Cổ phiếu chứng khoán: Cần xác lập mặt bằng giá tốt hơn
Là các trung gian tài chính trên thị trường chứng khoán, nhưng trong hơn 20 công ty chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch, đa phần cổ phiếu rớt dưới mệnh giá kéo dài. Các công ty chứng khoán có cách nào để cải thiện tình trạng này?
Tình cảnh khó khăn
Trong hơn 20 công ty chứng khoán có cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, ngoại trừ một số “ông lớn” như SSI, HCM, VND… vững giá trên mệnh giá, phần lớn các cổ phiếu còn lại đều có thị giá rớt dưới mệnh giá, thậm chí chỉ loanh quanh trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/cổ phiếu (xem bảng).
Cổ phiếu trên sàn ghi nhận mặt bằng giá thấp nhất (tại ngày 26/5) với mức giá 800 đồng/cổ phiếu là VIG của Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng cảnh báo do không đảm bảo an toàn tài chính.
Việc VIG bị đưa vào diện cảnh bảo là hệ quả tất yếu của tình trạng hiệu quả kinh doanh èo uột, bí bách về đường hướng hoạt động, cũng như năng lực tài chính suy yếu.
“Do Công ty có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180% nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa VIG vào diện cảnh báo, ngoài ra không còn lý do nào khác, Công ty vẫn hoạt động bình thường”, ông Nguyễn Xuân Biểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VIG chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán.
Ông Biểu cho hay, bối cảnh kinh doanh khó khăn do tính chất cạnh tranh gay gắt trên thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế, nên thời gian qua, VIG hoạt động trong trạng thái cầm cự để chờ thời tìm hướng đi mới.
Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ diễn ra không thuận, hoạt động của Công ty vẫn còn bộn bề khó khăn…
Cổ phiếu APS của Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương cũng thường xuyên rớt sâu dưới mệnh giá. Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5, APS có giá 2.100 đồng/cổ phiếu.
Thị trường đánh giá thấp APS bởi Công ty thường xuyên thua lỗ, đến hết quý I/2020 lỗ lũy kế hơn 53 tỷ đồng.
Ðường hướng hoạt động của Công ty nhiều năm nay không có sự đột phá, nên cánh cửa để APS thoát ra khỏi hiện trạng này chưa thấy hé mở.
Không chỉ các công ty trên sàn, nhiều công ty chứng khoán ngoài sàn còn đối mặt với tình cảnh tệ hơn, càng khiến cho bộ mặt của các nhà tư vấn, nhà đầu tư chứng khoán tổ chức chuyên nghiệp thêm… “không đẹp”.
Cuối tháng 4/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép của Công ty Chứng khoán VSM để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.
Còn Công ty Chứng khoán CV không đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định, đang đối mặt với nguy cơ bị ngừng hoạt động, nếu không thành công trong đợt tăng vốn thêm 20 tỷ đồng dự kiến triển khai trong tháng 6/2020.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay, nhiều cổ phiếu trên sàn nói chung vẫn đang được giao dịch với giá rất thấp, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp, trong đó có nhóm công ty chứng khoán.
Kể cả hoạt động của công ty có tiến triển thì nhiều năm nay, giá cổ phiếu vẫn chỉ ở mức một vài nghìn đồng và gần như nhà đầu tư “mặc định” là như vậy.
Những công ty chứng khoán vốn có nhiều báo cáo phân tích chất lượng như Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Dầu khí và tư vấn quan hệ cổ đông/nhà đầu tư cho nhiều doanh nghiệp thành công cũng có cổ phiếu được giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với mệnh giá.
Chính vì vậy, một số công ty chứng khoán đã lên kế hoạch niêm yết, thậm chí nộp hồ sơ cho Sở giao dịch, nhưng cuối cùng lại tạm ngừng triển khai.
“Ở trên sàn OTC, cổ phiếu vẫn coi như đang giao dịch xung quanh mệnh giá, hay việc định giá cũng khá mông lung khiến cổ phiếu không bị giảm mạnh, trong khi nếu đưa cổ phiếu lên niêm yết, sớm muộn gì cũng bị thị trường đánh giá thấp dưới mệnh giá”, tổng giám đốc công ty chứng khoán trên nói.
Không tìm cách “đỡ” giá cổ phiếu
Thời gian qua, trước thực trạng cổ phiếu bị thị trường đánh giá thấp, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết đã đăng ký mua vào để gia tăng tỷ lệ sở hữu cũng như hỗ trợ giá cổ phiếu, nhưng động thái này hầu như không xuất hiện trong khối công ty chứng khoán.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng, trong bối cảnh niềm tin thị trường suy yếu, tâm lý nhà đầu tư nhạy cảm như hiện nay thì việc các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp ra tay đỡ giá cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, đầu tư vào sản phẩm có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, Công ty quan tâm nhiều đến việc phát triển nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tư vấn hơn là việc “nâng” giá cổ phiếu.
“Giá cổ phiếu của Công ty xoay quanh mốc 1.000 - 2.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường đã đánh giá cổ phiếu của Công ty quá thấp so với nội tại doanh nghiệp. Giá cổ phiếu ở mức bèo bọt khiến tôi cảm thấy buồn. Nhưng trong bức tranh chung trên sàn, không chỉ công ty chứng khoán, mà cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn cũng có mức giá trà đá. Trong khi đó, có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng”, vị giám đốc công ty chứng khoán nói và cho rằng, nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá theo cảm tính, thậm chí không theo một quy luật nào để dựa vào đó có thể đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp.
Nỗ lực tìm lối thoát
Ông Nguyễn Xuân Biểu chia sẻ, trước mắt, VIG tập trung khắc phục tình trạng bị cảnh báo thông qua cải thiện lượng vốn khả dụng.
Do nguồn vốn ở các thời điểm khác nhau có sự biến động, nên Công ty sẽ kiểm soát để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn khả dụng theo quy định của pháp luật chứng khoán, từ đó đưa cổ phiếu ra khỏi diện bị cảnh báo.
“Về lâu dài, chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động để tìm đối tác chuyển nhượng. Tùy nhu cầu và điều kiện chào mua của đối tác mà các cổ đông hiện tại của VIG sẽ bán toàn bộ hoặc một phần cổ phần đang nắm giữ. Chúng tôi kỳ vọng vào sự xuất hiện của cổ đông/chủ mới sẽ mang lại đường hướng hoạt động mới cho VIG”, ông Biểu cho biết.
Với APS, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán về việc làm thế nào để cải thiện hình ảnh hoạt động, nhất là khi thị giá cổ phiếu thường xuyên dao động quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá cốc trà đá, ông Nguyễn Ðỗ Lăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc APS không đề cập trực diện những giải pháp mà cho hay, Công ty đang chuyển hướng hoạt động theo cách mới, để giúp doanh nghiệp, đối tác cùng phát triển.
Theo đó, Công ty tập trung triển khai các chương trình đào tạo miễn phí cho các vị trí tổng giám đốc, giám đốc chiến lược, marketing…
“Chúng tôi mời các doanh nhân có tâm, có tầm tham gia các buổi đào tạo miễn phí cho các doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp có triết lý hoạt động, có niềm tin để vượt qua khủng hoảng hiện nay. Dự kiến, khóa học đầu tiên khai giảng vào đầu tháng 7 tới. Ðây là cách chúng tôi thay đổi tư duy trong hoạt động kinh doanh”, ông Lăng nói.
Như vậy, APS tìm cách giúp doanh nghiệp mạnh lên, từ đó tạo ra những khách hàng, đối tác và đương nhiên kèm theo đó là cơ hội kinh doanh mới, nhưng hướng đi này mang lại hiệu quả đến đâu thì cần phải có thời gian.
Trước mắt, hiện trạng cổ phiếu có thị giá quá thấp là một thách thức không nhỏ với APS trong vai trò của một nhà tư vấn, với tham vọng kiến tạo những giá trị mới cho doanh nghiệp, doanh nhân và kỳ vọng mang lại cơ hội kinh doanh mới cho cả Công ty lẫn đối tác.
Có tên trong danh sách những cổ phiếu có thị giá thấp, hiện dao động trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, một lãnh đạo VIX nhìn nhận, tuy thị trường chứng khoán gần đây “ấm” dần, nhưng nhìn tổng thể bối cảnh kinh doanh chứng khoán hiện tại còn nhiều khó khăn với các công ty chứng khoán, do thiếu vắng các cơ chế để khơi thông dòng vốn chảy vào thị trường.
Việc tham gia thị trường chứng khoán phái sinh của Công ty như dự định ban đầu đang tạm thời chưa triển khai, do thị trường có những biểu hiện thiếu lành mạnh.
Công ty kỳ vọng, với một loạt cơ chế mới theo Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán, qua đó tạo ra môi trường hoạt động mới, cơ hội kinh doanh mới cho các công ty chứng khoán.
Sáp nhập, “cửa ra” chưa mở đối với công ty thua lỗ
Bức tranh kinh doanh của khối công ty chứng khoán cho thấy, các mảng kinh doanh đều bị cạnh tranh mạnh mẽ, nhất là khi có sự hiện diện nhiều hơn của khối công ty chứng khoán ngoại, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
Ông Dương Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SBS cho biết, Công ty đã tính đến phương án hợp nhất và đây là hướng đi cần thiết đối với SBS tại thời điểm hiện tại, cũng có thể Công ty sẽ bán lại cho một đối tác nước ngoài.
Ðiều này không chỉ thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc tái cơ cấu công ty chứng khoán, việc hợp nhất sẽ giúp SBS có thể xóa lỗ lũy kế, sau đó tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ.
“Hiện nay đã có một số đối tác Nhật Bản quan tâm đến việc mua lại Công ty và chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu để tìm ra hướng đi tốt nhất”, ông Hùng nói.
Với những công ty chứng khoán có khoản lỗ lũy kế lớn, lên đến nghìn tỷ đồng như SBS, thì việc xóa lỗ lũy kế bằng hoạt động kinh doanh thông thường là không thể.
Thua lỗ cũng khiến công ty không thực hiện được các nghiệp vụ mới như phái sinh, chứng quyền… Do đó, xóa lỗ bằng hoạt động sáp nhập được cho là “cửa ra” duy nhất.
Hiện nay, các chi phí cố định mà một công ty chứng khoán phải chi trả ngoài tiền lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng cũng đã là áp lực không nhỏ, như chi phí cho đường truyền kết nối, phí cho Sở giao dịch.
Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, các công ty đang trong tình trạng thua lỗ không có cửa cạnh tranh thu tiền từ 3 mảng kinh doanh chính là môi giới, tự doanh và tư vấn, nên tình hình hoạt động càng khó xoay xở.
Về hướng đi M&A, một chuyên gia nhận định, ở thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán nội sẽ khó tìm kiếm được bên mua đến từ Hàn Quốc, bởi thị trường này đang trong giai đoạn bão hòa.
Tìm kiếm đối tác đến từ các thị trường khác như Nhật Bản, Ðài Loan hay Trung Quốc cũng khó khăn. Nhưng nếu không M&A thì các công ty chứng khoán yếu kém sẽ suy giảm dần nguồn lực, không thể trụ vững và sớm bị đào thải ra khỏi thị trường.
Thực tế, bức tranh hoạt động của các công ty chứng khoán những năm gần đây thêm phân hóa khi các công ty tốp đầu đã lớn lại thêm mạnh khi có tiềm lực về vốn, nhân lực…, nhanh chóng mở rộng dư địa kinh doanh thông qua tham gia ngay từ đầu các sản phẩm mới, trong khi các công ty “chiếu dưới” hoạt động lay lắt vì bế tắc trong việc tìm hướng đi.
Kết quả, bên cạnh những công ty chứng khoán phải nói lời chia tay thị trường do bị “xóa tên” bắt buộc như Chợ Lớn, Âu Việt, Trường Sơn…, là nhiều công ty hoạt động èo uột, chưa thấy cửa bứt phá, mà những công ty có thị giá cổ phiếu phía dưới bảng xếp hạng là ví dụ.