Cổ phiếu Mỹ phục hồi, đảo ngược đà giảm sâu khi Tổng thống Donald Trump ra hiệu đàm phán thuế quan

Chỉ số Dow Jones bật tăng 2.595 điểm từ đáy phiên thứ Hai với hy vọng phục hồi khi Tổng thống Donald Trump gợi ý đàm phán thuế quan.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động vào thứ Hai, khi các chỉ số chính như Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ.

 Biển hiệu phố Wall. Ảnh: Getty

Biển hiệu phố Wall. Ảnh: Getty

Nguyên nhân chính đến từ những tín hiệu trái chiều về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, khiến thị trường liên tục đảo chiều từ lỗ sang lãi rồi lại quay về lỗ.

Biến động kỷ lục của Dow Jones và các chỉ số khác

Trong phiên giao dịch này, chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận mức biến động điểm lớn nhất trong lịch sử chỉ trong một ngày. Cụ thể, chỉ số này lao dốc hơn 1.700 điểm xuống mức thấp nhất trong phiên, trước khi bật tăng trở lại tới 2.595 điểm từ đáy.

Tuy nhiên, đến cuối ngày, Dow Jones vẫn giảm 349 điểm, tương đương 0,91%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, lại nhích nhẹ 0,1%. Chỉ số S&P 500 khép phiên giảm 0,23%.

Theo thống kê từ S&P Global, mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong ngày của S&P 500 đạt 8,5%, một hiện tượng hiếm hoi chỉ xảy ra 20 lần kể từ năm 1962. Đáng chú ý, trong phiên này, S&P 500 có lúc rơi vào “thị trường giá xuống” (bear market), nhưng cuối cùng chỉ còn cách mức đỉnh gần đây khoảng 18%.

Tín hiệu đàm phán từ Tổng thống Trump làm thị trường đảo chiều

Ngay từ khi mở cửa, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, các chỉ số nhanh chóng phục hồi và chuyển sang sắc xanh nhờ một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Donald Trump.

Trong bài viết, ông cho biết: “Các quốc gia trên khắp thế giới đang đàm phán với chúng tôi. Những điều kiện tuy khó khăn nhưng công bằng đang được thiết lập". Tín hiệu sẵn sàng đàm phán thuế quan này đã mang lại hy vọng cho nhà đầu tư.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi Tổng thống Trump nâng cao căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Ông đe dọa áp thêm 50% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không rút lại mức thuế trả đũa 34% được công bố trước đó.

Động thái này của Trung Quốc vốn là phản ứng trước mức thuế 34% mà Mỹ áp đặt vài ngày trước, cộng thêm mức thuế 20% đã có từ trước. Nếu mức thuế 50% được thực thi, tổng thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ lên tới 104%.

Thị trường tiếp tục lao đao, chuyên gia nhận định

Kết thúc phiên thứ Hai, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ. Đợt bán tháo này kéo dài chuỗi thua lỗ từ tuần trước, khi Tổng thống Trump công bố các chính sách thuế quan sâu rộng. Chỉ số Dow Jones vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020, trong khi Nasdaq đã chính thức rơi vào “thị trường giá xuống” vào cuối tuần trước.

Nhà phân tích đầu tư Bret Kenwell từ eToro nhận định với ABC News rằng sự bất định về chính sách thuế quan và triển vọng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính khiến thị trường giao dịch đầy biến động. “Hiện tại, thị trường đang đối mặt với mức độ biến động rất lớn trong bối cảnh đầy rẫy bất ổn", ông nói.

Trong khi đó, chuyên gia Ivan Feinseth từ Tigress Financial nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thuế quan.

“Những chính sách này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, đẩy lạm phát tăng cao và khiến Cục Dự trữ Liên bang phải tạm dừng các kế hoạch điều chỉnh chính sách. Hiện tại, mọi thứ đang rơi vào trạng thái hoảng loạn", ông Feinseth nhận xét.

Tuy nhiên, ông Feinseth cũng lưu ý rằng sự phục hồi ngắn ngủi của thị trường sau tín hiệu đàm phán thuế quan cho thấy nhà đầu tư đang khao khát một giải pháp làm dịu căng thẳng thương mại toàn cầu. “Thị trường đang sẵn sàng bật tăng trở lại nếu có tin tức tích cực", ông khẳng định.

Tiền điện tử cũng chịu ảnh hưởng

Không nằm ngoài vòng xoáy, thị trường tiền điện tử cũng bị tác động mạnh trong đợt bán tháo này. Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, giảm 0,9%, đưa giá xuống còn khoảng 79.000 USD, thấp hơn 30% so với mức đỉnh hồi tháng 1. Ether lao dốc 3,4%, trong khi Solana, một đồng tiền ít phổ biến hơn, giảm 1,1%.

Hong Kong dẫn đầu đà giảm ở châu Á

Tại châu Á, thị trường chứng khoán cũng không tránh khỏi làn sóng bán tháo. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo mất gần 9% ngay sau khi mở cửa vào thứ Hai, mức giảm mạnh đến nỗi kích hoạt cơ chế ngắt mạch, tạm dừng giao dịch. Chỉ số TOPIX của Nhật Bản cũng giảm 8%. Trong khi đó, chỉ số Taiex tại Đài Loan lao dốc 9,7%, còn STI của Singapore giảm hơn 8%.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất hơn 5,5%, còn S&P/ASX 200 của Úc giảm hơn 6% trước khi phục hồi nhẹ.

Đặc biệt, chỉ số Hang Seng của Hong Kong sụt tới 13,22%, đánh dấu ngày giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1997 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Baidu nằm trong nhóm thua lỗ nặng nhất.

Tại Trung Quốc đại lục, nơi có ít nhà đầu tư quốc tế hơn, chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 7%, dù đã được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư nhà nước, thường được gọi là “Đội Quốc gia”.

Thị trường Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu hướng này, với chỉ số Sensex của BSE giảm 5,19% và Nifty mất 5%. Nhìn chung, các thị trường châu Á ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Chứng khoán Châu Âu đồng loạt lao dốc

Sáng thứ Hai, các thị trường châu Âu cũng không thoát khỏi xu hướng giảm. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 6% ngay khi mở cửa, trong khi Stoxx 600 toàn châu Âu giảm hơn 6%. Tại Đức, chỉ số DAX lao dốc tới 10%, CAC của Pháp giảm 6,6%, còn FTSE MIB của Ý mất 5,7%.

Mỹ chuẩn bị gây thêm khó khăn

Các nhà đầu tư tại Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho những ngày giao dịch khó khăn phía trước, sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế quan “Ngày Giải phóng” vào tuần trước. Trong cuộc trao đổi với báo chí trên chuyên cơ Air Force One hôm Chủ nhật, ông thừa nhận sự hỗn loạn của thị trường và những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

“Tôi không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra với thị trường, nhưng tôi có thể khẳng định rằng đất nước chúng ta đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cuối cùng, Mỹ sẽ trở thành quốc gia thống trị về kinh tế trên thế giới", Tổng thống Trump nói.

Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi không muốn mọi thứ sụp đổ, nhưng đôi khi phải chấp nhận khó khăn để giải quyết vấn đề. Chúng ta đã bị đối xử bất công bởi nhiều quốc gia khác do những thiếu sót trong quản lý trước đây".

Trước đó, vào thứ Sáu, thị trường Mỹ đã đóng cửa với mức giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones lao dốc 2.230 điểm, tương đương 5,5%, còn S&P 500 giảm 6%.

Nasdaq mất 5,8%, chính thức rơi vào “thị trường giá xuống” với mức giảm hơn 20% so với đỉnh gần đây. Phiên giao dịch này đánh dấu ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ năm 2020, sau một ngày thứ Năm cũng nằm trong nhóm giảm mạnh nhất kể từ cùng kỳ.

Việt Hà (Theo ABC News)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-phieu-my-phuc-hoi-dao-nguoc-da-giam-sau-khi-tong-thong-donald-trump-ra-hieu-dam-phan-thue-quan-post341824.html