Cổ phiếu HVN cất cánh sau khi được đưa ra khỏi diện cảnh báo
Thị trường tiếp tục tăng điểm, dù mức tăng còn khiêm tốn và thanh khoản có phần suy yếu, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực chung, khi bên mua vẫn đang thắng thế và lực mua chủ động tìm kiếm cơ hội, với HVN phiên này trở thành điểm đến đáng chú ý nhất sau thông tin được đưa ra khỏi diện cảnh báo.
Sau phiên sáng nhích nhẹ với thanh khoản duy trì được ở mức khá, thị trường bước vào phiên chiều cố gắng trở lại ngưỡng 1.120 điểm.
Mặc dù vậy, phiên tăng mạnh trước đó chưa thực sự khiến nhà đầu tư yên tâm và sự thận trọng đã trở lại, VN-Index theo đó thêm một nhịp bị đẩy xuống lùi về sát tham chiếu, trước khi hồi phục lên trên ngưỡng điểm này ở những phút cuối nhờ lực cầu có phần tích cực hơn.
Đóng cửa, sàn HOSE có 265 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng 4,59 điểm (+0,41%), lên 1.122,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 644,7 triệu đơn vị, giá trị 14.738,6 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,4 triệu đơn vị, giá trị 1.701 tỷ đồng.
Điểm sáng phiên này đến từ cổ phiếu HVN của VietNam Airlines, khi có thêm một phiên tăng kịch trần +6,8% lên 12.550 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị, mức giá và thanh khoản đạt mức cao nhất trong khoảng hơn 3 tháng.
Như vậy, kể từ thời điểm có quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu HVN đã có hai phiên liên tiếp tăng trần.
Cụ thể, ngày 22/12, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo kể từ hôm nay ngày 26/12.
Lý do là HVN đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.
Tuy nhiên, hiện cổ phiếu HVN đang rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết vì đã trải qua 3 năm kinh doanh thua lỗ liên tiếp và tổng số lỗ lũy kế đã hơn 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 13.951 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2023.
Về kết quả kinh doanh, trong báo cáo mới nhất, HVN cho biết 9 tháng năm 2023 đã ghi nhận doanh thu đạt 68.089 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế hơn 3.329 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 7.574 tỷ đồng.
Ngoài HVN, thì một số cổ phiếu khác cũng đã được nhà đầu tư quan tâm như CTD với mức tăng 5,6% lên 69.500 đồng, khớp 5,11 triệu đơn vị; ELC +4% lên 20.700 đồng, khớp 0,73 triệu đơn vị; ITA +4% lên 6.780 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị; DPR +3,7% lên 31.000 đồng, khớp 0,66 triệu đơn vị; CSV +3,1% lên 41.250 đồng, APG +3% lên 12.200 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, một số bị chốt lời nhẹ như HDG, GMD, VSC, DBD, HNG giảm 2% đến 2,7% và YEG -3,9% xuống 11.100 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị.
Một điểm tích cực khác là đa phần các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều có được sắc xanh, dù chỉ tăng nhẹ. Có thể kể đến như LCG, ASM, KBC, CII, VCI, TCH, PDR, HSG, DXG, HHV, VIX, DIG, VND, GEX, khớp từ 4,1 triệu đến hơn 22,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HPG là mã thanh khoản cao nhất thị trường với 33,7 triệu đơn vị và tăng nhẹ 1,3% lên 27.800 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chững lại và gần như đi ngang so với mức điểm cuối phiên sáng và bất ngờ có nhịp bật tăng ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 94 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 1,81 điểm (+0,79%), lên 231,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,6 triệu đơn vị, giá trị 1.125,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,74 triệu đơn vị, giá trị gần 88 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu nổi bật là NVB và HTP, khi đều kết phiên ở giá trần tại 11.300 đồng và 18.900 đồng, khớp đều có khoảng 0,4 triệu đơn vị.
Những cổ phiếu khác như TIG nhích 4,1% lên 12.600 đồng, khớp 3,68 triệu đơn vị, các mã GKM, LAS, NRC, PVC, TNG tăng hơn 2%.
Trong khi đó, SHS, PVS, IDC, DTD chỉ tăng nhẹ, với SHS là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn khi có 11,9 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co vài nhịp với biên độ thấp quanh tham chiếu cho đến khi kết phiên và đóng cửa tăng nhẹ.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 86,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,7 triệu đơn vị, giá trị 328,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 49,5 triệu đơn vị, giá trị 1.086 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 20,7 triệu cổ phiếu SEA, trị giá hơn 755,5 tỷ đồng.
Không có cổ phiếu nào quá nổi bật, nhưng khá nhiều mã đã đảo chiều tăng, đặc biệt ở nhóm thanh khoản cao, như VGI, ABB, DGT, SSB, BCR, VHG, VTP và BSR. Trong đó, BSR +0,54% lên 18.600 đồng, khớp lệnh dẫn đầu UpCoM dù chỉ có hơn 2,29 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2401 tăng 6,5 điểm, tương đương +0,58% lên 1.121,5 điểm, khớp lệnh hơn 132.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, nhóm bốn mã thanh khoản cao nhất, khớp từ 1,8 triệu đến hơn 3,2 triệu đơn vị đều tăng, trong đó, CHPG2324 tăng vọt 30,6% lên 470 đồng/cq, CVHM2313 tăng 1,9% lên 530 đồng/cq, CHPG2325 tăng 12,1% lên 370 đồng/cq và CHPG2313 tăng 5,7% lên 1.290 đồng/cq.