Cổ phiếu ngân hàng sẽ có thêm một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn?

Theo KBSV, cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn trong dài hạn, nhưng ngắn hạn không loại trừ khả năng sẽ có một nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý II và quý III chưa thực sự khởi sắc.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây nhận định rằng câu chuyện xuyên suốt quý I/2024 của toàn ngành là tăng trưởng tín dụng chậm tác động trực tiếp đến thu lãi thuần, các nguồn thu ngoài lãi cũng chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối của quý II khi tín dụng tăng trưởng tốt hơn, các chỉ số vĩ mô có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo đạt kế hoạch 15%

Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Quý I/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng 0,26% so với thời điểm đầu năm, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo nhóm phân tích KBSV, mặc dù các ngân hàng tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng cùng với mặt bằng lãi suất ở vùng đáy, song việc giải ngân đầu năm tương đối chậm trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi và ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ (tín dụng thường tăng trưởng thấp giai đoạn đầu năm).

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các lĩnh vực của nền kinh tế tạo ra sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng.

Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, dư nợ BĐS tăng thêm 20 nghìn tỷ chỉ trong 2 tháng đầu năm (tương ứng tăng trưởng 1,9% so với thời điểm đầu năm). Bởi vậy, trong khi cho vay lĩnh vực BĐS (bao gồm cho vay phát triển dự án BĐS, vay mua nhà) dẫn dắt tăng trưởng tín dụng nhiều ngân hàng (TCB, HDB, VPB) vượt trội so với trung bình ngành; thì nhóm ngân hàng cho vay phân khúc bán lẻ, hộ kinh doanh - sản xuất (ACB, VIB, STB) lại ghi nhận tín dụng chững hơn do cầu tiêu dùng tại phân khúc này hồi phục chưa đáng kể.

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Bước sang quý II, tín dụng toàn ngành đang cho thấy chuyển biến tích cực hơn. Tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,41% so với thời điểm đầu năm, tức tăng thêm 2,15% so với cuối tháng 3/2024.

KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 2024 sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên những kỳ vọng: (1) mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức thấp như hiện tại để hỗ trợ kinh tế hồi phục, (2) động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa sau 2024 được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, (3) thị trường BĐS tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

NIM phục hồi nhưng với tốc độ chậm rãi hơn

Quý I/2024, NIM toàn ngành giảm tốc chậm lại so với quý trước, thậm chí ghi nhận mức tăng trở lại ở một số ngân hàng. Theo đó, tính chung toàn ngành, NIM giảm 6 điểm cơ bản so với cuối năm 2023, mức giảm chậm hơn so với quý III và quý IV/2023. 6/11 ngân hàng trong danh mục theo dõi của KBSV ghi nhận NIM cải thiện từ 5-30 điểm cơ bản so với quý IV/2023,). Các ngân hàng có tín dụng được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp như TCB, HDB, LPB có mức NIM cải thiện tương đối tích cực, trong khi các ngân hàng quốc doanh với vai trò đi đầu hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế, các ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ bị ảnh hưởng tăng trưởng trong quý I có NIM cải thiện với tốc độ chậm hơn.

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Trái với xu hướng cải thiện đáng kể trong quý IV/2023, tiền gửi không kỳ hạn của 27 ngân hàng tại thời điểm kết thúc quý I/2024 đã ghi nhận giảm 4% so với cuối năm, trong đó có 18/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA sụt giảm so với quý trước. Tuy vậy, nếu so sánh với 3 quý đầu năm 2023, tỷ lệ CASA quý I/2024 vẫn ở mức cao.

Nhờ CASA duy trì ở mức cao trong 2 quý gần đây như vậy, cộng với lãi suất vẫn ở mức thấp, chi phí vốn (CoF) của các ngân hàng đang cho thấy sự cải thiện đáng kể, từ 20-90 điểm cơ bản so với quý IV/2023. Tuy nhiên, lợi suất trên tài sản sinh lời (IEA) giảm mạnh hơn (70- 200 điểm cơ bản) khi các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn về lãi suất để tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tín dụng. Cùng đó, cơ cấu tín dụng dịch chuyển sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp đã khiến NIM toàn ngành chưa thể tăng trở lại như kỳ vọng.

Từ nay đến cuối năm, KBSV dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 điểm cơ bản trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên từ đó tăng nhu cầu huy động.

“Với mức tăng kỳ vọng như trên, chúng tôi cho rằng đây là nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn (hiện tại lãi suất huy động vẫn thấp hơn vùng đáy Covid) nhưng chưa xác lập xu hướng tăng lãi suất mạnh trở lại như giai đoạn 2022-2023, trừ khi tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại, DXY vượt đỉnh”, báo cáo của KBSV cho hay.

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Mặc dù lãi suất huy động dự báo nhích lên, nhóm phân tích cho rằng lãi suất cho vay trong thời gian tới khó có thể giảm thêm. Điều này cũng sẽ hạn chế mức giảm của IEA, thậm chí IEA ngân hàng có thể cải thiện nhẹ bởi lãi suất cho vay hiện tại tương đối thấp so với mức đỉnh năm 2023 và tín dụng hệ thống đã có tín hiệu tốt hơn trong tháng 4 và tháng 5; cùng đó kỳ vọng cho vay bán lẻ tích cực hơn trong nửa cuối năm.

Do đó, mặc dù kịch bản dự phóng lãi suất huy động có thể tăng thêm 30- 50bps có thể tác động đến CoF, nhưng KBSV dự kiến CoF của năm 2024 vẫn sẽ duy trì ở mức nền thấp. KBSV hạ dự phóng về mức độ hồi phục NIM năm 2024 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi, với kỳ vọng mới NIM cải thiện 10-20 điểm cơ bản từ mức thấp của năm 2023.

Tình hình nợ xấu 2024 sẽ cải thiện so với 2023

Tính đến cuối quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của toàn ngành đã tăng thêm 24 điểm cơ bản so với cuối năm 2023 lên mức 2,2%. NPL điều chỉnh (bao gồm cả nhóm 2) tăng 44 điểm cơ bản so với cuối năm 2023 do nợ nhóm 2 tăng 12% so với quý trước.

Trong khi NPL tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có sự sụt giảm mạnh nhất do trích lập dự phòng giảm mạnh so với cùng kỳ và so với quý trước, dù vậy tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhóm này vẫn được duy trì ở mức tương đối cao và an toàn (150-200%). Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn chỉ còn TCB duy trì LLCR trên 100%, trong khi tỷ lệ này ở MBB sụt giảm đáng kể so với quý trước do sự suy giảm chất lượng tài sản trong kỳ.

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Để giảm bớt áp lực chất lượng tài sản, trong quý I, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh sử dụng nguồn trích lập trước đó để xử lý nợ xấu khỏi bảng cân đối. Dù vậy, KBSV cho rằng áp lực trích lập sẽ vẫn còn lớn do các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Dự báo cho các quý tới, nhóm phân tích KBSV thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò.

Dù vậy, các chuyên gia đánh giá tình hình nợ xấu năm nay dự kiến sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ một số yếu tố tích cực. Thứ nhất, Thông tư 02 của NHNN dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2024. Thứ hai, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất củng cố thêm khả năng thanh toán khoản vay của các đối tượng vay. Cuối cùng là kỳ vọng các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, qua đó doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Với những phân tích như vậy, KBSV kỳ vọng chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tốt hơn về nửa cuối năm trên cơ sở kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15%, NIM tiếp tục được cải thiện và nợ xấu có chuyển biến tích cực hơn.

'Cổ phiếu vua' có thể điều chỉnh trong ngắn hạn

Về định giá, theo KBSV, cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn trong dài hạn, trong khi ngắn hạn không loại trừ khả năng sẽ có một nhịp điều chỉnh.

Cụ thể, sau khi có 1 nhịp tăng mạnh trong quý I đưa P/B ngành tăng lên mức 1,7x, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh tương đối đưa P/B ngành quay trở lại mức 1,47x ở hiện tại – thấp so với mức trung bình 5 năm 1,7x.

Với triển vọng dài hạn, nhóm phân tích đánh giá ngành ngân hàng xứng đáng có mức định giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các cổ phiếu có thể sẽ có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý II và quý III chưa thực sự khởi sắc, nhưng đây sẽ là thời điểm thích hợp để mua vào những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-phieu-ngan-hang-se-co-them-mot-dot-dieu-chinh-trong-ngan-han.html