Có những tình yêu trong gian khó…
'Đất nước của những người con gái, con trai/Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...' - có một nhà thơ đã viết như thế. Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ, khói thuốc súng đã tan, sự chia ly vì bom đạn đã ngừng, nhưng kỷ niệm về mối tình đẹp giữa những người con gái - con trai ấy vẫn còn mãi.
Trái tim nồng cháy của cựu quân nhân thầm lặng
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang lưu giữ 195 bức thư của ông Nguyễn Công Tú - một cựu quân nhân đã từng tham chiến ở chiến trường miền Nam, một trong số thế hệ anh hùng mang trái tim nồng cháy, chan chứa tình yêu quê hương, đất nước vô bờ và cả tình yêu đôi lứa trong sáng, thủy chung giữa thời buổi gian khó.
Ông Nguyễn Công Tú sinh ngày 14/4/1925 tại xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, ông nhập ngũ và đến năm 1957 tập kết ra Bắc làm Trung đội phó C602, D30, E96, F305; Trung đội trưởng C10, D3, E96, F305 Quân khu II tỉnh Phú Thọ. Từ năm 1958 đến năm 1961 ông là học viên Trường Sĩ quan Lục quân khoa hóa ở Sơn Tây. Năm 1961 sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển vào làm giáo viên quân sự khoa hóa trong trường. Năm 1967 - 1969, ông được điều động vào miền Nam và chiến đấu ở các chiến trường ác liệt như: Trị Thiên, Huế, Khe Sanh và A Sầu… Ông làm Đại đội trưởng C1, D320; Tham mưu trưởng; Tiểu đoàn phó D320, E4 công binh đoàn 559; Tiểu đoàn phó Đội 50 đơn vị 967 Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn.
Những ai đã từng được tiếp xúc với ông Nguyễn Công Tú ở xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đều thấy ông có dáng người nhỏ nhắn, hiền hòa, tính tình trầm ổn, ít nói. Nhưng ít ai biết rằng ông đã từng là một người lính dũng cảm, kiên cường kinh qua 372 trận đánh và cũng ít ai biết đến câu chuyện tình yêu trong sáng, thủy chung giữa ông và bà Nguyễn Thị Mận.
Trong số những lá thư của ông Nguyễn Công Tú hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có hai lá thư, một gửi cho các đồng chí và một gửi cho người yêu, hiện là vợ ông - bà Nguyễn Thị Mận, có thể coi là sự thể hiện rõ nhất cho trái tim đầy nhiệt huyết của một cựu quân nhân thời đó.
Ông Nguyễn Công Tú và bà Nguyễn Thị Mận có một mối tình giản dị nhưng lại rất đẹp, một mối tình trong sáng giữa một quân nhân và cô thôn nữ trong thời kỳ gian khó. Tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung của hai ông bà đến nay đã hơn 60 năm kể từ khi cưới vẫn không hề thay đổi.
Hơn 60 năm, bức thư đã ố vàng trước sự khắc nghiệt của thời gian, nhưng tình cảm say đắm của người trai đất Quảng dành cho cô gái mảnh đất Hùng Vương vẫn còn nguyên vẹn.
Những từ ngữ nhớ thương, bày tỏ tình cảm chỉ dừng lại ở những câu đơn giản như: “…viết thư cho anh với, anh trông lắm đấy”, “anh thành thật đem lòng yêu thương nói với em như thế, nếu em vui lòng và cần anh sẽ giúp đỡ trong điều kiện có thể”. Nội dung chính là ông hỏi thăm bà và gia đình, kể cho bà về tình hình học tập của ông, dù khó khăn nhưng đời người lính vẫn có cái vui.
Sự quan tâm và trái tim thương yêu của ông có thể thấy qua những dòng thư như: “Chịu khó, chăm chỉ, anh thấy trong người Mận như một sự nhẫn nại khi sự việc công kích đầu mình đó là chịu khó và chăm chỉ là Mận bảo đảm được một số công tác sinh hoạt của gia đình. Thông thường trong bản lĩnh người con gái nào có hai cái ưu điểm anh nói trên người ấy sẽ được nhiều nguồn hạnh phúc…”; “Mận à, em nên tận dụng đức tính chăm chỉ, chịu khó ấy mà cố gắng học thêm. Tuổi em còn trẻ, không nên hoài phí thời giờ của tuổi trẻ, một ngày qua là một ngày mất,…”; “Em Mận à, trên đời chẳng có gì là dễ và cũng chẳng có gì là khó, khó hay dễ là do sự quyết tâm của mình mà thôi, miễn ta không nên chán nản…”.
Với sự quan tâm dịu dàng và lịch thiệp của ông Nguyễn Công Tú, bà Nguyễn Thị Mận đã chấp nhận tình yêu của ông. Hai ông bà cưới nhau năm 1959, sinh được 4 người con. Hiện nay, ở xã Vũ Yển bình yên của mảnh đất các vua Hùng, hai ông bà vẫn bên nhau như hình với bóng, cùng chăm sóc nhau và nhìn con cháu trưởng thành. Đối với một đời người mà nói, hạnh phúc có lẽ chỉ đơn giản như vậy mà thôi.
Tình yêu cũng là tình đồng chí
Nói đến nữ chiến sĩ Trường Sơn là nói đến những người phụ nữ anh hùng “Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép”, anh dũng kiên cường trước bom đạn. Nhưng ở khía cạnh cuộc sống riêng tư bên lề cuộc chiến họ cũng có những tình yêu thật đẹp, bởi tình yêu lứa đôi đó đồng thời cũng là tình đồng chí trân trọng, thủy chung.
Tháng 5/2019 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019), Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” và những câu chuyện tình yêu đầy cảm động đã được chính những nữ chiến sĩ ấy kể lại.
“Tôi là con gái đất lúa Thái Bình, anh là con trai Hà Nội. Vì cùng đơn vị nên chúng tôi hiểu nhau và nảy sinh tình cảm. Ngày đó trong quân ngũ khắt khe lắm, đơn vị không ủng hộ vì sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, còn bạn bè không đồng ý vì họ cho rằng đó là tình cảm bồng bột. Ai cũng sợ rằng khi chiến tranh kết thúc anh trở về Thủ đô sẽ quên ngay người con gái thôn quê như tôi. Cuối cùng với tình yêu chân thành dành cho nhau, chúng tôi đã tổ chức đám cưới khi chiến tranh kết thúc và có cuộc sống gia đình viên mãn” - nữ cựu chiến binh Bùi Thị Bình - C1 Sư 472 Tổng đài 4000 Đoàn 559 kể.
Không đi đến hồi kết hạnh phúc như đồng đội nhưng nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Nhân - Binh trạm 15 Kho Z4 Đoàn 559 vẫn luôn trân trọng tình yêu, tình đồng chí trong chiến tranh ấy: “Như là một cái duyên khi tôi chuyển đơn vị sang công tác nuôi quân thì gặp lại người chiến sĩ lái xe đã cứu sống tôi năm nào khi tôi bị sức ép của bom hất xuống gầm bất tỉnh. Tình yêu của chúng tôi đến tự nhiên và hẹn ước đến khi kết thúc chiến tranh sẽ về chung một mái nhà. Nhưng mẹ tôi kiên quyết không cho con gái lấy chồng xa nên chúng tôi lỡ hẹn. Tôi vẫn luôn nhớ về anh với sự biết ơn, trân trọng. Khi ốm thập tử nhất sinh tôi viết thư gửi lại chồng con với lời trăng trối: “Hãy tìm về anh, người mà tôi coi như “chồng chưa cưới”.
Vui duyên mới không quên nhiệm vụ đó là điểm chung của các mối tình Trường Sơn thuở ấy. Nữ cựu chiến binh Trần Thị Lịch - Đoàn Văn công giải phóng Tây Nguyên đã kể lại câu chuyện tình của mình: “Năm 1971 anh ấy là lính công binh bị sốt rét được chuyển về tiểu đoàn an dưỡng, rồi vào đội văn nghệ xung kích mặt trận. Chúng tôi thường cùng biểu diễn nên yêu nhau lúc nào không hay nhưng vì chiến trường ác liệt, tình cảm ấy cả hai đều giấu kín. Năm 1973, chúng tôi báo cáo đơn vị và được đồng ý tổ chức đám cưới tại chiến trường mà không kịp báo về gia đình. Đám cưới tại chiến trường đơn sơ mà ấm cúng, cô dâu, chú rể mặc quân phục, hoa cưới làm bằng giấy, đồng đội đến chia vui có cân kẹo và hai tút thuốc lãnh đạo tặng. Cưới xong hai vợ chồng được ở cùng nhau một tuần rồi ai trở lại đơn vị người ấy”…
Lọn tóc tình yêu
Ngày mới vào chiến trường, niềm tự hào của các nữ chiến sĩ Trường Sơn là những mái tóc dài óng ả, nhưng rồi ở chiến trường thức ăn chỉ là lương khô, uống nước suối lại bị sốt rét hoành hành nên tóc rụng nhiều. Thế nên nữ cựu chiến binh Ngô Thị Nguyệt - D30 Cục Hậu cần, Đoàn 559 kể: “Mỗi lần chải đầu tóc rụng từng nắm, tôi nhặt gom lại thành lọn tóc gửi về quê cho người yêu làm kỷ niệm và cũng để anh ấy biết được cuộc sống mà tôi đã trải qua. Sau ngày giải phóng trở về quê hương tổ chức đám cưới, người yêu tôi vẫn giữ lọn tóc này. Chúng tôi vẫn giữ lọn tóc đến giờ vừa là kỷ niệm của chiến trường, vừa là kỷ niệm tình yêu vợ chồng”.
Cũng là kỷ niệm tình yêu nhưng với nữ cựu chiến binh Trần Thị Chung, Binh trạm 44 Sư đoàn 471 Đoàn 559 thì đó là tình yêu ngây thơ ngày ấy. Chị kể: “Ngày ấy tôi ngờ nghệch lắm, cứ anh nào viết thư cho tôi là tôi nộp cho thủ trưởng. Các anh đều bị thủ trưởng khiển trách. Thương nhất là anh đại đội trưởng tỏ tình với tôi và thả lá thư vào cái cặp lồng lấy cơm. Lúc mở nắp còn đỏ mặt bảo tôi “Gửi em lá thư này”. Thế mà đọc xong, tôi vừa run, vừa sợ lại mang nộp thủ trưởng khiến anh bị khiển trách làm tôi ân hận mãi”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-nhung-tinh-yeu-trong-gian-kho-post412311.html