Cổ phiếu ngành than nhờ… kết quả kinh doanh
Với kết quả kinh doanh khả quan, các cổ phiếu ngành than đã có sóng tăng khá mạnh (lên tới hàng chục phần trăm) trong giai đoạn từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2-2023.Nhóm cổ phiếu ngành than có lẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nhanh nhạy bắt được các sóng tăng ngắn hạn. Còn việc nắm giữ trong dài hạn sẽ cần được cân nhắc xem xét cẩn trọng nhằm đề phòng những bất ổn từ thị trường thế giới cũng như cần chờ quy hoạch ngành điện tương đôírõ ràng.
Giá cổ phiếu tăng theo kết quả kinh doanh
Trong năm 2022, các doanh nghiệp ngành than phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như giá các nguyên vật liệu đầu vào (xăng, dầu, sắt thép, vật tư nhập khẩu…) liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất than của nhiều đơn vị. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu năm đã tác động lớn đến lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp khai thác than, gây ảnh hưởng đến sản lượng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như trên nhưng kết thúc năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn sản xuất được 39,4 triệu tấn than, tiêu thụ 46,5 triệu tấn (tiêu thụ trong nước 45,3 triệu tấn), tăng 8% so với kế hoạch. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 168.500 tỉ đồng, mức cao nhất từ khi thành lập và tăng 28% so với năm 2021. Lợi nhuận đạt 8.100 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2021 và vượt gần 5.000 tỉ đồng so với kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở đó, hầu hết các doanh nghiệp ngành than đều đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022. Cụ thể, với Công ty cổ phần (CTCP) Than Mông Dương – Vinacomin (mã MDC), báo cáo kết quả kinh doanh quí 4-2022 cho thấy, doanh thu trong kỳ của công ty đạt 939 tỉ đồng, tăng 68,6%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 92,5 tỉ đồng, tăng 823% so với quí 4-2021. Lũy kế cả năm 2022, MDC đạt doanh thu 2.817 tỉ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế hơn 103 tỉ đồng, tăng 230% so với năm 2021. Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu than (mã CLM) cũng có kết quả kinh doanh quí 4-2022 ấn tượng khi đạt doanh thu hơn 3.200 tỉ đồng, lũy kế cả năm 2022 hơn 13.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 391% và 393% so với cùng kỳ năm 2021. Về lợi nhuận, lãi sau thuế quí 4-2022 của CLM đạt 44 tỉ đồng, tăng 450% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2022 đạt 337 tỉ đồng, tăng hơn 1.000% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh khác trong quí 4-2022 có thể kể đến gồm CTCP Than Cọc Sáu (mã TC6) với lợi nhuận gấp 10 lần cùng kỳ. Kế đó là Than Cao Sơn (mã CST) báo lãi ròng 168 tỉ đồng, tăng trưởng 154% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng tăng mạnh lên 13%. Trong khi đó, Than Vàng Danh báo doanh thu thuần 2.200 tỉ đồng và lãi ròng 148 tỉ đồng, tăng tương ứng 49% và 105% so với cùng kỳ. Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng tương ứng 96% và 70%. Chỉ riêng Than Hà Lầm (HLC) báo lãi ròng giảm 85% xuống mức 12 tỉ đồng.
Với kết quả kinh doanh khả quan nêu trên, các cổ phiếu ngành than đã có sóng tăng khá mạnh (lên tới hàng chục phần trăm) trong giai đoạn từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2-2023.
Về cơ bản, các doanh nghiệp trong ngành than thường có cơ cấu cổ đông cô đặc nên thanh khoản của cổ phiếu không quá cao. Tuy vậy, một số doanh nghiệp lớn như Than Vàng Danh, Than Cọc 6, Than Núi Béo, Than Cao Sơn vẫn có khối lượng giao dịch khá lớn (từ 1-2 triệu cổ phiếu/phiên). Vì thế, một số cổ phiếu ngành than vẫn thu hút được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Điểm cần lưu ý trong dài hạn
Bước sang năm 2023, TKV đặt mục tiêu đạt 168.800 tỉ đồng doanh thu, sản xuất và tiêu thụ than tương đương năm 2022. TKV cho biết, tập đoàn sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp cho từng đơn vị để thực hiện sản xuất – kinh doanh ổn định, bảo đảm cung cấp đủ than cho các đối tác, bạn hàng theo hợp đồng dài hạn đã ký kết. Trong đó, than cho điện không thấp hơn 38,5 triệu tấn, than cho sản xuất phân bón không thấp hơn 2,5 triệu tấn; đồng thời chủ động, linh hoạt trong công tác sản xuất và tiêu thụ than theo mô hình sản xuất và thương mại than, với phương châm vừa xuất khẩu than, vừa nhập khẩu than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao.
Về tổng thể, năng lực sản xuất của ngành than Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn, nhưng vẫn đồng thời thực hiện xuất khẩu than. TKV dự kiến từ nay đến năm 2025, mỗi năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu gần hai triệu tấn than chất lượng cao (trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết) và nhập về 70-75 triệu tấn than chất lượng kém hơn cho sản xuất công nghiệp (điện, phân bón, xi măng, luyện kim…). Hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu là những thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, sản lượng than của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 5% tổng nhu cầu nên tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
Dù giá than dự kiến vẫn tiếp tục neo cao trong năm 2023 nhưng khả năng tiếp tục có mức tăng mạnh trong năm 2023 sẽ gặp những trở ngại nhất định, đặc biệt khi các nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động đều sử dụng 100% than nhập (như Nghi Sơn II, Sông Hậu I). Bên cạnh đó, về triển vọng dài hạn, công suất điện than hiện liên tục bị cắt giảm do những chủ trương quyết liệt từ Chính phủ nhằm chuyển đổi năng lượng xanh mạnh mẽ cũng là một yếu tố cần lưu ý. Sau khi quyết định sẽ không phát triển thêm điện than sau năm 2030, dự thảo Quy hoạch điện 8 mới nhất tiếp tục đưa 5 dự án tổng công suất 6.800MW ra khỏi quy hoạch do những khó khăn trong việc thu xếp vốn của các dự án này. Sau điều chỉnh, công suất điện than dự kiến đạt 30.127MW vào năm 2030, chiếm 18,9% tổng công suất trước khi thu hẹp tỷ trọng xuống còn 6,6% vào năm 2045.
Với những phân tích trên, nhóm cổ phiếu ngành than có lẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nhanh nhạy bắt được các sóng tăng ngắn hạn. Còn việc nắm giữ trong dài hạn sẽ cần được cân nhắc xem xét cẩn trọng nhằm đề phòng những bất ổn từ thị trường thế giới cũng như cần chờ quy hoạch ngành điện tương đối rõ ràng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-phieu-nganh-than-nho-ket-qua-kinh-doanh/