Cổ phiếu ngân hàng đưa VN-Index qua vùng rung lắc

Dù VN-Index 'lỡ hẹn' với mốc 1.500 điểm trong phiên 18/7 nhưng sự rung lắc chỉ diễn ra nhẹ nhàng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang vững vàng và có niềm tin vào bước tiến xa hơn của thị trường.

Cổ phiếu diễn biến phân hóa trong phiên 18/7 khi thị trường có sự rung lắc.

Cổ phiếu diễn biến phân hóa trong phiên 18/7 khi thị trường có sự rung lắc.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index diễn biến với nhiều bất ngờ. Tại phiên sáng, chỉ số có lúc chinh phục ngưỡng 1.500 điểm rồi nhanh chóng bị kéo xuống do bên bán tung hàng áp đảo. Sang phiên chiều, bên mua lại thắng thế và giúp VN-Index duy trì đà tăng, kết phiên ở mốc 1.497,28 điểm - tăng hơn 7 điểm so với kết phiên trước.

Thanh khoản thị trường vẫn sôi động, với gần 37.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 6.000 tỷ đồng và bán ròng phiên thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên giá trị bán ròng của khối này không lớn, chỉ hơn 30 tỷ đồng trên sàn HoSE.

FPT bị bán ròng mạnh nhất với 186 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng đáng kể khác là CTG, DXG, GMD, GEX, VCB, với giá trị từ 70 đến gần 100 tỷ đồng.

Chiều mua ròng dẫn đầu là MSN, với 263 tỷ đồng. VPB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn có SSI, VIX, MWG, VSC, HAH được mua ròng từ 50 đến 100 tỷ đồng.

VN30 tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới khi tăng hơn 9 điểm lên mốc 1.643,91 điểm. “Đầu kéo” là các cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng, gồm STB +5,2%, TCB +3,1%, VPB +2,2%, LPB +2,8%, MBB +1,7%, TPB +1,3%.

MSN cũng là mã bluechip có đóng góp tích cực cho chỉ số, với mức tăng 3,8% lên giá 79.100 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 10/2024. VHM cũng giữ được đà tăng tốt (+2%) và tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới ở vùng giá 96.000 đồng/cp.

Ngược chiều, VIC là mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số khi dứt mạch tăng, giảm 2,5% về giá 119.000 đồng/cp. Các mã bluechip ở chiều giảm khác là BVH -1,9%, SSB -1%, VJC -1,1%, VRE -1%; FPT, HPG, SAB, SHB, SSI, VCB giảm nhẹ.

Nhóm ngân hàng chính là trụ đỡ khi thị trường rung lắc. Ngoài các mã bluechip như kể trên thì đáng chú ý trong nhóm là PGB, với mức tăng hơn 9% lên giá 15.400 đồng/cp. PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 188 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Lũy kế nửa đầu năm, ngân hàng này đạt hơn 284 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% YoY và hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm 2025.

PGBank mới đây cũng cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 2025 (dự kiến tổ chức vào ngày 22/7) tới với nhiều nội dung quan trọng như kiện toàn nhân sự cấp cao, điều chỉnh kế hoạch tăng vốn, góp vốn mua cổ phần công ty mục tiêu trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm...

Nhóm chứng khoán đa số kết phiên trong sắc xanh. VIX tăng trần xác lập đỉnh mới ở vùng giá 18.850 đồng/cp, sau khi công ty chứng khoán này công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần YoY.

Một số mã chứng khoán nhỏ khác cũng thu hút dòng tiền, gồm HAC +9,4%, EVS +6,2%, MBS +3,1%, IVS +3%, SBS +3,5%. VND, HCM, VCI tăng nhẹ; SSI giảm nhẹ; SHS tăng 1,8%.

Nhóm bất động sản không còn giữ được sự đồng thuận như phiên hôm qua. Chiều giảm ngoài VIC còn có DXG -1,8%, PDR -1,7%, HDC -1,3%, NLG -1,6%, VRE -1%, API -5,6%, NRC -5,7%... Ngược chiều, nhiều mã vẫn tăng mạnh, như DXS, HQC, QCG, BCR, SJS tăng trần; CEO +7,6%, NVL +3,4%.

LDG ngắt chuỗi tăng trần nhưng vẫn mạnh hơn 4%, trở lại vùng giá 7.050 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Tại các nhóm ngành khác, các mã tăng tốt là HAG tăng trần, SBT +6,6%, DGW +4,7%, VSC +4,4%, GEE +3,5%, HAH +2,3%, MSR +9,3%, VGS +4,5%...

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-phieu-ngan-hang-dua-vn-index-qua-vung-rung-lac-43920.html