Cổ phiếu năng lượng đua nhau nhảy múa cùng 'cơn khát' điện
Giữa tâm điểm nắng nóng và lịch cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương miền Bắc, các cổ phiếu ngành năng lượng trên sàn cũng đua nhau 'nhảy múa' trên sàn.
NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 vẫn đang giao dịch trên vùng giá đỉnh quanh mốc 32.000 đồng. Từ tháng 2/2023 tới nay, mã này đã tăng 23% giá trị. NT2 vượt đỉnh sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, với sản lượng điện đạt 1.075 triệu kWh, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá khí đầu vào giảm nhẹ. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của NT2 lần lượt đạt 2.183 tỷ đồng và 234 tỷ đồng, tăng 9% và 47% so với quý 1/2022.
Cổ phiếu QTP của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng đang “nhăm nhe” vượt đỉnh, khi tăng 22% trong 2 tháng qua, vươn lên vùng giá 17.000 đồng. Trong tháng 5/2023, sản lượng điện của QTP là 806,5 triệu kWh, vượt 34,6 triệu kWh so với kế hoạch tháng. Đây cũng là mức sản lượng sản xuất cao nhất của tháng kể từ khi nhà máy đi vào vận hành.
QTP cho biết, trước hiện tượng El Nino khiến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hiện các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đều được huy động phát tối đa công suất 24/24. Lực lượng vận hành viên được bố trí trực theo chế độ 3 ca 5 kíp.
Cổ phiếu PPC của Nhiệt điện Phả Lại đã tăng 25% trong hơn 2 tháng qua, lên vùng giá 17.000 đồng. Mức đỉnh của mã này là 24.000 đồng/cp. Công ty cho biết tổng sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm đạt hơn 1,2 tỷ kWh, đạt 98,7% kế hoạch. Dự kiến trong tháng 6, sản lượng điện sản xuất của công ty sẽ đạt hơn 319 triệu kWh.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Nhiệt điện Phả Lại là doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính cũng như chi phí lãi vay trong thời gian qua. Tại ngày 31/3/2023, nợ phải trả của Nhiệt điện Phả Lại còn 316 tỷ đồng, giảm 49% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng tài sản đạt 5.521 tỷ đồng, với 64 triệu tiền mặt, hơn 28 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 20 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; 2.536 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác; 625 tỷ đồng hàng tồn kho.
Diễn biến tăng giá tương tự với HND của Nhiệt điện Hải Phòng. Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1 không mấy khả quan nhưng triển vọng của nhóm ngành cũng đã giúp cổ phiếu này tăng 14% trong 2 tháng qua.
Không chỉ cổ phiếu nhiệt điện, điện khí, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo cũng có diễn biến khả quan. Từ vùng giá 6.000 đồng hồi tháng 3/2023, BCG của Bamboo Capital đã về lại mệnh giá, với thanh khoản tăng cao. ASM của Tập đoàn Sao Mai từ vùng 8.000 đồng hồi tháng 4 cũng chinh phục lại mức 11.000 đồng trong phiên 12/6.
HDG của Tập đoàn Hà Đô tăng 50% trong 3 tháng qua. Được biết đến là nhà phát triển bất động sản nhưng trong năm 2022, lợi nhuận Hà Đô vẫn tăng trưởng (đạt 1.378 tỷ đồng) nhờ doanh thu từ điện mặt trời, điện gió, thủy điện tăng mạnh.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến năng lượng khác như PC1, GEX, GEG, POW… cũng đã phục hồi khá tốt kể từ khi VN-Index chạm đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022.
Nhà đầu tư cẩn trọng "bẫy fomo"
Như dự đoán của giới phân tích, sau khi Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt vào tháng 5 vừa qua, cùng với giá bán lẻ điện bình quân cũng tăng 3%, cổ phiếu ngành điện đã ghi nhận diễn biến tích cực. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo.
Sức “nóng” của cổ phiếu điện chưa kịp hạ nhiệt thì tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương miền Bắc lại càng khiến nhóm ngành này thu hút sự chú ý hơn. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2023 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,08°C đến 1,32°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Ở Việt Nam, từ đầu năm đến tháng 5, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-30%, riêng trên sông Thao thiếu hụt 70%. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Mặc dù triển vọng trong ngắn hạn của nhóm ngành điện đã nhìn thấy rõ nhưng với những người đầu tư cổ phiếu, việc “đi trước đón đầu” dự báo trước các xu hướng là điều tối quan trọng. Vì vậy, nếu muốn xuống tiền với nhóm ngành này ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng để không “dính bẫy fomo” (hội chứng sợ bỏ lỡ trong đầu tư).