Có phải tôi đang đòi hỏi quá nhiều ở chồng?

Sự lạc điệu trong tâm hồn có thể là tiền đề của sự rạn nứt trong hôn nhân. Bình yên trong ngôi nhà cũng có thể đang chứa đựng cả một bầu trời giông bão.

Tôi, trong mắt mọi người, là một người phụ nữ tích cực, lạc quan, luôn mang lại tiếng cười và năng lượng. Nhưng mấy ai biết được, những tổn thương âm ỉ bên trong, những nỗi đau vô hình cứ gặm nhấm tâm hồn từng ngày, từng giờ.

Tôi chẳng thể chia sẻ cùng ai, bởi dường như, thế giới này chỉ mong chờ những nụ cười, chứ không phải những giọt nước mắt thầm lặng…

Đó là những tâm sự của Hồng Ngọc - một cô gái trẻ khi mới bước chân làm vợ, làm mẹ.

Rời quê lên thành phố, chăm chỉ học hành, học xong đại học, Hồng Ngọc tìm được một công việc văn phòng với mức lương đủ sống.

Rồi cô quen anh trong một lần đến công ty cô. Như có điều gì gọi là duyên nợ, họ gặp gỡ rồi yêu nhau như tình yêu sét đánh. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đi đến hôn nhân.

Chồng cô là hình mẫu lý tưởng của nhiều người: chăm sóc con, chăm chỉ làm việc, phụ giúp vợ cơm nước, việc nhà... Anh không rượu chè, không cờ bạc, không bồ bịch.

Sau ngày cưới, nhất là khi đứa con chào đời, chồng cô chỉ lao đầu vào với công việc, lo kiếm tiền cho gia đình. Ai nhìn anh cũng ngưỡng mộ, ước ao bạn đời của họ được một phần trách nhiệm với gia đình như của chồng cô.

Nhưng cuộc sống hôn nhân đó đối với Hồng Ngọc lại là một khoảng lặng kéo dài. Chồng cô quá bận rộn với công việc, quá áp lực với gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Nhiều lúc, cô chỉ cần những bữa cơm rau đơn giản, nhưng anh luôn cố gắng để có thịt cá đầy đủ. Và rồi, mọi công việc trong nhà đều một tay anh lo toan, sắp đặt. Mọi việc trong nhà đều phải theo ý của anh.

Sự khác biệt ấy, ban đầu cô nghĩ là tình yêu, là sự quan tâm, nhưng dần dà, nó trở thành một bức tường vô hình ngăn cách hai tâm hồn.

Cuộc sống vợ chồng với Hồng Ngọc dần trở nên buồn tẻ. Hai vợ chồng ít có thời gian dành cho sự sẻ chia, không có những buổi trò chuyện tâm tình.

Sau ngày cưới, chồng cô có vẻ dân khô khan, anh là người không biết nói, chỉ biết hành động. Những cử chỉ, hành động lãng mạn, âu yếm dành cho cô thưa dần.

Từ khi cưới nhau, anh quên ngày sinh nhật vợ, quên đi những ngày lễ, ngày cưới của hai vợ chồng, không còn những buổi đi chơi...

Dù vợ có nhắc nhở, anh cũng chỉ bỏ mặc, hoặc đơn giản là quên bẵng đi sự hiện diện của cô trong chính ngôi nhà này. Buông những lời hờn giận, trách móc thì anh bảo: “Vẽ chuyện. Còn cơm áo, gạo tiền bao thứ việc”.

Điều này trái ngược với anh trước khi cưới. Hồi còn đang yêu, mọi thứ vẫn rất bình thường. Chồng cô là một người tinh tế, biết quan tâm. Còn khi đã là vợ chồng, sự hờ hững, thiếu lãng mạn của anh làm cô tủi thân. Có lẽ áp lực cơm áo gạo tiền biến anh thành một con người khác: vô tâm, không thấu hiểu vợ.

Hai người về không có sự cãi vã, không có xô xát về tình cảm hay tiền bạc, chuyện chăn gối vẫn bình thường. Nhưng không hiểu sao sự cô đơn len lỏi vào từng ngóc ngách của căn nhà, biến tổ ấm thành một chốn xa lạ bởi không có sự sẻ chia, tâm sự.

Việc sinh con, nuôi con nhỏ đã vắt kiệt sức lực của cô. Mất ngủ, đau nhức toàn thân, đau lưng, đau đầu… Hồng Ngọc dường như sống chung với nỗi đau từng ngày. Khi thỉnh thoảng chia sẻ với chồng, điều cô nhận lại chỉ là sự thờ ơ, thậm chí là những câu nói: "Suốt ngày kêu mệt. Anh cũng mệt đây này".

Sau những lần như thế, lòng cô càng thêm trĩu nặng. Tâm sự với bạn bè, họ chỉ nói: “Được voi đòi tiên. Có người chồng như thế lại còn đòi hỏi”. Không có sự sẻ chia từ chồng, từ bạn bè, thay vì kêu than, cô dần cam chịu và chọn im lặng.

Lúc mới sinh con, cô ẵm con về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng ở ngôi nhà đó, cũng là một bầu không khí ngột ngạt mà lúc chưa rời quê, mẹ và cô vẫn thường chịu đựng.

Bố cô suốt ngày chìm trong rượu, khói thuốc lá và gắn liền với lô đề, cờ bạc, nợ nần và sự vô trách nhiệm với con cái, gia đình. Thứ Hồng Ngọc nhận được khi ôm con về ngôi nhà là một bầu không khí nồng nặc mùi thuốc lá, tiếng lè nhè của những người đàn ông đang say sưa nhậu nhẹt. Mỗi khi say xỉn, bố cô lại chửi mắng, hành hạ mẹ cô.

Thương cô, mẹ chỉ biết ôm cô vào lòng rồi hai mẹ con cùng khóc. Sự cam chịu, nhẫn nhịn, sống lầm lũi trong ngôi nhà đó như truyền từ mẹ sang cô. Để đến giờ, cô cũng cam chịu, lầm lũi và lúc nào cũng có cảm giác cô đơn.

Có lẽ, thiếu tình thương từ người cha, khiến cô lúc nào cũng khao khát được yêu thương, được sẻ chia, tâm sự từ người chồng của mình.

Chồng cô là một người tốt, một người có trách nhiệm với gia đình, trái ngược với hình ảnh người bố của cô. Đó chính là thứ cô tìm kiếm và khi lấy chồng, cô thấy hạnh phúc khi cưới được anh.

Những cảm thấy trống vắng trong tâm hồn, những khát khao được sẻ chia tâm sự, được cùng hòa quyện về tâm hồn bên cạnh những sự sẻ chia, lo toan về vật chất, liệu như thế có phải là sự đòi hỏi quá cao của cô?

Điều ước bây giờ thật giản dị: có một ít tiền, mua mảnh đất ở một vùng quê nào đó, xây một căn nhà nhỏ, trồng ít rau ngoài vườn, sống yên bình cùng chồng và các con, đã có lúc Hồng Ngọc từng ước ao như vậy.

Cuộc sống ồn ào nơi phố thị, những gì diễn ra với Hồng Ngọc với cô như trải qua rất nhiều khó khăn, không phải là về thể chất mà là tinh thần. Cô vẫn nở nụ cười với chồng, nhưng đâu đó là sự xa cách. Có lẽ, ẩn chứa bên trong sự bình yên của ngôi nhà đang chứa đựng cả một bầu trời đầy giông bão.

Việc cô nhận ra sự mệt mỏi, bế tắc này chính là bước đầu tiên để tìm kiếm sự thay đổi về cách ứng xử, cách làm vợ - làm chồng.

Sự thay đổi đó không chỉ là cô mà là cả chồng cô. Có điều, cô chưa biết phải nói gì và nói bằng cách nào đề chồng cô nhận ra và thay đổi.

HẠ THẢO MAI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/co-phai-toi-dang-doi-hoi-qua-nhieu-o-chong-153134.html