhân xây dựng, và vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mà John không được đi học đầy đủ. Công việc đầu tiên của ông là thợ làm vườn cho một nhà trẻ địa phương. Sau đó ông phải vừa làm thợ ống nước, vừa làm thợ đắp đường để có đủ tiền nuôi thân.
Việc học hành của John Grisham không được thuận lời vì phải liên tục làm thêm tại một cửa hàng quần lót. Ông chuyển đại học đến ba lần mới hoàn thành tấm bằng cử nhân kế toán. Ý định ban đầu của John là học tiếp bằng thạc sỹ tài chính, nhưng sau đó ông lại chuyển qua ngành luật sư.
Ý nghĩ trở thành nhà văn chỉ bật lên trong đầu John sau một sự tình cờ. Trong khi ông đang ngồi uống cà-phê gần tòa án, John bất ngờ nghe được cuộc trò chuyện giữa một cô bé 12 tuổi và bồi thẩm đoàn. Vì tò mò mà ông đi theo họ vào tòa án để tham gia phiên xét xử liên quan đến cô bé.
Cả John lẫn bồi thẩm đoàn đều không giấu nổi nước mắt khi nghe câu chuyện của cô bé bị bắt cóc, hãm hiếp và đánh đập. Vị luật sư bèn viết một câu chuyện để giải thoát hết tất cả cảm xúc đang chất chứa trong lòng mình. Đến khi ông dừng lại thì John mới nhận ra mình đã viết xong chương đầu của một quyển tiểu thuyết.
Quyển tiểu thuyết đầu tay của John Grisham mất đến ba năm để hoàn thành. Ông còn tốn thêm hơn một năm nữa để tìm nhà xuất bản. 28 nhà xuất bản ông gõ cửa đều từ chối bản thảo. Họ chê cách viết của ông khô khốc không khác gì một người thừa phát cả. Phải đến nhà xuất bản thứ 29 thì tác phẩm của John mới được in thành 5.000 bản.
Trước phản ứng lạnh nhạt của độc giả, John càng quyết chí theo nghiệp viết văn hơn. Ông bỏ hẳn công việc luật sư mà vùi đầu trong đống sách vở ở thư viện. Nếu không dành thời gian để nghiên cứu, luyện tập viết lách thì ông đi khắp các tòa án để tìm hiểu những vụ án, phiên xét xử có phần kỳ lạ.
Công lao của ông được kết tinh trong cuốn tiểu thuyết "The Firm". Tác phẩm nằm trong danh sách sách bán chạy nhất trong 47 tuần liền và là tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ năm 1991. The Firm còn được chuyển thể thành phim vào năm 1993 do minh tinh Tom Cruise thủ vai chính.
Từ đó đến nay sự nghiệp của John Grisham đi lên như diều gặp gió. Tính đến năm 2021 ông đã sáng tác tổng cộng 37 tiểu thuyết, trong đó 36 quyển nằm trong danh sách bán chạy nhất năm. Ít có nhà văn nào lại hiểu hệ thống thi hành pháp luật như John Grisham, và qua tác phẩm của ông mà người ta mới nhìn thấy được những góc khuất chốn công đường.
Bản thân tác giả sau khi chứng kiến quá nhiều sự bất công tại tòa án đã đứng lên để bảo vệ người vô tội. John Grisham là một trong những tiếng nói hàng đầu trong phong trào đòi dỡ bỏ án tử hình tại Mỹ. Ông cũng được biết đến như người mà bất kỳ gia đình nào tìm đến để nhờ viết đơn xin ân xá, giảm án oan cho con cháu họ. Tuy đã ở tuổi 61 nhưng không có dấu hiệu gì là John Grisham sẽ sớm từ bỏ sự nghiệp viết lách và cải tổ luật pháp của mình.
John Steinbeck
John Ernst Steinbeck Jr. là một trong những nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại. Tác phẩm của ông đã được dịch sang 62 ngôn ngữ khác nhau, thậm chí còn được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Khi ông mất vào năm 1968, nhiều nhà phê bình còn tuyên bố: "Sẽ không còn ai viết về người lao động Mỹ hay hơn John Steinbeck!".
Thật không có gì ngạc nhiên khi biết nhà văn của người lao động Mỹ cũng xuất thân từ giai cấp lao động. Ông nội của John Steinbeck từng lập nên một hợp tác xã tại Palestine trước khi chuyển đến Mỹ sống. Đến khi nhà văn được sinh ra thì gia đình ông đã khấm khá lên, nhưng cả cha mẹ của John Steinbeck vẫn giữ gốc gác nông dân của mình.
Khi còn nhỏ cậu bé John thường xuyên làm thuê cho những trang trại của hàng xóm. Nhờ vậy mà cậu bé sớm có cơ hội tiếp xúc và hiểu được những người bần nông chịu khổ trên chính mảnh đất họ cày cấy. Kể từ đó ông nung nấu tham vọng viết một cái gì đó về nỗi khổ của những người nông dân không đất.
Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, John nhảy tàu chuyển đến sống tại thành phố New York, nơi đặt trụ sở của tất cả các nhà xuất bản lớn. Buổi sáng ông làm công nhân xây dựng, còn buổi tối thì vừa tự học bổ túc, vừa viết lách. Cứ như thế được chín năm thì John đành bỏ cuộc vì không nhà xuất bản nào chấp nhận bản thảo của ông.
John trở về bang California trong tình trạng không một xu dính túi. Trong thời kỳ cuộc Đại khủng hoảng, John làm nghề đánh cá để nuôi mình và người vợ mới cưới. Theo lời nhà văn kể lại, thời điểm ông cảm thấy tủi nhục nhất cuộc đời là khi ăn trộm thịt từ một gánh hàng chợ. Ông xấu hổ đến mức sau đó không dám ăn thịt mà cho hết nhà hàng xóm.
Sau khi Steinbeck xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, mọi chuyện bắt đầu sáng sủa hơn đối với ông. Tuy số tiền bán sách không đủ để sống nhưng cũng giúp trang trải phần nào cho gia đình ông. Thành công đầu tiên mà nhà văn đạt được là cuốn tiểu thuyết "Tortilla Flat" với nội dung chế giễu nhẹ nhàng tính lãng mạn nửa mùa vùng nông thôn, một đề tài mà John được so sáng với cố đại văn hào Mark Twain.
Liên tục trong bốn thập niên John Steinbeck luôn đi theo giai cấp lao động qua những biến chuyển của lịch sử Mỹ. Các tác phẩm như "Of Mice and Men" và "The GrapesofWrath" giống như ánh đèn soi cho nước Mỹ thấy cảnh sống cùng cực của những người bị kẹt dưới đáy xã hội.
Cho dù viết về nông dân, công nhân hay người vô gia cư, ông luôn đứng về phía những người lao động chân chính tuy bị cuộc sống chà đạp nhưng vẫn giữ được tình người của mình. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1962, trở thành người Mỹ thứ sáu được giải thưởng danh giá này tôn vinh.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/co-nhung-nha-van-da-noi-tieng-nhu-the-640213/