Cổ phiếu họ Apec giảm kịch sàn, dư bán hàng triệu đơn vị

Sau chuỗi thời gian tăng nóng, cổ phiếu của nhóm Apec đã chịu áp lực bán tháo lên đến hàng triệu đơn vị. Trong đó có API và APS giảm kịch sàn, ỊDJ giảm 8,75%.

Đáng chú ý nhất là API của CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương đã giảm kịch sàn về 10.200 đồng/cổ phiếu và dư bán 2,4 triệu đơn vị. Trước đó mã này đã tăng nóng từ 4.700 đồng/cổ phiếu lên 11.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Cùng trong hệ sinh thái Apec, cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có phiên giao dịch ngày 29/5 u ám sau chuỗi tăng tích cực.

Kết phiên 29/5, APS giảm kịch sàn 9,09% xuống 8.000 đồng/cổ phiếu và dư bán 1,8 triệu đơn vị. Trước đó, mã này đã tăng 62,96% từ 5.300 đồng/cổ phiếu lên 8.800 đồng/cổ phiếu trong 1 tháng trở lại.

Tương tự, IDJ giảm 8,75% xuống 7.300 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 2,24 triệu đơn vị. Chỉ trong 1 tháng trước đó, IDJ đã tăng 73,91% từ 4.600 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 28/5.

Diễn biến thị giá API trong thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Diễn biến thị giá API trong thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Đáng nói, thời điểm gần đây bộ ba cổ phiếu này liên tục trắng bên bán và dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị trước khi nằm sàn và dư bán hàng triệu đơn vị.

Trong quá khứ, bộ ba cổ phiếu này đã "làm mưa làm gió" trên thị trường với chuỗi tăng phi mã vào thời điểm 2021.

Với APS, từ cổ phiếu với thị giá “trà đá” ban đầu quanh 5.000 đồng/cổ phiếu có diễn biến bứt tốc tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tăng gấp 14 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.

Diễn biến thị giá APS.

Diễn biến thị giá APS.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhìn nhận, nguyên nhân giá cổ phiếu tăng sốc đến từ hai vấn đề. Đầu tiên là về câu chuyện liên quan đến cổ phiếu đó. Tại họ Apec, trước đó giá cổ phiếu giảm sâu do lùm xùm của lãnh đạo doanh nghiệp, đến khi ông Lăng quay trở lại thì cổ phiếu tăng bởi vấn đề đã được triệt tiêu.

Thứ hai là hội chứng FOMO. Khi cổ phiếu tăng trần đến phiên thứ 3 đã thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, khiến nhiều người có tâm lý FOMO mua đuổi mà không quan tâm đến kết quả kinh doanh ra sao.

Ông Minh đánh giá, ba mã thuộc họ Apec mang “vóc dáng” cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Dù vậy, thời gian tới khả năng cao các cổ phiếu này sẽ diễn biến theo thị trường chung. Theo đó, sau thời gian thị trường tăng tốt và hướng tới vùng đỉnh cũ 1.300 điểm, nhiều khả năng áp lực điều chỉnh gia tăng.

Thật vậy, đà giảm của cổ phiếu họ Apec trùng hợp với sự đảo chiều của thị trường tại phiên giao dịch ngày 29/5 trước áp lực bán gia tăng. Trong phiên chiều, VN-Index đã cắm đầu lao dốc giảm 9,09 điểm về mức 1.272,64 điểm, tương đương giảm 0,71%.

Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, chỉ còn một vài ngành như viễn thông, dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp giữ được sắc xanh với mức tăng ở biên độ hẹp.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-phieu-ho-apec-giam-kich-san-du-ban-hang-trieu-don-vi-a665885.html