Cổ phiếu nhiều 'ông lớn' vượt đỉnh cùng VN-Index

Sau khi vượt mốc 1.150 điểm, VN-Index chính thức lập đỉnh mới trong năm 2023, theo đó nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận đà tăng thần tốc.

VN-Index lập đỉnh mới, nhiều cổ phiếu của ‘ông lớn’ cũng lên theo. (Ảnh minh họa)

VN-Index lập đỉnh mới, nhiều cổ phiếu của ‘ông lớn’ cũng lên theo. (Ảnh minh họa)

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngành điện đã hạ nhiệt, PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) lại bất ngờ bứt phá mạnh sau hơn một tháng đi ngang. Cổ phiếu này vừa có phiên tăng kịch trần với thanh khoản đột biến qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng kể từ đầu tháng 6 năm ngoái.

So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu PGV đã tăng hơn 50% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 10.500 tỷ trong hơn 6 tháng, lên gần 31.000 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn kém khá xa so với mức đỉnh cao (44.000 tỷ đồng) mà EVNGENCO3 từng chạm tới vào đầu tháng 2 năm ngoái.

EVNGENCO3 đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM từ tháng 3/2018 nhưng gần như không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Trong 2 năm sau đó, cổ phiếu này ngụp lặn vùng đáy mà không tạo ra được bất kỳ con sóng thực sự nào. Đến cuối năm 2020, PGV mới bắt đầu “nóng máy” với câu chuyện tăng vốn thông qua chào bán ưu đãi.

Cổ phiếu thực sự nổi sóng từ tháng 9/2021 với kế hoạch chuyển niêm yết sang HoSE. Chỉ sau khoảng 4 tháng, thị giá PGV tăng hơn 2,5 lần qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử. Sau khi chính thức chuyển sàn vào giữa tháng 2/2022, cổ phiếu này đã quay đầu trượt dài và đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trước khi hồi phục trở lại vào cuối năm ngoái.

EVNGENCO3 là công ty con do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm đến 99,2% vốn và hiện là nhà phát điện lớn nhất, nhì trên thị trường (không kể EVN). Đồng thời EVNGENCO3 quản lý nhiều nhà máy điện lớn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, đại diện tổng công ty đã công bố kết quả kinh doanh ước 5 tháng đầu năm, với doanh thu 22.160 tỷ đồng đạt 46% kế hoạch năm và tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.239 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tính đến hết ngày 31/5/2023, sản lượng điện công ty mẹ sản xuất được 12,28 tỷ kWh, vượt 4,7% kế hoạch 5 tháng và 42% kế hoạch năm 2023, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, với kết quả kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu SZL của CTCP Sonadezi Long Thành cũng đi lên mạnh mẽ từ đầu năm. Cổ phiếu này đã tăng gần 35% sau chưa đầy 6 tháng qua đó leo lên vùng giá cao nhất trong vòng 14 tháng. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt lên trên 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Sonadezi Long Thành dự kiến công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu ước đạt gần 220 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến thu về 47,9 tỷ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty dự kiến sẽ hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 53% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Trong 6 tháng cuối năm, Sonadezi Long Thành sẽ phấn đấu đạt tối thiểu 228 tỷ đồng doanh thu và 44,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng qua đó hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm 2023.

Trong nhóm bán lẻ, kết phiên 12/7, cổ phiếu DGW (Digiworld) tiếp tục tăng mạnh lên 49.000 đồng/cp, tương đương +21% chỉ sau hơn một tuần. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu bán lẻ này trong 9 tháng qua. So với thị giá hồi cuối tháng 3 năm nay, DGW đã bứt phá xấp xỉ 70%, vốn hóa thị trường cũng tăng thêm gần 3.400 tỷ để cán mốc 8.186 tỷ đồng.

Cổ phiếu DGW tăng mạnh trước nhiều kỳ vọng kết quả kinh doanh doanh nghiệp tạo đáy trong quý I và sẽ dần phục hồi trong giai đoạn tới.

Được biết, trong quý II/2023, Digiworld dự kiến đạt doanh thu thuần và thu nhập ròng lần lượt là 4.100 tỷ đồng và 82 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 40% so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng doanh thu nửa cuối năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ sự kiện Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.

Một “ông lớn” ngành bán lẻ khác là cổ phiếu MWG của Thế giới di động cũng ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp để tiến lên mức 49.150 đồng/cp, qua đó thiết lập mốc cao nhất trong vòng hơn 5 tháng kể từ đầu tháng 2/2023. Vốn hóa nhanh chóng tăng thêm 8.900 tỷ đồng, tương đương +14% chỉ sau 4 phiên giao dịch, giá trị đạt xấp xỉ 71.900 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 6, MWG đã chứng kiến mức tăng nhanh chóng hơn 25%.

Cổ phiếu MWG hồi phục trở lại trong bối cảnh tình hình kinh doanh của MWG đã cho thấy những dấu hiệu cải thiện.

Qua 5 tháng đầu năm, doanh thu lũy kế của chuỗi đã đạt hơn 11.000 tỷ đồng (+6% so với cùng kỳ). Doanh thu tăng đều từ mức dưới 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng lên trên 1,4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Theo ước tính của DSC, Bách Hóa Xanh chỉ còn cách điểm hòa vốn khoảng 100-200 triệu đồng/cửa hàng/tháng. DSC dự phóng EBIT của Bách Hóa Xanh năm 2023 lỗ trên 1.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ trên 2.700 tỷ đồng của năm 2022.

Đối với chuỗi TGDĐ và ĐMX , tính riêng tháng 5, doanh thu 2 chuỗi này tăng 4% so với tháng 4 trước đó, chủ yếu là nhờ tăng trưởng doanh thu mảng máy lạnh. Mặc dù vẫn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và sức mua yếu nhưng DSC cho rằng các yếu tố xấu nhất đối với mảng bán lẻ ICT đã qua đi.

Tuy nhiên, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn cho rằng trong ngắn hạn, doanh nghiệp còn nhiều thách thức và quá trình hồi phục sẽ kéo dài và Thế Giới Di Động sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi Bách Hóa Xanh đến điểm hòa vốn trong 2024.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-nhieu-apos-ong-lon-apos-vuot-dinh-cung-vn-index-1093872.html