Có những sự khởi đầu
Để đến với một nghề nghiệp, một công việc, hầu như ai cũng phải có những bước khởi đầu.
Hãy quan sát một cháu bé. Từ chỗ chỉ ngồi, cháu đứng dậy, chập chững vài bước đầu tiên. Rồi cháu với những bước đi cứng cáp dần. Đó là những cháu bé lớn lên khỏe mạnh. Đối với cháu có tật vận động, phải bao bước gian nan trong tập vật lý trị liệu, từ ngồi được, cháu mới có thể đứng lên thẳng thớm, tự mình có những bước đi đầu tiên, từ đó, mới tự đi lại được như mọi người. Từ những bước chân cứng cáp buổi đầu, các cháu có nhiều hoạt động về sau.
Bao hoạt động trong cuộc sống, người ta cần có những bước khởi đầu. Học tiếng nói của cha ông, cháu bé cần nghe những phát âm từ mẹ, cha, người thân quanh mình. Nghe và lặp lại, ngày một nhiều dần, để từ đây, giao tiếp với mẹ, ba, ông, bà, những người thân quanh mình.
Rồi đến chữ viết. Khi trẻ đến trường, học chữ viết mà ba mẹ mình đã học, chữ mà cộng đồng mình sống đã sử dụng, nay đến thế hệ tiếp theo. Có những buổi học chữ đầu tiên, bỡ ngỡ. Rồi đến những buổi về sau. Ngôn ngữ của cha ông sử dụng, qua năm tháng học tập, các cháu được bồi đắp, ngày một nhiều hơn, phong phú hơn, diễn tả những ý tưởng ngày một đa dạng, sâu sắc hơn, trong đó có bao ngôn từ đẹp đẽ, lẫn những ngôn từ khoa học. Rồi đến ngoại ngữ mà người học được tiếp cận. Từ những chữ đơn giản, đến những ngôn từ được mở rộng, rồi nâng cao dần các kỹ năng nghe, nói, đọc viết.
Học nghề, ai cũng có những bước khởi đầu. Nghề đa dạng, những bước khởi đầu học nghề cũng thật khác nhau. Người học nghề điều dưỡng, ngoài phần lý thuyết, cần học nhiều thao tác thực hành. Việc tiêm thuốc, truyền nước cho bệnh nhân là công việc thường ngày. Sẽ có sinh viên lúng túng trong những buổi đầu tìm ven của người bệnh, phải đôi ba lần mới được. Để rồi, về sau, thao tác gọn gàng, nhanh nhẹn, chính xác hơn.
Người học để ra làm giáo viên, lại càng cần những buổi kiến tập, thực tập trên lớp. Quan sát những thầy cô đã từng nhiều năm đứng lớp giảng bài. Học hỏi những mẩu bài soạn. Thực hành soạn bài, phải chú tâm từ những điều căn bản. Những giáo sinh ấy có những buổi thực tập trên lớp, giảng bài trước những học sinh với sự dự giờ của bạn bè, thầy cô hướng dẫn mình bên dưới. Rồi góp ý, rút kinh nghiệm về nội dung giảng. Người giáo sinh tiếp thu, điều chỉnh cho những lần giảng sau. Từ những buổi ban đầu bỡ ngỡ ấy, những giáo sinh ra trường, tiếp tục không ngừng học hỏi, theo thời gian đã có nhiều người thành những giáo viên dạy giỏi, được nhiều thế hệ học sinh nể trọng.
Một người học nghề may, cũng cần có những bước khởi đầu, làm quen dần với đường kim, mũi chỉ. Phải chú tâm quan sát những thao tác làm của những người thầy, cô đi trước. Thấy, hiểu những điều thầy, cô hướng dẫn, đồng thời, chăm chỉ thực hành, từng chút một, ngay từ những buổi đầu. Quan sát tỉ mỉ, thực hành chăm chỉ, thật để tâm vào, từng bước, mới thuần thục dần, tay nghề từ đó mới dần lên.
Người học về âm nhạc cũng thế. Phải đi từ những kiến thức lý thuyết căn bản buổi đầu, sự tích lũy dần, cộng với rất nhiều sự thực hành trên những nhạc cụ mình yêu thích, người yêu âm nhạc ấy mới có thể có sự thăng hoa trong những buổi biểu diễn với những nhạc cụ mình gắn bó, đam mê.
Sự khởi nghiệp của một người cũng cần có sự bắt đầu. Tìm hiểu những gì liên quan đến công việc mình muốn làm. Cách làm như thế nào. Những sự đầu tư cho những thiết bị, vật dụng cần cho nghề mình sẽ làm. Bước đầu tìm hiểu thị trường, đầu ra cho sản phẩm mình làm. Rồi dốc sức vào đấy. Cả trong nông nghiệp, lẫn làm dịch vụ, mua bán, từ có quy mô vừa phải, mở rộng dần khi thấy thuận lợi, tiến triển, tiếp tục đầu tư thêm.
Rõ ràng, nghề nào cũng cần có sự khởi đầu. Học tập, tìm hiểu, thực hành, thuần thục, dần trở thành kỹ năng. Mark Twain quả đã chí lý khi viết rằng: “Bí quyết của thành công là hãy bắt đầu”.
Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy: Có người có những bước khởi đầu thuận lợi; song có người sự khởi đầu chật vật, vất vả, rồi mới đến những thành công. Sau những bước khởi đầu, sự phát triển thế nào còn từ bản thân người làm trong thực tế đời sống. Có người phát triển nhanh, hiệu quả, khi hướng các hoạt động của mình đi đúng hướng, đúng đam mê. Sự phát triển của một con người, có trường hợp còn phụ thuộc vào những điều may mắn: gặp những người hướng dẫn tận tình, gặp môi trường hoạt động phù hợp, gặp những người hoạt động cùng nghề hợp ý. Cũng có khi, việc khởi nghiệp của một người không gặp thuận lợi ngay. Có những người gặp thất bại, khó khăn ở lần đầu tiến hành việc tập tành, làm lụng. Có người đã chuyển sang một hướng mới, khác hơn. Và ở lần sau này, sự thành công mới mỉm cười với họ.
Cuộc sống mãi vẫn luôn tiến về phía trước. Và để gặt hái những thành công về sau, người ta không chỉ có tiến hành bước khởi đầu. Albert Einstein đã từng chia sẻ rằng: “Cuộc sống giống như đang lái một chiếc xe đạp. Để giữ thăng bằng, bạn phải luôn di chuyển”.
Quả thật là, để có những thành công kế tiếp, người ta vẫn phải liên tục hoạt động, liên tục chú tâm vào những hoạt động, vào nghề nghiệp của mình.
Để bắt đầu, chủ thể hoạt động cần có động lực để làm việc. Động lực từ chính bản thân, cũng có khi là từ người thân khuyến khích. Và để có những thành công tiếp theo, người ta cần có thói quen trong thực hành nghề nghiệp hằng ngày. Có phải chăng là, thành công của ngày hôm nay đến từ sự khởi đầu đáng nhớ của ngày qua?
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/co-nhung-su-khoi-dau-117633.html