VN-Index mất gần 28 điểm, giảm mạnh nhất hai tháng qua

Gần 380 cổ phiếu giảm, trong đó 18 mã mất hết biên độ, khiến VN-Index trải qua phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu và đóng cửa với mức giảm 28 điểm, xuống 1.254 điểm.

Trước phiên giao dịch đầu tuần, nhiều nhóm phân tích cho rằng dựa vào phân tích kỹ thuật thì các rủi ro về rung lắc mạnh không quá đáng lo trong ngắn hạn. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM được kỳ vọng sớm bước vào nhịp tăng điểm trở lại và hướng đến vùng kháng cự 1.295 điểm trong tuần này. Trong khi đó, kịch bản xấu nhất là chỉ số sẽ tìm về vùng hỗ trợ 1.250 điểm.

Tuy nhiên, kịch bản không mong đợi nhất đã xảy ra ngay phiên hôm nay, 24/6. VN-Index đối diện áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư trong và ngoài nước khiến chỉ số vận động dưới tham chiếu suốt phiên. Chỉ số có thời điểm giảm 32 điểm so với tham chiếu, xuống sát 1.250 điểm. Áp lực bán chỉ thu hẹp trong những phút cuối phiên khi lực cầu giải ngân vào một số cổ phiếu đang giảm hết biên độ.

VN-Index đóng cửa tại 1.254,12 điểm, giảm gần 28 điểm so với tham chiếu và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. Lần gần nhất chỉ số giảm hơn mức này là phiên 15/4 khi mất xấp xỉ 60 điểm.

Trong phiên đầu tuần, thị trường chìm trong sắc đỏ với 378 cổ phiếu giảm, trong đó 18 mã mất hết biên độ. Số lượng cổ phiếu tăng chỉ bằng 1/5, tức 74 mã, trong đó có 8 mã chạm trần.

Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.

Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.

Rổ vốn hóa lớn ghi nhận sự phân hóa mạnh khi có đến 28 mã đóng cửa dưới tham chiếu, trong khi chỉ có POW lội ngược dòng để tăng điểm. GVR giảm 4,49% xuống 33.000 đồng, trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi hơn 1,5 điểm. Ngoài ra, áp lực bán mạnh còn đến từ những cổ phiếu khác trong nhóm VN30 như FPT, MSN, GAS.

Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm khi toàn bộ đóng cửa dưới tham chiếu. Trong 10 mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường có 5 đại diện thuộc nhóm này. Cụ thể, VPB giảm 3,83% xuống 18.850 đồng, tiếp đến BID giảm 1,32% xuống 45.000 đồng, CTG giảm 1,71% xuống 31.650 đồng, MBB giảm 2,37% xuống 22.650 đồng và VCB giảm 0,58% xuống 85.500 đồng.

Hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản cũng rơi vào trạng thái tiêu cực. Hai mã trụ là VHM và VIC lần lượt mất 0,79% xuống 37.450 đồng và 1,32% xuống 41.100 đồng.

Ở nhóm công nghệ, FPT giảm 2,94% xuống 132.100 đồng và khớp lệnh khoảng 13,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị bán mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vốn đang yếu trở nên tiêu cực hơn và lan rộng đến nhiều cổ phiếu khác thuộc nhóm này. Cụ thể, CTR giảm 5,74% xuống 151.000 đồng và CMG giảm 5,95% xuống 66.400 đồng.

POW là điểm sáng hiếm hoi của thị trường khi tăng 2,04% lên 15.000 đồng, trở thành trụ đỡ quan trọng nhất cho chỉ số. Tương tự, VND cũng là mã duy nhất trong nhóm chứng khoán đóng cửa trên tham chiếu và góp mặt trong danh sách trụ đỡ của thị trường khi tăng 0,93% lên 16.350 đồng. Những mã còn lại trong danh sách này lần lượt là HNG, ITA, KBC, DIG.

Thanh khoản thị trường hôm nay đạt 31.815 tỷ đồng, tăng 10.348 tỷ đồng so với phiên trước. Đây là phiên có giá trị khớp lệnh cao nhất trong một tháng qua. Giá trị này đến từ hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được sang tay, tăng 413 triệu cổ phiếu so với phiên cuối tuần trước. Rổ VN30 đóng góp khối lượng giao dịch hơn 420 triệu cổ phiếu và thanh khoản đạt hơn 12.968 tỷ đồng.

FPT đứng đầu về giá trị khớp lệnh khi đạt 1.762 tỷ đồng. Con số này vượt xa các cổ phiếu xếp sau là DGC hơn 1.126 tỷ đồng (tương ứng 8,9 triệu cổ phiếu) và HPG 1.081 tỷ đồng (tương ứng 37,8 triệu cổ phiếu).

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 13 liên tiếp với giá trị xấp xỉ 926 tỷ đồng. Cụ thể, phiên hôm nay, nhóm này bán ra hơn 102 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 3.384 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân hơn 2.458 tỷ đồng để mua khoảng 87,7 triệu cổ phiếu.

Trên sàn TP HCM, khối ngoại xả hàng quyết liệu cổ phiếu FPT với giá trị bán ròng gấp đôi phiên trước, lên đến 590 tỷ đồng. Tiếp đến là NLG hơn 63 tỷ đồng, SSI gần 58 tỷ đồng và HDB 57,5 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền khối ngoại tập trung vào cổ phiếu TCB với giá trị ròng hơn 57 tỷ đồng. POW xếp tiếp theo khi hút ròng khoảng 56 tỷ đồng, sau đó đến VNM hơn 46 tỷ đồng.

Minh Khôi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-mat-gan-28-diem-giam-manh-nhat-hai-thang-qua-d218412.html