Cổ phiếu châu Á hứng khởi, đồng USD tiếp nối đà tăng
Thị trường cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tăng trong sáng thứ Tư (28/5) sau khi chứng khoán phố Wall tăng mạnh nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn thời hạn áp thuế 50% đối với EU đến ngày 9/7. Đồng USD cũng duy trì đà tăng.

Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán phố Wall bật tăng mạnh trong ngày thứ Ba (27/5) khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi quyết định tạm hoãn thuế quan 50% đối với EU của ông Trump và sự gia tăng bất ngờ trong niềm tin của người tiêu dùng.
Theo đó cả ba chỉ số chứng chính của Mỹ đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó Nasdaq Composite dẫn đầu khi tăng tăng 461,96 điểm, hay 2,47%, lên 19.199,16 điểm. S&P 500 cũng tăng 118,72 điểm, hay 2,05%, lên 5.921,54 điểm. Dow Jones tăng 740,58 điểm, hay 1,78%, lên 42.343,65 điểm.
Cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng trong ngày, trong đó nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu và cổ phiếu công nghệ dẫn đầu nhóm tăng giá. S&P 500 hiện chỉ còn thấp hơn 3,6% so với mức đóng cửa cao kỷ lục đạt được vào ngày 19/2.
“Khi (Trump) đưa ra lời đe dọa vào ngày 2 tháng 4, thị trường nghĩ rằng thế giới sắp kết thúc”, Paul Nolte - Cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy and Sylvest ở Elmhurst, Illinois cho biết. “Đợt bán tháo diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng đến mức bạn mong đợi một số đợt phục hồi, và đợt phục hồi diễn ra mạnh mẽ và nhanh đến mức bạn mong đợi một số loại thoái lui khi các nhà đầu tư tiếp thu và tự hỏi địa hình thực sự trông như thế nào”.
Trong động thái mới nhất, ông Trump đã gia hạn việc áp thuế 50% đối với hàng hóa của EU đến ngày 9/7 để cho phép các cuộc đàm phán giữa Mỹ và khối 27 quốc gia.
“Các nhà đầu tư đã hiểu được một chút về Trump”, Nolte nói thêm. “Ông ấy giống như người chơi poker tại bàn mà bạn biết đang đặt cược và sau đó khi bị những người chơi khác tại bàn gây sức ép, ông ấy bỏ cuộc”.
Tâm lý hứng khởi đã lan sang các thị trường cổ phiếu ở châu Á – Thái Bình dương trong sáng thứ Tư (28/5).
Theo đó tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,52%; chỉ số Topix cũng tăng 0,52%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,81% còn chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 0,55%. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,15%. Tuy nhiên tại Trung Quốc, chỉ số blue-chip CSI 300 giảm nhẹ 0,08%, chỉ số shanghai giảm 0,05%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 0,32%.
Trên thị trường tiền tệ, niềm tin căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác sẽ sớm được giải quyết cũng đã hỗ trợ đồng USD bật tăng mạnh trong ngày thứ Ba và tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong sáng nay.
Cụ thể đồng bạc xanh tăng 0,07% so với đồng tiền chung lên 1,1318 USD/EUR; tăng 0,05% so với đồng bảng Anh lên 1,3493 USD/GBP. Nó cũng tăng 0,05% so với đồng franc Thụy Sĩ và hiện đang được giao dịch ở mức 0,8276 CHF/USD.
Tuy nhiên đồng bạc xanh giảm gần 0,05% so với một đồng tiền an toàn khác là yên Nhật, xuống còn 144,26 JPY/USD. Trước đó đồng yên đã giảm 1% so với đồng USD vào thứ Ba sau khi có báo cáo rằng Nhật Bản sẽ xem xét cắt giảm phát hành trái phiếu siêu dài hạn sau khi lợi suất tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi sát diễn biến của thị trường trái phiếu Nhật Bản, với phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn dài nhất của Nhật Bản sẽ diễn ra vào thứ Tư, một phép thử về nhu cầu đối với loại nợ đó khi các nhà đầu tư cân nhắc tình hình tài chính ngày càng xấu đi của các tổ chức phát hành chính phủ lớn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn dài nhất đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước sau phiên đấu giá trái phiếu 20 năm kém hiệu quả. Vào thứ Tư, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng nhẹ sau khi giảm mạnh trong phiên trước.
Charu Chanana - Chiến lược gia đầu tư chính tại Saxo cho biết, cuộc đấu giá tại Nhật Bản khó có thể thu hút được nhu cầu lớn trong bối cảnh lợi suất dài hạn tăng mạnh gần đây. “Ngay cả khi kết quả là vững chắc, thì khả năng lợi suất giảm liên tục có vẻ không cao do sự không chắc chắn về chính sách của BOJ (NHTW Nhật) và những lo ngại về tài chính trước cuộc bầu cử vào tháng 7”, bà cho biết.
“Đối với đồng yên, rủi ro vẫn tồn tại theo cả hai hướng - sự không chắc chắn về chính sách vẫn duy trì áp lực tăng giá trong bối cảnh dòng tiền đổ vào nơi trú ẩn an toàn, nhưng sự dịu giọng trong tuyên bố về thuế quan của Mỹ có thể hạn chế mức tăng”, Chanana nói thêm.
Đồng yên đã tăng gần 9% kể từ đầu năm đến nay do đồng USD suy yếu và dòng tiền đổ vào các tài sản an toàn khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản của Mỹ do lo ngại chính sách thuế quan thất thương của ông Trump.
Trong khi đó đồng đôla Úc giảm 0,2% so với đồng USD và hiện đang được giao dịch ở mức 1,5521 AUD/USD. Lạm phát của Úc tăng 2,4% trong tháng 4, không đổi kể từ tháng 2 nhưng cao hơn ước tính trung bình là 2,3% do Reuters thăm dò. Điều đó có thể cản trở lộ trình giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA). Trước đó ngày 20/5, RBA đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản từ 4,1% xuống còn 3,85% - lần cắt giảm thứ hai trong năm nay.
Còn tại New Zealand, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ - NHTW của nước này) đã cắt giảm lãi suất xuống còn 3,25%. Đồng đôla New Zealand giảm 0,29% xuống mức 0,5933 USD/NZD sau quyết định này.
Hiện các nhà đầu tư đang ngóng chờ Biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào chiều thứ Tư theo giờ Mỹ, để nắm bắt thêm thông tin về động thái chính sách của Fed trong thời gian tới.
Trong khi Chủ tịch Fed New York John Williams – một quan chức có tầm ảnh hưởng tại Fed - cho biết hôm thứ Tư rằng, các NHTW phải "phản ứng tương đối mạnh mẽ" khi lạm phát bắt đầu chệch khỏi mục tiêu của họ.
Theo ông, với sự không chắc chắn cao xung quanh tác động kinh tế của thuế quan và chính sách thương mại của Mỹ, các NHTW nên tập trung vào việc tránh thực hiện các bước mà “chi phí sai lầm lớn hơn nhiều so với lợi ích”, thay vì hướng tới giải pháp hoàn hảo cho vấn đề.
Trong số những rủi ro tốn kém mà các ngân hàng trung ương phải tránh là để kỳ vọng lạm phát chệch khỏi mục tiêu của họ, Williams cho biết trong cuộc trò chuyện với Phó Thống đốc BOJ Ryozo Himino tại Hội nghị do BOJ tổ chức tại Tokyo. “Bạn muốn tránh lạm phát trở nên dai dẳng vì điều đó có thể trở thành vĩnh viễn”, Williams nói. “Và cách để làm được điều đó là phản ứng tương đối mạnh mẽ" khi lạm phát bắt đầu chệch khỏi mục tiêu của NHTW, ông nói thêm.
Theo các nhà phân tích, phát biểu của Chủ tịch Fed New York một lần nữa cho thấy quan điểm “chờ đợi và quan sát” đang ngự trị tại Fed.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu ngày. Cụ thể giá dầu thô Brent tương lai tăng 0,4% lên 64,37 USD/thùng.