Cổ phiếu của doanh nghiệp ô tô lớn nhất sàn chứng khoán lao dốc, đỉnh điểm là sau thông tin lãnh đạo bị khởi tố

Từ mức đỉnh giá lịch sử vừa được thiết lập, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã: VEA) đã gặp áp lực chốt lời giảm giá nhiều phiên liên tiếp, nhất là sau thông tin Tổng giám đốc bị bắt, cổ phiếu này bị thổi bay hàng nghìn tỷ đồng.

Ngay trước đó, cổ phiếu VEA vừa có quãng leo dốc mạnh. Thị giá tăng một mạch 40% từ cuối tháng 4 lên mức 48.800 đồng/cp vào phiên 6/6 – thiết lập đỉnh giá lịch sử. Vốn hóa của công ty theo đó cũng đạt mức hơn 63.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD), đưa VEAM trở thành doanh nghiệp giá trị nhất ngành ô tô cũng như là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, dưới áp lực chốt lời tại vùng đỉnh khiến giá VEA quay đầu giảm sâu. Cho đến mở cửa phiên sáng nay (12/6), thị giá VEA tiếp tục chìm trong “sắc đỏ” trước áp lực bán mạnh của nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại. Chỉ trong một tiếng rưỡi buổi sáng, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán gần 390.000 cổ phiếu VEA, trong khi chỉ mua vào 9.500 cổ phiếu.

Tính chung có hơn 3,8 triệu cổ phần VEA đã được chuyển nhượng trong khoảng thời gian này, tương đương tổng giao dịch trung bình cả ngày trong khoảng 10 phiên qua. Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu VEA đã giảm mạnh 4% xuống mức 45.500 đồng/cp. Vốn hóa VEAM theo đó cũng bị thổi bay 2.500 tỷ đồng sau nửa ngày, xuống mức 60.500 tỷ đồng (~2,4 tỷ USD).

Cổ phiếu VEA bị bán mạnh trong phiên 12/6.

Cổ phiếu VEA bị bán mạnh trong phiên 12/6.

Dù vậy sức cầu bắt đáy cũng khá mạnh đã giúp cổ phiếu này thu hẹp đà giảm. Chốt phiên 12/6, cổ phiếu VEA giảm 2,53% về 46.200 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7.460 triệu đơn vị.

Tại mức giá hiện tại, nhà đầu tư nếu trót "đu đỉnh" VEA hiện tạm lỗ gần 6%; còn so với đầu năm 2024 thì thị giá vẫn cao hơn 30%.

Cổ phiếu VEA bị bán mạnh sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Tổng giám đốc Phan Phạm Hà bị khởi tố để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trước đó, Cơ quan công an cũng đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Giang (SN 1949), cựu Tổng giám đốc VEAM; Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963), Phó tổng giám đốc VEAM về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo điều tra ban đầu, trong các năm 2005 và 2011, ông Nguyễn Thanh Giang khi đó là tổng giám đốc VEAM đã chỉ đạo ông Hồ Mạnh Tuấn, lúc đó là Trưởng Phòng Kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea giai đoạn 2003-2009 lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ô tô SV 110 không đúng các quy định của pháp luật về việc đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước. Toàn bộ số tài sản trên sau khi được mua về không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền của Nhà nước là hơn 26 tỷ đồng.

Gần đây, VEAM liên tục tục đấu giá và hạ giá gần nửa với lô hàng hơn 2.100 chiếc ô tô để phơi mưa nắng ở Thanh Hóa nhưng vẫn không bán được. Tồn kho của lô ô tô có giá vốn là 878 tỷ đồng, hiện rao bán giá khởi điểm chỉ 500 tỷ đồng.

Tháng 4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 bị can là cán bộ của nhà máy ô tô VEAM ở Thanh Hóa, gồm Phó Giám đốc Nguyễn Đức Toàn cùng với Trần Thị Thanh Tâm để điều tra về tội tham ô tài sản theo quy định Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, năm 2020, ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM, cùng một loạt cựu lãnh đạo đã bị khởi tố, bắt giam.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của VEAM đạt hơn 3.806 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.265 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 18% so với năm 2022.

Năm 2024, VEAM lên kế hoạch kinh doanh của công ty mẹ với tổng doanh thu 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2023 và dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 5.489 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/co-phieu-cua-doanh-nghiep-o-to-lon-nhat-san-chung-khoan-lao-doc-dinh-diem-la-sau-thong-tin-lanh-dao-bi-khoi-to-1100367.html