Cổ phiếu doanh nghiệp ngành hàng không liên tục lập đỉnh, tăng 128% trong hơn 2 tháng

Cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hàng không chứng kiến chuỗi đà 'thăng hoa', kể từ cuối tháng 3 cho tới nay đã ghi nhận mức tăng 128%. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 8/2019.

Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) chỉ được giao dịch trong phiên chiều kề từ ngày 12/7/2023 do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của Vietnam Airlines đã đạt mức 68.400 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), tăng 41.300 tỷ so với đầu năm.

Cổ phiếu của hãng hàng không này bật tăng kể từ sau khi báo kết quả lãi lớn nhất lịch sử trong quý 1/2024. Theo BCTC quý 1/2024, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines cổ phần hóa vào năm 2015.

Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) ghi nhận mức tăng 128% kể từ cuối tháng 3

Trong quý đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận khác đạt 3.672 tỷ đồng. Được biết, lãi quý I/2024 của Vietnam Airlines chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác, như việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines. Nhờ khoản thu kỷ lục này, hãng hàng không quốc gia lần đầu ngắt mạch lỗ sau 16 quý liên tiếp. Kết thúc quý I, hãng lãi hợp nhất sau thuế 4.441 tỷ đồng, riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận 1.500 tỷ đồng.

Dù vậy, xét về năng lực tài chính, Vietnam Airlines vẫn ở trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu (âm 12.556 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2024), trong khi giai đoạn so sánh trước đó ở mức khoảng 16.900 - 19.900 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vietnam Airlines cho biết trong năm 2024 - 2025 sẽ thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: Kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền…

Trên thị trường chứng khoán, sau phiên giảm sâu 21 điểm cuối tuần trước, các công ty chứng khoán cho rằng áp lực bán đang chiếm ưu thế mạnh. Tuy vậy, tín hiệu đảo chiều vẫn chưa được xác nhận rõ và không loại trừ khả năng VN-Index chỉ giảm ngắn hạn để test ngưỡng hỗ trợ 1.264-1.270 điểm.

Với diễn biến hiện tại, Công ty CK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo trong những phiên rung lắc. Xác suất cao thị trường sẽ xuất hiện những nhịp phục hồi ngay sau những phiên gia tăng áp lực bán đột ngột.

“Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên phục hồi để rà soát cơ cấu lại danh mục, tích cực chốt lời các mã cổ phiếu đã có lợi nhuận để bảo toàn thành quả. Đồng thời, bán giảm những mã đã suy yếu và giảm dưới vùng hỗ trợ để hạn chế tối đa rủi ro trong ngắn hạn” – VCBS lưu ý.

Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), nhiều khả năng VN-Index sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.270 điểm, rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều sau đó đang có phần lấn át hơn.

“Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm, ưu tiên bán chốt lời các vị thế trading đã mở và hạ tỷ trọng danh mục xuống ngưỡng an toàn khi chỉ số tiếp cận các vùng kháng cự” KBSV khuyến nghị.

Tuấn Kiệt

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-phieu-doanh-nghiep-nganh-hang-khong-lien-tuc-lap-inh-tang-128-trong-hon-2-thang-a668674.html