Cổ phiếu ngành mía đường lội ngược dòng tăng mạnh
Trong khi nhiều mã chứng khoán giảm mạnh và thị trường chung vẫn đang chật vật trong sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì cổ phiếu ngành mía đường lại có nhiều điểm sáng.
Phiên giao dịch sáng 19/2, dù phần lớn thời gian diễn biến trên đường tham chiếu song VN-Index vẫn tạm kết với mức giảm 0,68 điểm tương ứng 0,07%, còn 927,25 điểm. Xu hướng của chỉ số này đang khá tiêu cực sau khi quay đầu ở sát vùng 932,5 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số cũng ghi nhận sự giảm sút 0,81 điểm tương ứng 0,74% còn 109,26 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index vẫn duy trì tăng 0,19 điểm tương ứng 0,35%, còn 56,44 điểm.
Trên toàn thị trường vẫn còn 1.007 mã cổ phiếu không xảy ra giao dịch. Có 276 mã tăng, 35 mã tăng trần so với 267 mã giảm và 25 mã giảm sàn.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành mía đường lại có mức tăng trưởng khá tốt.
Một trong những cổ phiếu có mức tăng cao nhất là mã SLS của CTCP Mía đường Sơn La. Sau một thời gian dài duy trì mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, mã này đã tăng mạnh lên tới gần 60.000 đồng/cổ phiếu.
Mã LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn cũng tăng 40,4% từ 4.410 đồng/cp lên 6.190 đồng/cp chỉ sau 8 phiên giao dịch. Trong chuỗi tăng giá này của LSS có tới 5 phiên tăng trần và chỉ có một phiên điều chỉnh (ngày 18/2).
Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành là SBT của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa vẫn nối dài được đà tăng từ tuần trước, từ mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu (phiên 19/2), tương đương 22,2%.
Không chỉ tăng mạnh về giá trị, SBT còn là cổ phiếu có thể đáp ứng được dòng tiền lớn khi thường xuyên có thanh khoản trên 1 triệu cổ phiếu/phiên. Trong 5 phiên gần nhất, cổ phiếu này còn có khối lượng giao dịch đột biến lên trung bình khoảng 2,4 triệu đơn vị/phiên, cho thấy nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch.
Cũng trong khoảng thời gian này, một cổ phiếu ngành mía đường khác là KTS của CTCP Mía đường KonTum tăng 42,3% từ 7.800 đồng/cổ phiếu lên 11.100 đồng/cổ phiếu như hiện nay, với thanh khoản không nhiều nhưng cũng được nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực giao dịch hơn.
Nhìn vào diễn biến như vậy, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi giá nhóm cổ phiếu ngành mía đường đã gần như khiến các nhà đầu tư quên lãng vì sự khó khăn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp ngành này phải trải qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, "gió đã đổi chiều" tại quý II của niên độ tài chính 2019 - 2020. Theo đó, nhờ khoản lãi 8,7 tỷ đồng ở quý II mà lợi nhuận 6 tháng của Mía đường Lam Sơn đạt 9,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Kết quả kinh doanh quý vừa qua của Thành Thành Công - Biên Hòa cũng có sự cải thiện đáng kể khi lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ đến 33,7 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng, chỉ tiêu này đạt đến 50 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ.
Với Đường Kon Tum, lợi nhuận sau thuế quý II đạt 2,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 891 triệu đồng của cùng kỳ và bù đắp được hết khoản lỗ của quý I, giúp có lãi 490 triệu đồng sau 6 tháng. Còn Mía đường Sơn La có lợi nhuận quý II cũng tăng 45% so với cùng kỳ, lên 21,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, diễn biến giá của các cổ phiếu ngành mía đường cũng đang có sự cùng pha với giá đường thế giới khi tính đến giữa tháng 2, giá đường trên sàn ICE tăng 50% so với đáy năm 2019.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-tu/co-phieu-nganh-mia-duong-loi-nguoc-dong-tang-manh-ar528730.html