Cổ phiếu 'vàng trắng' ngược kỳ vọng
Chỉ trong thời gian ngắn, khi câu chuyện kỳ vọng bị đảo ngược, nhóm cao su thiên nhiên từ nhóm được hưởng lợi kép đang trở thành nhóm chịu rủi ro kép từ biến động thị trường: giá cao su giảm và thách thức từ sự điều chỉnh mạnh của bất động sản công nghiệp.
Từ ngày 28/3/2025 đến 16/4/2025, nhóm cổ phiếu cao su chịu áp lực giảm mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu PHR (CTCP Cao su Phước Hòa) giảm 36%, từ 68.000 đồng xuống 43.550 đồng/cp; cổ phiếu DPR (CTCP Cao su Đồng Phú) giảm 33,4%, từ 52.300 đồng xuống còn 34.850 đồng/cp; cổ phiếu DRI (CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk) giảm 32,7%, từ 15.300 đồng xuống còn 10.300 đồng/cp... Mức giảm này vượt xa mức giảm 8,1% của VN-Index trong cùng giai đoạn, phản ánh rõ sự suy giảm mạnh của ngành.
Áp lực giảm mạnh
Mặc dù sau đó chỉ số P/E của 3 cổ phiếu trên đã giảm xuống mức lần lượt 13,43, 11,61 và 6,81 lần, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trên 20 lần trong giai đoạn 2019-2020, nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn dè dặt, và áp lực bán gia tăng trong những phiên giao dịch thị trường điều chỉnh từ giữa tháng 4/2025. Đáng nói trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index đã ghi nhận có sự hồi phục đáng kể.

Cổ phiếu cao su đang chịu áp lực giảm mạnh.
Trước đó, trong quý đầu năm, cổ phiếu nhóm cao su được nhà đầu tư âm thầm rót tiền nhiều, có mã tăng thị giá gấp đôi sau chưa đầy 3 tháng. Điển hình, cổ phiếu GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã tăng gần 20%.
Các mã vốn hóa nhỏ diễn biến tích cực hơn. Cho hiệu suất cao nhất là DRG (CTCP Cao su Đắk Lắk), với mức tăng gấp đôi sau chưa đầy 3 tháng; RTB của Cao su Tân Biên cũng liên tục phá đỉnh lịch sử kể từ đầu tháng 1/2025, tăng 48% sau 3 tháng; PHR tăng hơn 30% lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022; DPR tăng gần 30%, lập đỉnh lịch sử; DRI cũng trở lại vùng đỉnh lịch sử xác lập hồi đầu tháng 3/2022, tăng 33% so với đầu tháng 1/2025…
Nhóm cổ phiếu cao su diễn biến tích cực trong bối cảnh kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp ghi nhận khả quan khi giá cao su vẫn neo ở vùng đỉnh, đồng thời có thêm những triển vọng lớn từ thu nhập chuyển đổi đất cao su sang khu công nghiệp. Cùng với đó, giá cao su sau khi chạm đáy trung hạn cuối năm 2022 đã bước vào chu kỳ mới, xác lập xu hướng đi lên. Theo đó, cổ phiếu cao su được giới phân tích đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, khi câu chuyện kỳ vọng bị đảo ngược, nhóm cổ phiếu cao su từ nhóm được hưởng lợi kép đang trở thành nhóm chịu rủi ro kép từ biến động thị trường: giá cao su giảm và thách thức từ sự điều chỉnh mạnh của bất động sản công nghiệp.
Chịu rủi ro kép
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định, việc nhà đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu cao su xuất phát từ lo ngại triển vọng kinh doanh thay đổi - yếu tố đã nâng đỡ đà tăng của nhóm này trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Thời điểm đầu năm, các đơn vị phân tích đã đưa ra nhiều báo cáo về triển vọng của nhóm doanh nghiệp cao su. Trong đó, Chứng khoán VCBS dự báo giá mủ cao su năm 2025 nhiều khả năng sẽ tiếp tục neo cao như năm 2024 do các yếu tố: nguồn cung khan hiếm, tình trạng thời tiết bất lợi tiếp tục duy trì đến ít nhất năm 2026.
Riêng Cao su Phước Hòa, VCBS còn kỳ vọng trong vòng 3 năm tới, tiến độ cho thuê, đóng góp dòng tiền của các dự án bất động sản công nghiệp như Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng - giai đoạn 2 (334 ha), Khu công nghiệp VSIP 3 (1.000 ha), Khu công nghiệp Tân Lập 1 (200 ha giai đoạn 1) sẽ được đẩy nhanh đáng kể.
Tương tự, SSI đưa ra nhận định tương đối tích cực về triển vọng kinh doanh của Cao su Đồng Phú, khi cho biết các khu đất của doanh nghiệp này tại Bình Phước, với tổng diện tích 1.619 ha sẽ mang lại cơ hội đáng kể khi được chuyển đổi thành đất công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai đã có tỷ lệ lấp đầy cao (lần lượt là 94% và 92%). Trong đó, dự án Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (giai đoạn 2) sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Cao su Đồng Phú vào năm 2026 khi Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án vào tháng 1/2025 và dự kiến bắt đầu cho thuê từ năm 2026.
Tuy nhiên, cả hai câu chuyện kỳ vọng hồi đầu năm của nhóm cao su thiên nhiên đã đảo chiều trong những ngày đầu tháng 4/2025.
Về câu chuyện hưởng lợi khi giá mủ cao su neo cao, sau khi neo ở vùng 200 USD/kg từ tháng 10/2024 - 2/2025, thống kê từ ngày 24/2 - 16/3/2024, giá cao su thiên nhiên đã giảm về 163 USD/kg và vẫn tiếp tục xu hướng đi xuống do lo ngại suy thoái kinh tế thế giới dẫn tới nhu cầu mua mủ cao su thấp, đặc biệt nhu cầu của thị trường Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu mủ cao su lớn nhất để phục vụ sản xuất lốp xe, ô tô, thiết bị công nghiệp) đang suy giảm.
Đầu tư Cao su Đắk Lắk là công ty chuyên khai thác và chế biến mủ cao su, đang đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm giá cao su. Công ty này quản lý diện tích lớn vườn cao su tại Lào, nhưng sự lao dốc của giá mủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân công cạo mủ tại Lào do đồng Kip mất giá càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Đối với Cao su Phước Hòa, doanh thu từ các sản phẩm cao su năm 2024 chiếm tới 91,7% tổng doanh thu, trong khi Cao su Đồng Phú ghi nhận 74,1%.
Trong khi đó, cả hai công ty đều đang đối mặt với những thách thức từ sự điều chỉnh mạnh mẽ của thị trường bất động sản công nghiệp. Những kỳ vọng vào việc chuyển đổi đất cao su thành khu công nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nhóm này, đặc biệt là khi các cổ phiếu như SIP, KBC, IDC... đều giảm mạnh, khi nhà đầu tư đánh giá nếu mức thuế đối ứng cao được áp dụng có thể cản trở quá trình thu hút vốn FDI, doanh nghiệp hiện hữu trì hoãn kế hoạch đầu tư mở rộng.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương mới phê duyệt, Cao su Phước Hòa có thể chuyển đổi tới 2.800 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp. Tuy nhiên, với những biến động gần đây, triển vọng từ chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp đang đối mặt với rủi ro lớn hơn bao giờ hết.
Thực tế, đối mặt với những rủi ro và thách thức, doanh nghiệp cao su có xu hướng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 thận trọng.
Mới nhất, theo báo cáo thường niên vừa công bố, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2025 gần 30.500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm trước, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 4.780 tỷ đồng, giảm 1%.
Hay như theo kế hoạch tài chính, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 132,2 triệu USD – tăng 9% so với năm 2024, nhưng vẫn là mục tiêu khiêm tốn so với những năm trước đó.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-vang-trang-nguoc-ky-vong-1106378.html