Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút dòng tiền, thị trường rung lắc
Dù một số cổ phiếu nhà băng lớn quay đầu điều chỉnh như VCB, BID, dòng tiền đa phần vẫn chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong khi áp lực bán dâng cao đẩy nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ giảm sâu.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán các phiên gần đây vẫn khiến nhà đầu tư tỏ ra không mấy hưng phấn. Đa phần dòng tiền chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong khi dường như các dòng cổ phiếu vừa và nhỏ bị lãng quên. Diễn biến tương tự cũng là chủ đạo trong phiên giao dịch ngày 12/1. Tuy nhiên, khác với các phiên trước áp lực bán đã được kích hoạt ngay từ đầu phiên và đẩy các chỉ số lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Sau khoảng thời gian có phần bất ngờ đầu phiên, thị trường dần hồi phục trở lại do lực cầu giá thấp xuất hiện. Có thời điểm VN-Index được kéo lên gần mốc tham chiếu và tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Diễn biến giao dịch rung lắc với những đợt giảm và hồi phục diễn ra đan xen xuyên suốt thời gian sau đó đến hết phiên. VN30-Index giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay cũng nhờ công rất lớn từ nhóm ngân hàng.
MBB là cổ phiếu dẫn dắt nhóm ngân hàng khi tăng đến 3,4%. Diễn biến này được cho là nhờ việc MB cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 24.688 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 26.200 tỷ đồng.
Các mã ngân hàng khác cũng tăng mạnh còn có ACB tăng 2,2%, SHB tăng 1,7%, CTG tăng 1,6%, TCB tăng 1,5%, STB tăng 1,4%... Phiên hôm nay, MBB đóng góp 0,9 điểm cho VN-Index. Tiếp sau đó, CTG đóng góp 0,66 điểm. ACB và TCB đóng góp lần lượt 0,52 điểm và 0,43 điểm.
Tuy nhiên, không hẳn tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều có biến động tích cực, trong đó, VCB giảm 0,7% và lấy đi của VN-Index 0,83 điểm. BID cũng lấy đi 0,71 điểm khi giảm 1,1%.
Trong khi dòng tiền chảy khá mạnh vào phần lớn các cổ phiếu ngân hàng khi nhiều cổ phiếu lớn khác ghi nhận áp lực bán mạnh và có biến động tiêu cực. GVR giảm 3,8%, MSN giảm 2%, VHM giảm 1,7%, VIC giảm 1,5%...
Áp lực bán lan rộng đến đa phần các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, bất động sản là nhóm ghi nhận nhiều mã giảm sâu. CII giảm 3,7%, NVL giảm 3,3%, CEO giảm 2,7%, DIG giảm 2,6%, DXG giảm 2,3%. Tại nhóm chứng khoán, đa số đều giảm giá ngoại trừ các trường hợp như của HCM (tăng 0,8%), BDI (tăng 0,6%)… Trong khi đó, TCI giảm đến 3,6%, TVC giảm 3,2%, VDS giảm 2,3%, VIX giảm 1,5%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,52 điểm (-0,65%) xuống 1.154,7 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 380 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,39 điểm (-1,03%) xuống 230,31 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 119 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,75%) xuống 86,9 điểm.
Giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 36%, lên mức cao nhất trong vòng một tuần gần đây là 21.400 tỷ đồng. Dòng tiền đa phần chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 7.000 tỷ đồng giá trị giao dịch toàn thị trường. SHB là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 64,6 triệu đơn vị. MBB và STB khớp lệnh lần lượt 45,9 triệu cổ phiếu và 41 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch khá cân bằng khi mua ròng nhẹ 17 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE. Trong khi đó, dòng vốn này bán ròng 58 tỷ đồng trên HNX nhưng mua ròng 31 tỷ đồng ở sàn UPCoM. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM với 105 tỷ đồng. Tiếp sau đó, BCM bị bán ròng 103 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu ngân hàng được mua ròng mạnh. STB được mua ròng 78 tỷ đồng. VCB đứng sau với giá trị mua ròng 78 tỷ đồng. VPB và CTG đều được mua ròng khoảng 52 tỷ đồng.