Có phải trồng cây đinh lăng càng lâu càng tốt?

Củ đinh lăng được ví như nhâm sâm của người nghèo vì dễ trồng và có lợi ích lớn về sức khỏe, liệu có phải đinh lăng trồng càng lâu càng tốt?

Cây đinh lăng thuộc họ nhân sâm, là loại cây bụi nhỏ, thân gỗ, dễ trồng và chăm sóc. Cây có lá nhỏ, xẻ thùy sâu, màu xanh đậm và có mùi thơm đặc trưng. Đinh lăng thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, lá được dùng làm rau gia vị, thường ăn kèm với các loại nem chua, đồ cuốn...

Đinh lăng có giá trị cao trong y học nhờ chứa nhiều dược chất quý như saponin, flavonoid, alkaloid và các acid amin.

Trồng cây đinh lăng càng lâu càng tốt?

Trong y học cổ truyền, đinh lăng được sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh như ho, cảm cúm, viêm phổi, đau lưng, mệt mỏi và các bệnh về tiêu hóa. Rễ, lá, và cả thân cây đinh lăng đều có thể dùng làm thuốc, nhưng rễ được coi là phần có giá trị nhất vì chứa nhiều dưỡng chất nhất.

Cây đinh lăng được trồng lâu, rễ của nó sẽ phát triển mạnh mẽ và tích lũy nhiều dưỡng chất hơn. Đặc biệt, rễ cây trồng từ 3 đến 5 năm trở lên sẽ có kích thước lớn, chứa hàm lượng saponin cao, là thành phần chính có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền. Các dưỡng chất trong rễ đinh lăng giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi và tăng cường trí nhớ.

Cây đinh lăng từ lâu đã được biết đến như một loại cây cảnh vừa đẹp, vừa có giá trị dược liệu cao (Ảnh: Vân Anh)

Cây đinh lăng từ lâu đã được biết đến như một loại cây cảnh vừa đẹp, vừa có giá trị dược liệu cao (Ảnh: Vân Anh)

Bên cạnh đó, khi đinh lăng được trồng lâu năm, không chỉ rễ mà cả thân và lá cây cũng phát triển mạnh mẽ. Lá cây đinh lăng lâu năm thường xanh tốt, có kích thước lớn và dày hơn, chứa nhiều tinh dầu và các hợp chất có lợi. Lá cây đinh lăng lâu năm có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng hoặc phơi khô để làm trà thảo mộc, hỗ trợ sức khỏe.

Đối với những người trồng đinh lăng với mục đích kinh tế, việc trồng cây lâu năm sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm thu hoạch. Cây đinh lăng càng lớn, rễ càng to, giá bán càng cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Thông thường, những cây đinh lăng lâu năm thường được ưa chuộng để làm cây cảnh hoặc ngâm rượu trang trí do hình dạng đẹp và kích thước lớn

Vậy có phải trồng cây đinh lăng càng lâu càng tốt? Không phải như vậy; cây trồng quá lâu năm (sau 10 năm) thì rễ sẽ già cỗi, dần dần mất đi một phần giá trị dược liệu. Rễ cây quá già sẽ cứng, xơ, lượng hoạt chất ít hơn, hiệu quả làm thuốc giảm.

Chưa kể, cây đinh lăng trồng càng lâu, rễ càng ăn sâu vào đất, việc thu hoạch sẽ trở nên khó khăn hơn. Đối với cây lớn, quá trình đào có thể làm hư hại rễ, giảm chất lượng hoặc gây mất mát sản phẩm.

Cây đinh lăng có thể thu hoạch củ sau 3 năm, dược tính cao nhất là trong khoảng 5 - 10 năm tính từ khi trồng. Trong khoảng thời gian này, cây đã phát triển đủ lớn, rễ chứa đầy đủ dưỡng chất, không quá già cỗi mà vẫn giữ được độ tươi tốt và giá trị dược liệu cao.

Nếu bạn muốn cây đinh lăng phát triển tốt và thu hoạch rễ có chất lượng cao, hãy chú ý đến quá trình chăm sóc cây trong suốt thời gian trồng. Đảm bảo cây được cung cấp đủ nước, ánh sáng và dinh dưỡng, đồng thời kiểm tra và phòng ngừa sâu bệnh định kỳ.

Cách sử dụng rễ, lá đinh lăng

Trước tiên, bạn cần rũ hết đất cát, cắt bỏ phần gốc thân, rửa sạch. Dùng dao sắc tách lấy vỏ rễ, bỏ phần gỗ; rễ phụ (rễ con) thì dùng cả. Đem rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô hoặc sấy lửa nhẹ để giữ mùi thơm và phẩm chất của dược liệu.

Lá đinh lăng có thể thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

Một số bài thuốc được DS Đỗ Bảo giới thiệu trên báo Sức khỏe và Đời sống:

- Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng: Vỏ rễ đinh lăng 30gr, lá hoặc vỏ quả chanh 10gr, vỏ quýt 10gr, rễ sài hồ 20gr, lá tre 20gr, rau má 30gr, cam thảo dây 30gr, chua me đất 20gr. Tất cả thái nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

- Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, thục địa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, mỗi vị 100gr, tam thất 20gr, tán nhỏ, rây bột mịn, sắc uống ngày 100gr.

- Chữa bong gân: Lá đinh lăng 80gr, vỏ cây gạo 40gr (cạo bỏ vỏ đen), chân cua sống 40gr, tô mộc 20gr, nụ đinh hương 5 cái. Lá đinh lăng, vỏ gạo, chân cua rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ; tô mộc tán thành bột mịn, đinh hương tán riêng. Tất cả trộn đều, đắp, nẹp cố định và băng lại, mỗi ngày một lần.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-phai-trong-cay-dinh-lang-cang-lau-cang-tot-ar889533.html