Cổ phần hóa doanh nghiệp: Vướng ở khâu nào?
Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 128 DN. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện mới đạt 28% kế hoạch đặt ra.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN- cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, đã phê duyệt phương án CPH 7 đơn vị. Như vậy, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2020 đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị 443.537 tỷ đồng. Trong đó, 38/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).
Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 DN, mới đạt 26,4% kế hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác CPH, thoái vốn và thị trường chứng khoán. Đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán kết quả xác định giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Tỷ lệ vốn góp của nhà nước còn cao, khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất và cho thuê đất còn nhiều bất cập…
Ngoài ra, theo PGS. TS. Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn nên các DN phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Cần vào cuộc đồng bộ
Đưa ra một số khuyến nghị về định hướng về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, cần sửa đổi căn bản chính sách và quy định pháp luật để đảm bảo DNNN có đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc cơ quan nhà nước quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN. Tiếp tục cải cách thể chế và cách thức quản lý theo hướng buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh. Áp dụng triệt để chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại, CPH, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn DNNN. Thu hẹp diện DN 100% vốn nhà nước, chỉ giữ mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số DNNN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài.
Đổi mới cách thức thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của DN CPH. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-phan-hoa-doanh-nghiep-vuong-o-khau-nao-148175.html