Cổ phiếu NVL kém tích cực khi nhà đầu tư lo ngại rủi ro pha loãng cổ phiếu

Ngược dòng VN-Index 'xanh' tích cực trong phiên sáng đầu tuần 7/7, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) quay đầu giảm đỏ về quanh 15.000 đồng/cp.

Diễn biến kém tích cực này được cho là do nhà đầu tư, cổ đông lo ngại rủi ro pha loãng cổ phiếu trước thông tin Novaland vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu ESOP.

Theo đó, Novaland dự kiến chào bán gần 49 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành theo quy định.

Cổ phiếu NVL quay đầu giảm trong phiên sáng 7/7.

Cổ phiếu NVL quay đầu giảm trong phiên sáng 7/7.

Với giá 10.000 đồng/cp, Novaland dự kiến thu về hơn 487 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh, vốn lưu động của công ty.

Thời gian dự kiến thực hiện chào bán trong quý III/2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.

Trong danh sách người lao động tham gia chương trình chào bán ESOP lần này, ông Dương Văn Bắc - Tổng Giám đốc Novaland dự kiến được mua gần 4,2 triệu cổ ESOP. Hai phó tổng giám đốc là bà Trần Thị Thanh Vân và ông Cao Trần Duy Nam mỗi người được mua gần 2,7 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, Tập đoàn Novaland cũng vừa thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 7/8. Nội dung cuộc họp sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và một số vấn đề khác (nếu có).

Trước đó, Novaland đề xuất phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cho một số cổ đông đã bán tài sản đảm bảo trả nợ cho Novaland trong các khoản vay, trái phiếu, trong đó có hai cổ đông lớn là NovaGroup và Diamond Properties - đều có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland.

Thực tế, việc phát hành ESOP sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu do giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu vì xu hướng bán ra “chốt lời” của nhân viên.

Thêm vào đó, theo Quyết định 345/QĐ-BTC năm 2020 về phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo sau năm 2025. Có sự khác biệt trong ghi nhận kế toán theo chuẩn mực kế toán VAS và chuẩn mực IFRS đối với nghiệp vụ này. Cụ thể, IFRS yêu cầu công ty ghi nhận một khoản chi phí phát sinh từ việc ghi nhận giá trị hợp lý của quyền chọn mua tại ngày trao quyền. Trong khi đó, ESOP là một loại chi phí giảm trừ lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Novaland đang trong giai đoạn sa sút. Điều này được thể hiện ở việc doanh nghiệp liên tục xin “khất” thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Mới nhất, Novaland đã công bố thông tin về tình hình thanh toán trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong đó thông báo chậm thanh toán 861 tỷ đồng gốc và lãi lô trái phiếu mã Novaland.Bond.2019.

Từ đầu năm đến nay, Novaland đã nhiều lần chậm thanh toán hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu do khó khăn dòng tiền. Trong các văn bản gửi tới trái chủ, doanh nghiệp đề xuất gia hạn nhiều lô trái phiếu thêm tối đa 24 tháng và cam kết sẽ sử dụng thặng dư từ dự án để thanh toán sau thời gian gia hạn.

Đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ vay của Novaland là hơn 59.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ trái phiếu riêng lẻ trong nước giảm 18% so với cuối 2022.

Theo kế hoạch xử lý nợ công bố hồi tháng 5/2025, Novaland cho biết với tình hình tài chính hiện tại, đặc biệt là việc tháo gỡ pháp lý dự án chưa đạt kỳ vọng, công ty không thể sắp xếp được dòng tiền để trả nợ từ nay đến cuối năm 2026.

Ban lãnh đạo Novaland đánh giá yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh là tiến độ pháp lý dự án. Năm 2025, công ty đưa ra hai kịch bản kinh doanh với mức lỗ dự kiến dao động từ 12 tỷ đến 688 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/co-phieu-nvl-kem-tich-cuc-khi-nha-dau-tu-lo-ngai-rui-ro-pha-loang-co-phieu-1107965.html