Cổ phiếu cảng biển 'dậy sóng'

Trên thị trường chứng khoán, những dự báo tích cực đang giúp giao dịch của nhóm cổ phiếu ngành cảng biển trở nên sôi động hơn.

 Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu vực Lạch Huyện với cảng container quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Lê Anh

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu vực Lạch Huyện với cảng container quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Lê Anh

Tăng sức hấp dẫn

Ngành cảng biển đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2018, khối lượng lưu vận của toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam đạt 17,8 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 feet), tăng 23% so với 2017. Cụm cảng phía Nam và phía Bắc chiếm chủ đạo trong tỷ trọng lưu vận hàng hóa thông qua và tăng trưởng lưu vận những năm qua. Đây cũng là hai cụm cảng quan trọng nhất cả nước, đã lọt vào danh sách 50 cảng container lớn nhất thế giới.

Tại cụm cảng phía Bắc, cụ thể là khu vực Hải Phòng, sự chuyển dịch công suất diễn ra mạnh mẽ từ các cảng thượng nguồn sang các cảng hạ nguồn để đón các tàu lớn. Lạch Huyện, với vị trí nước sâu sẽ là khu vực cảng chiến lược ở phía Bắc và là khu vực chính tạo tăng trưởng công suất. Khu vực thượng nguồn về dài hạn sẽ được chuyển đổi công năng thành kho bãi hoặc khu đô thị. Hiện tại, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu vực Lạch Huyện với cảng container quốc tế Hải Phòng. Với vị trí chiến lược, cảng Lạch Huyện được nhận định sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Tại phía Nam, cảng Cái Mép - Thị Vải đang được quy hoạch tới năm 2030 trở thành khu vực cảng quan trọng nhất cả nước. Khu vực này với vị trí nước sâu có thể đón những tàu chở hàng lớn và đang thu hút vốn đầu tư của các hãng tàu lớn. Sản lượng của cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm 30% tổng lưu vận hàng hóa khu vực phía Nam và tỷ trọng này sẽ còn tăng lên trong tương lai.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã có những động thái khiến giới đầu tư thêm kỳ vọng về triển vọng của ngành logistics và cảng biển. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh (theo Quyết định 703 ngày 7-6-2019) nhằm giúp tái cấu trúc, phát triển ngành logistics. Và mới đây nhất, ngày 8-8-2019, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động làm việc với các ngành hàng, nhất là các đơn vị có lượng hàng vận chuyển xuất, nhập khẩu lớn để trao đổi, thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Về cơ bản, ngành cảng biển và logistics đang tăng sức hấp dẫn trong bối cảnh một số rào cản pháp lý đã và đang được tháo gỡ cũng như triển vọng xuất nhập khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Giao dịch cải thiện

Trong sáu tháng đầu năm 2019, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) đạt doanh thu 1.297 tỉ đồng, giảm 0,1%; lợi nhuận sau thuế đạt 347,8 tỉ đồng, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng đầu tư trong quí 2-2018 là 1.520 tỉ đồng thì lợi nhuận sau thuế trong hai quí đầu năm nay của GMD tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Trong tháng 7-2019, Sumitomo đã mua 10% cổ phần của Gemadept nhằm phát triển mảng cảng, logistics và vận tải biển. Dự báo cả năm 2019, GMD có thể đạt khoảng 3.000 tỉ đồng doanh thu, tăng 11% và khoảng 695 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 15% so với năm 2018 (đã loại trừ lợi nhuận bất thường).

Tại Công ty cổ phần tập đoàn Container Việt Nam (VSC), trong sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu đạt 897,3 tỉ đồng, tăng 12,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 105,5 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018. VSC đang gặp trục trặc trong việc quản lý cảng khiến chi phí tăng mạnh. Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa thông cảng Green Port giảm 9% so với cùng kỳ.

Tại Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), doanh thu sáu tháng đầu năm là 525,5 tỉ đồng, tăng 5,7%; lợi nhuận sau thuế 75,97 tỉ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng hoạt động khai thác tàu của HAH tăng trưởng tốt với doanh thu 246,2 tỉ đồng, tăng 26,9%; biên lợi nhuận gộp 14,7%, cao hơn mức 11% của cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá cước vận tải biển tăng.

Ðối với cảng Hải An, sản lượng duy trì ổn định 300.000 TEU trong năm 2019. Thực tế, HAH tăng trưởng chủ yếu nhờ vào mảng vận tải biển khi các hoạt động giao thương của Việt Nam và Trung Quốc tăng lên; công ty cũng đang mua thêm tàu mới nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Với Công ty cổ phần Cảng Ðoạn Xá (DXP), nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, đạt 58,4 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Một doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc là Công ty cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí Ðình Vũ (PSP) với doanh thu và lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm 2019 tăng lần lượt 32% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường kinh doanh cảng biển tại Hải Phòng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự ra đời của nhiều cảng biển phía hạ lưu dẫn đến cung vượt quá cầu.

Đăng Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293614/co-phieu-cang-bien-day-song-.html