Sáp nhập Tiền Giang, Đồng Tháp: Ổn định việc làm cho hơn 22.600 biên chế
UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận số 127của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp (mới) thành lập trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp là Tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là có 5.938,7km2 (đạt tỉ lệ 118,67% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 4.203.948 người (đạt tỉ lệ 300,28% so với tiêu chuẩn) và 102 đơn vị hành chính trực thuộc.
Sau khi sáp nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp tạm thời ổn định công việc cho hơn 22.600 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó tỉnh Tiền Giang có 1.801 cán bộ, công chức cấp tỉnh, 7.501 viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tỉnh Đồng Tháp có 1.316 cán bộ, công chức cấp tỉnh, 12.048 viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp sẽ sáp nhập có tên tỉnh Đồng Tháp trung tâm đặt tại thành phố Mỹ Tho.
Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của tỉnh. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, tỉnh sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giản biên chế công chức hành chính và giảm số lượng người làm việc để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ giảm do Trung ương quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh sau sắp xếp tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để bố trí tại các cơ quan, đơn vị mới sau sắp xếp. Đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư dự kiến được tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị còn thiếu và chính quyền địa phương (nếu có nhu cầu). Trường hợp đối tượng dôi dư có nguyện vọng nghỉ hưu, thôi việc thì giải quyết theo quy định hiện hành của Chính phủ...

Thành phố Mỹ Tho về đêm.
Hiện nay, các trụ sở làm việc trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang (nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau sắp xếp) đã được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu làm việc của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành rà soát, bố trí, phân bổ hợp lý số lượng trụ sở, tài sản công hiện có cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo tiết kiệm, phục vụ hiệu quả hoạt động của từng cơ quan.
Kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức phù hợp với nhu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật; bảo đảm khai thác hiệu quả tài sản công hiện có. Nghiên cứu để bố trí, lựa chọn trụ sở của các cơ quan dư thừa sử dụng làm trụ sở cho các cơ quan chuyên môn hoặc thành điểm trường phục vụ giáo dục. Việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã rà soát, thống kê, xây dựng phương án tiếp tục bố trí, sử dụng, thực hiện điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác hiện còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc tổ chức thanh lý tài sản theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, bảo đảm trong vòng 3 năm; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét trước khi trình Chính phủ (trước 1/5/2025).