Cổ phiếu năng lượng lại tỏa sáng trong phiên ETF tái cơ cấu
Thị trường đã tốt hơn trong phiên chiều dù VN-Index một lần nữa 'nhúng' xuống dưới mốc 1.200 điểm. Quỹ ETF ngoại giao dịch mạnh cuối phiên nhưng không phải cổ phiếu nào được mua cũng tăng và ngược lại. Riêng nhóm cổ phiếu năng lượng hôm nay không chỉ tăng ngược dòng mà còn cực mạnh...
VN-Index được nâng lên trong phiên chiều và một lần nữa giữ vững mốc tâm lý 1200 điểm.
Thị trường đã tốt hơn trong phiên chiều dù VN-Index một lần nữa “nhúng” xuống dưới mốc 1.200 điểm. Quỹ ETF ngoại giao dịch mạnh cuối phiên nhưng không phải cổ phiếu nào được mua cũng tăng và ngược lại. Riêng nhóm cổ phiếu năng lượng hôm nay không chỉ tăng ngược dòng mà còn cực mạnh.
Độ rộng cuối phiên của VN-Index ghi nhận 87 mã tăng/391 mã giảm. Số giảm giá vẫn áp đảo nên những cổ phiếu ngược dòng thành công càng đáng chú ý.
Dĩ nhiên không phải mã nào tăng giá hôm nay cũng có yếu tố cơ bản “xuất sắc” hay thanh khoản đủ tin cậy, nhưng nhiều cổ phiếu cũng tăng nhờ lực đầu cơ rất khỏe và khống chế được thanh khoản. Nhóm nổi bật là các cổ phiếu năng lượng, không chỉ đảo chiều sớm mà còn giữ giá ổn định.
Trong nhóm VN30, POW đánh võng liên tục từ sáng và đến chiều thì bứt phá hoàn toàn. Riêng chiều nay POW tăng cao thêm 3,54% so với thời điểm cuối phiên sáng và đóng cửa trên tham chiếu 4,55%. REE cũng đột biến từ sau 1h30 chiều, đóng cửa tăng 2,27%. NT2 cuối phiên sáng còn giảm nhẹ 0,35%, chốt phiên chiều tăng 2,47%. VHS tăng 4,75%, PPC tăng 1,4%, GEG tăng 6,92%, PC1 tăng 3,29%... là những cổ phiếu nổi bật.
Nhóm dầu khí trái lại, phần lớn là đỏ, chỉ có BSR tăng 1,24% và nhất là GAS tăng 4,69%. GAS bùng nổ mạnh từ sau 2h chiều và càng về cuối càng khỏe. GAS có vai trò quan trọng trong việc giảm thiệt hại ở VN-Index khi kéo được gần 3,2 điểm. Các mã dầu khí khác như PVC, PLX, PVS, OIL... trái lại, giảm đáng kể so với tham chiếu dù cũng có mức phục hồi nhất định về cuối.
Nhóm cổ phiếu tài chính hôm nay nhiều mã hứng chịu áp lực xả lớn, bao gồm cả các giao dịch ETF. SSI, VND giảm sàn cùng 11 cổ phiếu cùng ngành khác. Lực bán ở hai mã này là cực mạnh khi riêng đợt ATC đã có gần 6 triệu cổ giao dịch ở VND và 1,82 triệu cổ ở SSI, chưa kể hàng triệu cổ khác dư bán. Cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận MSB và VIB giảm sàn và 17 mã khác giảm trên 3%. Các trụ VCB, VPB, TCB, CTG nằm trong số này và đều có giao dịch lớn lúc đóng cửa.
Thị trường giảm giá áp đảo hôm nay.
Với độ rộng quá hẹp, thị trường vẫn xác nhận sức ép lớn từ phía bán. HoSE có tới 82 cổ phiếu đóng cửa ở giá sàn, nhiều gần gấp đôi phiên sáng. Chỉ số đại diện nhóm Smallcap giảm 2,75%, Midcap giảm 2,48% và VN30-Index giảm 1,74%. Nhóm blue-chips tuy cũng giảm là chủ đạo (23/30 mã giảm) nhưng vẫn là nhóm nâng đỡ chỉ số.
Thực tế mặt bằng giá của các blue-chips đã tốt hơn nhiều so với phiên sáng. Thống kê cho thấy có 22 cổ phiếu trong rổ tăng giá so với buổi sáng, chỉ 8 mã tụt giá. Thậm chí những cổ phiếu còn giảm rất sâu so với tham chiếu như HPG, PLX, VCB, HDB, VPB, GVR... cũng có mức phục hồi khá lớn. Đây là động lực để VN-Index một lần nữa thoát khỏi ngưỡng 1200 điểm. Đóng cửa chỉ số leo trở lại 1.217,3 điểm, còn giảm 19,33 điểm tương đương 1,56% so với tham chiếu.
Cuối phiên chiều nay quỹ ETF tái cơ cấu đã đẩy thanh khoản lên khá cao. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên này tăng 13,4% so với hôm qua, đạt 17.27 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ đáng kể với tổng giải ngân 2.566,1 tỷ đồng tại HoSE, tức là chiếm 14,8% tổng giao dịch của sàn này. Mức mua ròng đạt 309,7 tỷ đồng.
Thị trường khép lại một tuần giao dịch biến động rất mạnh với mức giảm 66,78 điểm ở VN-Index tương đương 5,2% so với tuần trước. Điểm tích cực là ngưỡng tâm lý 1.200 điểm vẫn còn được giữ vững. Tuy nhiên dòng tiền vẫn không có cải thiện, giá trị khớp lệnh trung bình phiên của hai sàn giảm khoảng 1% so với trung bình tuần trước, nhưng khối lượng tăng 11%. Điều này cho thấy khối lượng cổ phiếu được sang tay vẫn đang nhiều lên, dù giá giảm quá nhiều dẫn tới giá trị giao dịch kém.