Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Đừng để bình mới, rượu vẫn cũ

Cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) thuộc sự quản lý của Nhà nước là chính sách đúng đắn nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế. Hiểu nôm na là Nhà nước bán bớt số cổ phần của mình cho các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư tư nhân, huy động nguồn vốn của họ vào việc sắp xếp, quản trị bộ máy DN. Đây là 'bài học' kinh nghiệm được rút ra sau khi hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lâm vào tình trạng thua lỗ, vay nợ hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng, để lại gánh nặng cho xã hội.

Việc tái cấu trúc, cổ phần hóa DN nhà nước những năm gần đây càng diễn ra mạnh mẽ với nhiều chủ trương, chính sách được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế, tăng năng lực quản trị DN nhà nước, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh, tránh phá sản…

Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa các DN nhà nước ở Việt Nam hiện nay diễn ra rất chậm. Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước rất khó đẩy nhanh được tiến độ cổ phần hóa. Cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của cả nước chỉ đạt 37 DN, tương đương 28%, không đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Tổng kiểm toán Nhà nước cũng nhận định nhiều DN trước và trong quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch thông tin số liệu, đặc biệt là việc xác định chính xác giá trị DN, việc thực hiện mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa chưa rõ ràng…

Một vấn đề nữa, thực chất, cổ phần hóa chính là “tư nhân hóa” DN, từ đó tư nhân hóa sản xuất. Dù đã coi trọng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng song việc “tư nhân hóa” có vẻ nhạy cảm, khiến cho nhiều bộ, ngành, địa phương khi thực hiện cổ phần hóa chỉ cần biến DN 100% vốn nhà nước trực thuộc thành công ty cổ phần với một phần nhỏ vốn tư nhân cũng đã gọi là đã “cổ phần hóa”. Do vậy mới có chuyện cổ phần hóa rất nhiều DN, nhưng tổng số vốn bán được hiện vẫn rất ít.

Và vì vậy, theo nhiều đánh giá, hàm lượng đóng góp tâm, tài, trí của tư nhân vào DN cổ phần không cao. Quản trị DN nhà nước vẫn không có gì thay đổi, cũng con người, lề lối cũ thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là các “con tàu đắm” một thời vẫn chưa khởi sắc trở lại. Đã đến lúc, quá trình cổ phần hóa DN nhà nước cần thực hiện một cách thực chất, thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh không phải thiết yếu. Qua đó, việc điều tiết kinh tế được tuân theo quy luật thị trường, hạn chế “mệnh lệnh” hành chính, huy động được nguồn lực thật sự cho phát triển.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-dung-de-binh-moi-ruou-van-cu-3032399/