Cổ phiếu FPT và CMG liên tiếp vượt đỉnh, hiện tại có nên mua cổ phiếu công nghệ?

Câu hỏi đặt ra là với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, chẳng hạn cổ phiếu FPT đã tăng hơn 95% trong 1 năm qua, liệu có nên mua cổ phiếu công nghệ vào thời điểm này để tránh bỏ lỡ cơ hội?

Bất chấp những rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây, nhóm cổ phiếu công nghệ mà đại diện là FPT vẫn thiết lập đỉnh mới. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FPT đã hơn 25 phá đỉnh và hiện giao dịch ở mức hơn 141.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu đi lên đẩy vốn hóa thị trường của FPT lập kỷ lục mới gần 176.700 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), tăng 54.600 tỷ so với đầu năm và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường.

Không riêng FPT, với nhiều trợ lực tích cực, nhóm cổ phiếu công nghệ đã duy trì thu hút dòng vốn và trở thành tâm điểm thị trường trong hơn 1 năm qua. Hàng loạt cổ phiếu có thể nhắc tới như FOX, CMG, VGI…

Câu hỏi đặt ra là với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, chẳng hạn cổ phiếu FPT đã tăng hơn 95% trong 1 năm qua, liệu có nên mua cổ phiếu công nghệ vào thời điểm này để tránh bỏ lỡ cơ hội?

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, trong phiên thảo luận “Quản trị danh mục đầu tư”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, nhóm dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông là nhóm đặc thù.

“Trong nhóm này, chúng ta thấy rõ các cổ phiếu như FPT, CMG giai đoạn vừa qua tăng rất mạnh. Đặc biệt, nếu nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh và các báo cáo dự phóng trong năm ngoái, FPT là một trong những trường hợp ngoại lệ, bởi mức độ tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng, duy trì 25 - 30% qua các năm. Hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch trong khoảng 130.000 – 140.000 đồng/CP, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng mức giá này cao rồi nên không mua. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao các quỹ đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ? Thật ra, các quỹ có tầm nhìn dài hơn và kiên định hơn, trong khi nhà đầu tư cá nhân thường sợ cao rồi nên không mua.

Tất nhiên, việc đầu tư còn phụ thuộc vào NAV/giá trị tài sản đầu tư của nhà đầu tư. Với nhà đầu tư cá nhân, có thể không mua cổ phiếu bluechip mà chọn một vài midcap, small cap (vốn hóa vừa và nhỏ). Tôi đánh giá rằng, nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ thông tin viễn thông có thể tăng tiếp. Nhưng trong nhóm công nghệ thông tin này, hãy xem xét kỹ, sẽ có các cổ phiếu midcap vẫn có dư địa tăng trưởng, phù hợp túi tiền và đó có thể là cổ phiếu triển vọng”, ông Khánh cho biết.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

Thực tế trên thị trường, dòng tiền đã lan tỏa khá rộng tới các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhóm công nghệ. Chẳng hạn, cổ phiếu TTN của Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT, mã TTN) vừa có các phiên tăng trần liên tiếp lên mức 19.900 đồng/CP.

Đà tăng ấn tượng của TTN bắt đầu từ tháng 3, mức tăng ghi nhận hơn 100% chỉ sau ba tháng. Dù giá đã tăng nóng nhưng cổ phiếu này vẫn "cháy hàng" với dư mua giá trần lên đến gần 900 nghìn đơn vị trong phiên 5/6.

Nhìn rộng hơn, cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm đầu tư trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, dù không có nhiều lựa chọn nhưng đa phần các cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều rất đáng chú ý.

Theo báo cáo tháng 6 của VNDirect (VND), cổ phiếu công nghệ, tiêu biểu là FPT dự báo sẽ tiếp tục "dẫn sóng" nhờ sự tăng trưởng vững chắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi và triển vọng chất bán dẫn.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có 14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-fpt-va-cmg-lien-tiep-vuot-dinh-hien-tai-co-nen-mua-co-phieu-cong-nghe-post346780.html