Cổ phiếu MWG đi ngang khi biên lãi ròng của Thế giới Di Động xuống mức thấp nhất lịch sử
Dữ liệu cho thấy biên lãi ròng của Thế giới Di Động trong quý 2 vừa qua chỉ còn chưa đến 0,1% so với mức 3-4% thông thường. Đồng thời, kết thúc nửa đầu năm nay, doanh nghiệp bán lẻ này cũng chỉ hoàn thành 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính, mới hoàn thành 1% mục tiêu lợi nhuận năm
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 và nửa đầu năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo đó, trong quý 2/2023, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam này chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.465 tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 5.441 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,4% xuống còn 18,5%.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 10%, chi phí bán hàng tăng 8%, chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 54% so với cùng năm trước. Điều này khiến lợi nhuận gộp không đủ để chi trả chi phí phát sinh, Thế giới Di Động ghi nhận lỗ 396 tỷ đồng trong quý 2/2023 từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, so với mức lãi 1.688 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Doanh nghiệp bán lẻ này chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến 96% lên mức 585 tỷ đồng trong quý 2/2023, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và chiết khấu thanh toán. Tính chung cả quý 2/2023, Thế giới Di Động báo lãi ròng ở mức “vỏn vẹn” 17 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm trước.
Kéo theo đó, biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 3,29% xuống chỉ còn chưa đến 0,1% trong quý 2/2023. Đây là mức biên lợi nhuận ròng thấp kỷ lục kể từ khi Thế giới Di Động niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán vào tháng 7/2014. Trong giai đoạn thông thường, biên lợi nhuận ròng của hãng bán lẻ này dao động từ 3 – 4%.
Ban lãnh đạo Thế giới Di động cho biết lợi nhuận lao dốc do sức mua điện thoại và điện máy nói chung suy giảm, ở mức yếu kể từ quý 4/2022 và chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2023 (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ).
Tính chung nửa đầu năm nay, Thế giới Di động ghi nhận tổng doanh thu thuần 56.570 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 38 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm nay, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý 3/2023. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động mới hoàn thành chưa đến 1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xem thêm: "SSI Research: Tập đoàn Hòa Phát sẽ tạm dừng một lò cao trong quý 4/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Cuộc chiến “Giá rẻ quá” bào mòn lợi nhuận, cổ phiếu MWG đi ngang
Để thu hút thêm khách hàng mới đồng thời giữ chân khách hàng hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu yếu, Thế giới Di động thời gian qua đã thực hiện chiến dịch “Giá rẻ quá” nhằm kích cầu tiêu dùng từ cuối tháng 3/2023. Qua đó, bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá gay gắt với các đối thủ bán lẻ điện máy khác trên thị trường như FPT Retail (mã cổ phiếu FRT – sàn HoSE) và Petrosetco (mã cổ phiếu PET – sàn HoSE).
Tuy nhiên, số liệu cho thấy dù chấp nhận “hi sinh” lợi nhuận với loạt chiến dịch khuyến mãi, giảm giá quy mô lớn chưa từng thấy, doanh thu hai chuỗi lớn Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nửa đầu năm nay chỉ đạt 41.500 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh thu ngành hàng tiêu dùng tại chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 7% so với nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ này vẫn ghi nhận lỗ 658,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Như vậy, tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới nay lên tới 8.053,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới Di Động cũng lỗ 150,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay; nâng mức lỗ lũy kế từ năm 2019 tới nay lên mức 469,6 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh kem tích cực, dữ liệu cho thấy vào đầu cuối quý 4/2022, Thế giới Di động có hơn 74.000 nhân viên. Đến cuối quý 2/2023, số nhân viên của doanh nghiệp bán lẻ này chỉ ở mức 68.000 nhân viên. Như vậy, Thế giới Di Động đã cắt giảm 8% quy mô nhân sự trong nửa đầu năm. Nếu tính từ đầu quý 4/2022 – thời điểm bắt đầu xuất hiện thông tin về việc giảm nhân viên thì Thế giới Di Động đã giảm hơn 15% quy mô nhân sự chỉ trong 3 quý gần nhất.
Xem thêm: "Thủy sản Nam Việt (ANV) bắt tay với chuỗi Bách Hóa Xanh cùng mở rộng thị trường nội địa" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Số liệu từ bảng cân đối kế toán cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, tổng tài sản của Thế giới Di Động tăng 6,3% so với đầu năm, lên mức 59.368,5 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới hơn 24.400 tỷ đồng (tăng 61% so với đầu năm), chiếm 41% tổng tài sản.
Lượng hàng tồn kho đạt gần 21.900 tỷ đồng (giảm 15% so với đầu năm), chiếm 37% tổng tài sản. Đáng chú ý, Thế giới Di động đã giảm tồn kho hàng loạt các sản phẩm như thiết bị điện tử; điện thoại di động; máy tính xách tay; phụ kiện; thiết bị gia dụng; thực phẩm; các loại hàng tiêu dùng;; … Ngược lại, chủ yếu chỉ tăng tồn kho sản phẩm hóa mỹ phẩm.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng nợ phải trả của Thế giới Di Động đã tăng 11% so với thời điểm đầu năm, lên mức 35.405 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp bán lẻ này. Nợ phải trả tăng chủ yếu đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 6,7%.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 9/8, cổ phiếu MWG của Thế giới Di Động có giá tham chiếu tại mức 53.400 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu MWG đang có xu hướng dao động quanh vùng giá từ 51.700 – 54.600 đồng/cổ phiếu trong 2 tuần trở lại đây.
Trước đó, từ cuối tháng 5/2023 đến cuối tháng 7/2023, cổ phiếu MWG đã xác lập nhịp tăng ấn tượng với mức tăng lên tới 43% kèm thanh khoản gia tăng mạnh.