Dow Jones trải qua phiên biến động mạnh nhất trong lịch sử, giá dầu sụt hơn 2%

Khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng đạt mức cao nhất trong ít nhất 18 năm, với khoảng 29 tỷ cổ phiếu được sang tay ở Phố Wall trong phiên này...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/4), khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo có thể áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Mối lo suy thoái kinh tế khiến giá dầu thô tiếp tục trượt dốc sau khi giảm mạnh trong tuần trước.

Phiên này chứng kiến sự biến động chóng mặt của các chỉ số do các nhà đầu cơ cố gắng đoán định về thời điểm chạm đáy của thị trường trong cơn bán tháo do chính sách thuế quan của ông Trump. Theo hãng tin CNBC, chỉ số Dow Jones đã có phiên biến động mạnh nhất trong lịch sử và khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng đạt mức cao nhất trong ít nhất 18 năm, với khoảng 29 tỷ cổ phiếu được sang tay ở Phố Wall trong phiên này, vượt qua mức 26,77 tỷ cổ phiếu ghi nhận vào hôm thứ Sáu và mức bình quân của 10 phiên gần nhất là 16,94 tỷ cổ phiếu.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 349,26 điểm, tương đương giảm 0,91%, còn 37.965,6 điểm. Ở thời điểm thấp nhất của phiên, chỉ số giảm 1.700 điểm. Từ đáy đến mức cao nhất của phiên, chỉ số thay đổi 2.595 điểm, một cú đảo ngược kỷ lục.

Biến động chỉ số Dow Jones trong phiên ngày 7/4/2025 - Nguồn: CNBC.

Biến động chỉ số Dow Jones trong phiên ngày 7/4/2025 - Nguồn: CNBC.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,23%, chốt phiên ở mức 5.602,25 điểm. Lúc thấp nhất trong phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ mất 4,7% điểm số. Chỉ số đã rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống trong phiên này do giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 2, nhưng đã ra khỏi trạng thái đó khi kết thúc phiên giao dịch do rút ngắn mức giảm còn gần 18% so với mức đỉnh đó.

Chỉ số Nasdaq đóng cửa tăng 0,1%, đạt 15.603,26 điểm dù giảm hơn 5% khi ở đáy của phiên. Sự hồi phục này của Nasdaq có được khi nhà đầu tư lao vào bắt đáy một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã bị bán liên tục trong thời gian gần đây như Nvidia và Palantir.

Thị trường đã có thời điểm cho thấy nỗ lực hồi phục mạnh, với chỉ số Dow Jones chuyển sắc xanh khi có tin đồn trên mạng xã hội về việc ông Trump có thể hoãn thực thi kế hoạch thuế quan đối ứng. Tuy nhiên, Nhà Trắng nói với hãng tin CNBC rằng bất kỳ thông tin nào về việc hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày đều là “tin giả”. Sau tuyên bố này, các chỉ số lại quay đầu đi xuống.

Trong vòng 3 phiên trở lại đây, S&P 500 đã giảm 10%, chuỗi giảm mạnh nhất của chỉ số kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào năm 2020. Dù đối mặt với sự bán tháo mạnh mẽ như vậy của thị trường, chính quyền ông Trump đến hiện tại vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn, kiên định về thuế quan, nói rằng thuế quan đối ứng áp dụng với nhóm nước bị áp thuế suất cao vẫn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 như dự kiến. Trung Quốc đã trả đũa thuế quan này của Mỹ vào hôm thứ Sáu bằng cách áp thuế 34% lên hàng Mỹ, một số quốc gia khác cũng đang chuẩn bị công bố biện pháp đáp trả, trong khi nhiều nền kinh tế khác đang đề nghị đàm phán với Mỹ.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày thứ Hai, ông Trump dọa đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc: “Nếu Trung Quốc không rút lại thuế quan 34%... trước ngày mai 8/4/2025, Mỹ sẽ áp thêm thuế quan 50% lên hàng Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/4. Ngoài ra, tất cả các cuộc trao đổi với Trung Quốc về đề nghị gặp gỡ của họ với chúng tôi sẽ bị hủy bỏ”.

Phát biểu trước báo giới ngày thứ Hai, ông Trump cũng khẳng định hiện tại chính quyền của ông không cân nhắc ý định nào về tạm hoãn kế hoạch thuế quan đối ứng.

“Tổng thống đang gây ra sự suy giảm niềm tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu… Trong ngày thứ Hai, Tổng thống có một cơ hội để đưa ra một sự trì hoãn và tiến hành sửa đổi một hệ thống thuế quan không bình đẳng. Nếu không, chúng ta sẽ đi đến một ‘mùa đông kinh tế’ tự mình gây ra cho chính mình”, nhà quản lý quỹ phòng hộ, tỷ phú Bill Ackman - người sáng lập công ty Pershing Square - viết trên mạng xã hội X.

Nhà Trắng cho biết đã có ít nhất 50 quốc gia đề nghị đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng tiến trình đàm phán có thể kéo dài hơn so với những gì nhà đầu tư kỳ vọng.

Nỗi sợ hãi ở Phố Wall đang tăng cao, khi nhà đầu tư cho rằng đợt bán tháo này sẽ trở thành một vòng xoáy tự mạnh lên vì các quỹ phòng hộ sẽ buộc phải bán cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác để đáp ứng các lệnh gọi ký quỹ. Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall tăng lên tới 60 điểm trong phiên ngày thứ Hai, một mức điểm thường chỉ xuất hiện trong các thị trường đầu cơ giá xuống.

“Các lệnh gọi ký quỹ đang dồn dập kéo đến. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ phản đối kế hoạch thuế quan ‘ngày giải phóng’ của Nhà Trắng, kế hoạch đã làm Phố Wall rung chuyển”, nhà kinh tế trưởng Chris Rupkey của công ty FWDBONDS nhận định. “Ngày giải phóng” là từ mà ông Trump dùng để nói về ngày 2/4, ngày ông công bố kế hoạch thuế đối ứng.

Cổ phiếu Apple đóng cửa với mức giảm 3,7% do ông Trump dọa leo thang thuế quan với Trung Quốc. Công ty này đã mất gần 640 tỷ USD vốn hóa thị trường trong ba phiên vừa qua.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,37 USD/thùng, tương đương giảm 2,09%, đóng cửa ở mức 64,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,29 USD/thùng, tương đương giảm 2,08%, còn 60,7 USD/thùng.

Tuần trước, giá của hai loại dầu này đều giảm hơn 10%. Ở thời điểm chạm đáy của phiên ngày thứ Hai, giá dầu WTI giảm xuống 58,95 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2021. Giá dầu Brent chạm đáy phiên ở mức 62,51 USD/thùng.

Việc OPEC+ vào tuần trước quyết định đẩy nhanh tốc độ nâng sản lượng khai thác dầu đã gia tăng áp lực mất giá đối với năng lượng này. Ngoài ra, giá dầu giảm sâu vì nỗi lo rằng chiến tranh thương mại có thể gây suy thoái kinh tế và khiến nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Ông Trump hoan nghênh việc giá dầu giảm sâu trong một bài đăng trên Truth Social vào ngày thứ Hai. “Giá dầu đang giảm, lãi suất đang giảm (Fed chậm chạp nên hạ lãi suất đi!), giá thực phẩm giảm, không còn lạm phát nữa, và nước Mỹ bị lợi dụng bấy lâu nay đang thu về hàng tỷ USD mỗi tuần nhờ thuế quan đánh vào những nước lợi dụng Mỹ”.

Một báo cáo của ngân hàng America dự báo thương chiến sẽ khiến mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm một nửa trong năm nay. Cộng với việc OPEC+ tăng sản lượng, thế giới sẽ thừa 1,25 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo báo cáo.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London 1 tuần qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London 1 tuần qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Hôm Chủ nhật, ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu vào cuối năm nay về 58 USD/thùng đối với dầu WTI và 62 USD/thùng đối với dầu Brent, thấp hơn 4 USD/thùng so với lần dự báo trước. Về năm 2026, Goldman Sachs nhận định giá dầu WTI và Brent đạt bình quân tương ứng 55 USD/thùng và 58 USD/thùng.

Theo chiến lược gia trưởng Jeff Currie của công ty Carlyle, giá dầu giảm sâu có thể khiến các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ cắt giảm sản lượng. Ngưỡng 60 USD/thùng của giá dầu WTI là thấp hơn so với mức hòa vốn đối với một số công ty dầu đá phiến. Cũng theo ông Currie, giá dầu WTI có khả năng giảm dưới 50 USD/thùng.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dow-jones-trai-qua-phien-bien-dong-manh-nhat-trong-lich-su-gia-dau-sut-hon-2.htm