Cổ phiếu ngân hàng được nâng lên tích cực nhờ lợi nhuận ước tăng 28% trong quý 1/2022
Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng bao gồm 27 ngân hàng niêm yết tăng 28% so với quý liền kề trước đó và tăng 11% so với cùng kỳ, đóng góp từ tăng trưởng tín dụng và thu nhập phí, cũng như giảm chi phí hoạt động và dự phòng...
Ảnh minh họa.
Chứng khoán Yuanta vừa ước tính kết quả ngành ngân hàng trong quý 1/2022. Theo đó, công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận ngành gồm 27 ngân hàng niêm yết tăng 28% so với quý liền kề và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tín dụng tăng trưởng cao giúp cho thu nhập lãi ròng trong Q1/2022 tăng 3% so với quý trước đó và tăng 13% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ NIM có thể sẽ đi ngang. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm lãi suất như đã từng làm trong năm qua. Lãi suất cho vay do đó sẽ đi ngang so với mức hiện tại hoặc chỉ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2022. Vì thế, tỷ lệ NIM sẽ có sự phân hóa giữa ngân hàng, nhưng tỷ lệ NIM của toàn ngành có thể sẽ đi ngang trong năm 2022E.
Nhiều ngân hàng đã và đang đầu tư vào công nghệ số hóa để thu hút thêm lượng tiền gửi CASA, điều này có thể giúp làm giảm chi phí huy động vốn, và đây sẽ là xu hướng phát triển trọng yếu trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian để có thể thấy được kết quả. Các ngân hàng vốn đã có tỷ lệ CASA cao (như VCB, MBB, TCB và MSB) có thể sẽ gia tăng tỷ lệ NIM hiệu quả hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp trong Q1/2022 và trong thời gian tới.
Bancassurance vẫn tiếp tục là động lực thúc đẩy thu nhập phí. Thu nhập phí sẽ tiếp tục là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong tương lai, phần lớn đến từ doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ. Doanh thu bancassurance và đặc biệt là khoản phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ví dụ như của Vietinbank và VPBank là động lực hỗ trợ thu nhập phí trong Q1/2022 và những quý tiếp theo.
Trong khi đó, số hóa giúp cải thiện hiệu quả chi phí hoạt động. Tỷ lệ chi phí / thu nhập (CIR) điều chỉnh của toàn ngành (27 ngân hàng niêm yết) là 36% trong năm 2021 (-5,4ppt YoY), và tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 31% trong Q1/2022 và thậm chí có thể giảm thấp hơn trong tương lai khi số hóa được phát huy một cách hiệu quả.
Yuanta cũng kỳ vọng kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ giảm tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao, nhưng tăng tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp. Dư nợ tái cơ cấu các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid có vẻ đã đạt đến đỉnh điểm. Nợ xấu mới có thể sẽ không tăng nhiều, nhưng nợ xấu (NPL) trên sổ sách có thể sẽ tăng trong năm 2022E do việc ghi nhận nợ xấu hình thành từ các khoản vay tái cơ cấu sau khi thông tư 14 hết hiệu lực.
Trong khi các ngân hàng với tỷ lệ LLR thấp có thể sẽ phải tăng dự phòng trong Q1/2022 và trong tương lai, thì các ngân hàng chất lượng với tỷ lệ LLR cao sẽ có thể gia tăng lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng. Dự phòng của toàn ngành gồm 27 ngân hàng niêm yết đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng giảm 15% so với quý liền kề và tăng 35% YoY) trong Q1/2022.
Cho cả năm 2022, Chứng khoán Yuanta cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng một phần sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản thanh toán của những khoản nợ tái cơ cấu. Nợ xấu được công bố có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực vào ngày 30/06. Nếu dư nợ tái cơ cấu được phân loại thuộc nhóm nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải bổ sung trích lập dự phòng, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ gia hạn Thông tư 14 nếu cần thiết để giúp các ngân hàng xử lý các khoản nợ tái cơ cấu và từ đó giúp hỗ trợ nền kinh tế nói chung.
Về mặt định giá, hiện nay, P/B 2022E trung vị của ngành ngân hàng là khoảng 1,6x và ROE năm 2022E là 21% theo Bloomberg, đây là mức hợp lý.
Tuy nhiên, các ngân hàng chất lượng cao xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành, và vì thế chiến lược lựa chọn cổ phiếu rất quan trọng. Những lựa chọn hàng đầu gồm có MBB, VCB và ACB. Trong đó, Yuanta khuyến nghị mua MBB và ACB, đây đều là những ngân hàng chất lượng cao với kết quả kinh doanh vững chắc, nhưng có mức định giá khá thấp.
Cả 2 mã cổ phiếu trên đều đã full room ngoại, vì thế các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng các điều kiện thị trường để có thể mua trực tiếp trên sàn với mức giá gần với giá thị trường thay vì mua với mức phí premium cao.
Ngược lại, VCB được khuyến nghị mua, vẫn còn room ngoại nhưng định giá đang cao hơn so với ngành, đây là mối lo ngại đối với một vài nhà đầu tư. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này không phải mới xuất hiện hay chỉ là tạm thời. VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành vì Yuanta cho rằng đây là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam.