Cổ phiếu Nam Sông Hậu (PSH) đối mặt áp lực bán tháo
PSH giảm hết biên độ trong phiên giao dịch ngày 5/1, đóng cửa trong tình trạng dư bán giá sàn hơn 2,5 triệu cổ phiếu vì thông tin doanh nghiệp bị cưỡng chế gần 1.300 tỷ đồng tiền thuế và chậm trả lãi trái phiếu.
Sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), cổ phiếu của Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán: PSH) giảm hết biên độ còn 9.680 đồng. Áp lực xả hàng dịu xuống ít phút giúp cổ phiếu thu hẹp biên độ giảm, nhưng diễn biến này không kéo dài lâu. PSH trở lại giá sàn từ khoảng 9h40 và giữ nguyên cho đến cuối phiên khi nhà đầu tư kích hoạt trạng thái bán tháo. Đây là phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu này trong vòng hai tháng qua.
Giá trị giao dịch của PSH hôm nay đạt hơn 43 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,5 triệu cổ phiếu được sang tay, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 7/2023. Trong số này có khoảng 3,4 triệu cổ phiếu giao dịch tại giá sàn. Tính đến cuối phiên, PSH không có bên mua trong khi dư bán hơn 2,5 triệu cổ phiếu.
Áp lực bán quyết liệt xuất hiện sau khi Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu đón hàng loạt thông tin tiêu cực. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định cưỡng chế thuế với số tiền gần 1.160 tỷ đồng vì Công ty nợ thuế quá 90 ngày theo quy định. Với lý do tương tự, chi nhánh của Công ty tại TP. Cần Thơ cũng bị Cục Thuế TP. Cần Thơ ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn để cưỡng chế nợ thuế hơn 92 tỷ đồng.
Mới đây nhất, vào ngày 4/1, Công ty thông báo chưa cân đối được nguồn tiền nên phải gia hạn ngày trả 10 tỷ đồng tiền lãi đối với lô trái phiếu PSHH2224002. Theo đó, Công ty sẽ lùi thời gian thanh toán từ ngày 4/1 sang ngày 13/1. Lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 4/2022 với lãi suất 11,5% một năm, dự kiến đáo hạn vào tháng 4/2024.
Nam Sông Hậu hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc hóa dầu, khí hóa lỏng. Công ty được thành lập tại Hậu Giang vào đầu năm 2012 và niêm yết trên sàn chứng khoán vào giữa năm 2020. Công ty hiện có vốn điều lệ hơn 1.261 tỷ đồng, trong đó ông Mai Văn Huy (Chủ tịch Hội đồng quản trị) nắm giữ 62,53% vốn. Đây là một trong những doanh nghiệp xăng dầu đầu mới lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hơn 52 chi nhánh.
Năm 2023, Nam Sông Hậu đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.964 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng đạt 356 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 236 tỷ đồng. Mục tiêu biên lợi nhuận ròng là 3,25%.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 277 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu này đều kém tương đối xa so với mục tiêu đề ra trước đó.
Tổng tài sản của Công ty tính đến cuối quý III/2023 là 10.823 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 740 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn với gần 5.500 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Công ty tăng 500 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 9.000 tỷ đồng. Thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước chiếm hơn 1.300 tỷ đồng trong số này. Khoản nợ còn lại chủ yếu đến từ vay ngắn hạn và dài hạn các ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-nam-song-hau-psh-doi-mat-ap-luc-ban-thao-d206612.html