Cổ phiếu nhiều nhà bán lẻ châu Âu tuột dốc khi Đông Nam Á chịu mức thuế cao

Trong một bài phân tích, CNBC ngày 4/4 cho biết thị trường cố phiếu châu Âu đã tuột dốc sau thông báo về chính sách thuế đối ứng 'gây sốc' của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó các tên tuổi bán lẻ lớn kinh doanh các mặt hàng từ đồ thể thao cho đến trang sức nằm trong số những công ty chịu tác động nặng nề nhất.

 Puma là một trong những hãng thời trang chịu tác động lớn bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: Pinterest

Puma là một trong những hãng thời trang chịu tác động lớn bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: Pinterest

Theo CNBC, một loạt hàng hóa được bán cho người tiêu dung Mỹ bởi các công ty châu Âu được sản xuất tại hoặc thông qua các nhà máy ở Đông Nam Á - một khu vực bao gồm các nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc vào xuất khẩu, bất ngờ bị ảnh hưởng bởi một số mức thuế đặc biệt cao của Tổng thống Trump.

Campuchia - nơi có gần 1 triệu lao động làm việc trong các nhà máy may mặc và giày dép sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu của đất nước, bị đánh thuế ở mức cao nhất: 49%.

Trong khi đó, thuế đối với hàng nhập khẩu từ Lào vào Mỹ được ấn định ở mức 48%, Việt Nam 46%, Thái Lan 36% và Indonesia 32%. Sri Lanka và Bangladesh cũng nằm trong số các trung tâm sản xuất mà các nhà phân tích cho biết mức thuế quan mới “tệ hơn nhiều so với dự kiến”.

Thông tin này khiến cổ phiếu các nhà bán lẻ châu Âu trượt dốc.

Với các địa điểm sản xuất và chế tác trải dài khắp Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam - Bắc Mỹ và châu Âu, cổ phiếu của nhà sản xuất nữ trang nổi tiếng Pandora đã giảm 11% vào ngày 3/4.

Trong khi đó, cố phiếu của các công ty đồ thể thao Đức là Puma và Adidas lần lượt giảm 11% và 9,7%. JD Sports của Anh giảm 5,5%, hãng giày Dr Martens mất 5,9% và công ty hàng xa xỉ Burberry giảm 6,2% về giá cổ phiếu.

Cổ phiếu của nhà bán lẻ thời trang nhanh H&M, với nguồn cung chủ yếu từ Trung Quốc và Bangladesh, đã giảm 5%, trong khi cổ phiếu của gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Amazon và Target cũng lần lượt giảm 8% và 10%.

Theo tính toán của ông Sheng Lu, Giáo sư nghiên cứu ngành thời trang và may mặc tại Đại học Delaware, mức thuế mới sẽ làm tăng mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ đối với hàng may mặc từ 14,5% vào năm 2024 lên 30,6%. Dựa trên giá trị nhập khẩu năm 2024, mức thuế mới sẽ khiến tổng số tiền thuế áp dụng lên hàng may mặc tăng lên khoảng 26 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với năm trước.

Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell, cho rằng “những công ty gặp nhiều thách thức nhất có thể là những công ty có phần lớn doanh số bán hàng ở thị trường Mỹ và phần lớn chuỗi cung ứng có trụ sở tại châu Á – điển hình như các hãng thời trang bán lẻ. Những doanh nghiệp này có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng, nhưng sẽ phải mất một thời gian”.

Và cũng giống như ở Mỹ - nơi các nhà bán lẻ cũng thường có chuỗi cung ứng toàn cầu - lợi nhuận của những công ty này dự kiến sẽ bị thu hẹp và người mua sẽ phải trả giá cao hơn.

“Giá có thể tăng khi chi phí tăng, và người tiêu dùng có thể phản đối. Đây không phải là một bức tranh đẹp về biên lợi nhuận”, nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen tại Annex Wealth Management nhận định.

TỐ QUYÊN(Lược dịch từ CNBC & Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/co-phieu-nhieu-nha-ban-le-chau-au-tuot-doc-khi-dong-nam-a-chiu-muc-thue-cao-152301.html