Cổ phiếu trước Tết: Mã nào tăng sốc, mã nào giảm sâu'?

Ngày giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý chứng kiến nhiều mã cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư.

Dưới đây là những cái tên đáng nhắc đến nhất trong phiên giao dịch chốt năm Canh Tý.

Cổ phiếu tăng mạnh nhất

Dữ liệu của VnDirect cho thấy, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm, cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE là GMC và sàn HNX là S99.

Cổ phiếu Garmex Sài Gòn tăng kịch trần phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020.

Cổ phiếu Garmex Sài Gòn tăng kịch trần phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020.

Theo đó, chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm, mã GMC của Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) đứng mức 31.350 đồng/cổ phiếu, tăng kịch trần 7%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 2.250 đồng. Với hơn 29,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Garmex Sài Gòn có thêm hơn 61,4 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, Garmex Sài Gòn đạt doanh thu thuần hơn 1.474,5 tỷ đồng trong 2020 và lợi nhuận sau thuế hơn 45,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.

Trên sàn HNX, chốt phiên 9/2, mã S99 của Công ty cổ phần SCI tăng 9,94% lên 19.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng 1.800 đồng mỗi cổ phiếu.

Báo cáo tài chính năm vừa công bố cho thấy doanh thu thuần của SCI đạt trên 1.580 tỷ đồng, tăng 121% so với 2019. Tính riêng quý IV, doanh thu thuần của S99 đạt 819 tỷ đồng, gần gấp 7 lần cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 282 tỷ đồng, gấp 8 lần năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 223 tỷ đồng, gấp 8 lần lợi nhuận đạt được năm 2019.

Doanh thu tài chính cũng tăng từ hơn 23,7 tỷ đồng lên 42 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 4.046 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong rổ VN30, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là mã gây ấn tượng nhất với việc tăng 6,94% lên 38.500 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 của VPB cho thấy, tại thời điểm cuối 2020, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 419.000 tỷ đồng, tăng 11,1%; tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 320.000 tỷ đồng, tăng 19%; tổng huy động khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với 2019.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với 2019.

Cổ phiếu trượt dốc sâu nhất

Ở chiều ngược lại, mã TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, BII của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư là 2 cái tên trượt dốc mạnh nhất trên hai sàn HoSE và HNX.

Theo đó, chốt phiên giao dịch cuối năm, cổ phiếu TTB giảm sàn 6,88% xuống 6.360 đồng/cổ phiếu, tức mỗi cổ phiếu “bay” 470 đồng.

Liên quan đến cổ phiếu TTB, cuối năm 2020, ông Phùng Văn Thái, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TTB bán ra 2.681.170 cổ phiếu TTB để giảm sở hữu từ 17,22% về còn 12% vốn điều lệ tại TTB. Trước đó từ ngày 4/9 đến 30/9, ông Thái mua vào 3,9 triệu cổ phiếu TTB, tương ứng 94,9% lượng cổ phiếu đăng ký mua trước đó.

Ở chiều ngược lại, ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTB lại bán ra đúng số lượng 3,9 triệu cổ phiếu ông Thái mua vào.

Báo cáo cho thấy, quý III/2020, TTB ghi nhận doanh thu đạt 107,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,57 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,41% và 84,91% so với cùng kỳ. TTB cho biết, năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 dẫn tới hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Trong khi đó, chốt phiên 9/2, mã BII đóng cửa mức 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm 7,69%, tức mỗi cổ phiếu “bay” 500 đồng.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-phieu-truoc-tet-ma-nao-tang-soc-ma-nao-giam-sau-ar595921.html