Cổ phiếu vật liệu xây dựng hưởng lợi từ siêu dự án đầu tư công
Đại dự án sân bay Long Thành bước vào giai đoạn thi công cùng hàng loạt dự án hạ tầng tăng tốc sẽ là động lực cho nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng bứt phá trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã G4G) cho biết, CIENCO4 đã được lựa chọn làm đối tác để triển khai thi công gói thầu số 4.6, với tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, thuộc dự án thành phần 3 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Đây là gói thầu có quy mô lớn thứ hai, sau gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm nay, CIENCO4 ghi nhận doanh thu 1.081,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,9 tỷ đồng, lần lượt tương đương 89,4% và 98,5% cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, so với kế hoạch doanh thu 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng trong năm nay. CIENCO4 kỳ vọng, với sự tăng tốc từ các dự án đầu tư công trong nửa cuối năm, Công ty có thể về đích kế hoạch kinh doanh năm.
Dự án sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành trong năm 2026, chậm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025, nhưng vẫn là động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2026.
Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dự án sân bay Long Thành sẽ cần đến 22 triệu m3 đá các loại.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dự án được xây dựng trên diện tích 5.000 ha, kết hợp với kết cấu hạ tầng đặc biệt sẽ cần đến 22 triệu m3 đá các loại, xấp xỉ 42% tổng sản lượng khai thác toàn Nam Bộ năm 2022. Nhu cầu đá cho sân bay cũng chiếm khoảng 59% nhu cầu đá xây dựng các công trình trọng điểm dự kiến triển khai giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, giai đoạn 1 được triển khai trên 1.810 ha sẽ cần khoảng 8 triệu m3 đá trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, 15 dự án giao thông trọng điểm khác theo kế hoạch sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm đường Vành đai 3, tuyến metro tại TP.HCM, 5 tuyến cao tốc tại khu vực Nam Bộ và 8 tuyến cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án này sẽ làm tăng thêm khoảng 7 triệu m3 đá xây dựng được sử dụng trong giai đoạn này.
Với đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm, nên tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy - có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Vì thế, các nhà đầu tư chứng khoán đang quan tâm lớn tới các doanh nghiệp niêm yết sở hữu các mỏ đá ở khu vực Đông Nam Bộ còn thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn và chất lượng đá tốt, như Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã VLB), Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (mã KSB), Công ty cổ phần Hóa An (mã DHA)...
Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa hiện đang sở hữu mỏ đá Tân Cang 1, công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1,5 triệu m3 đá/năm, trữ lượng tại cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3. Ngoài ra, doanh nghiệp này sở hữu mỏ Thạnh Phú 1, với công suất cấp phép 1,8 triệu m3 đá/năm; mỏ Thiện Tân 2, với công suất khai thác 1,5 triệu m3/năm… Các mỏ này đều nằm ở khu vực Đồng Nai.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VLB đang duy trì ở vùng giá khá tốt, quanh mốc 41.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng khoảng 30% trong một quý gần nhất. Tuy vậy, nhược điểm của cổ phiếu này là thanh khoản thấp. Trong cơ cấu cổ đông của Công ty, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai hiện nắm 49,32%, Công ty TNHH Đầu tư KSB nắm 9,64%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương được đánh giá là doanh nghiệp khai khoáng lớn bậc nhất Việt Nam, với việc sở hữu nhiều mỏ đá lớn tại Bình Dương và Đồng Nai. Hiện Công ty có 3 mỏ đá còn trữ lượng và thời hạn khai thác, gồm Tân Mỹ, Thiên Tân 7, Tam Lập với tổng trữ lượng 43 triệu m3, công suất khai thác trên 5,5 triệu m3/năm. Ngoài ra, KSB sở hữu 2 mỏ cao lanh Tân Lập và Minh Long, tổng công suất khai thác hơn 350.000 tấn/năm.
Trong 3 tháng vừa qua, thị giá cổ phiếu KSB ghi nhận mức tăng 16%, hiện đang giao dịch quanh vùng 31.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tốt.
Công ty cổ phần Hóa An (DHA) đang sở hữu 4 mỏ đá tại Tân Cang, dự kiến được huy động phục vụ đại dự án sân bay Long Thành. Cùng với Tân Cang, cụm mỏ đá được dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi là Thạnh Phú - Thiện Tân. Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 - TP.HCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Còn cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện cho việc vận chuyển theo đường thủy.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, thị giá DHA đạt 55.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 70% so với đầu năm nay. Nhà đầu tư đang hào hứng với thông tin DHA chốt ngày tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2023, tỷ lệ 30% (cổ đông được nhận 3.000 đồng trên một cổ phiếu). Theo nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, DHA dự kiến trả cổ tức năm nay ở mức 30 - 50% bằng tiền mặt và đây cũng là đơn vị duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn qua các năm.
Bên cạnh các doanh nghiệp ngành đá xây dựng, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng cung cấp tôn, thép như Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), hay xi măng như Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã HT1) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dự án sân bay Long Thành nhờ lợi thế quy mô, chất lượng sản phẩm cũng như vị trí nhà máy.
Nhận định nhiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ “ăn theo” đại dự án sân bay Long Thành, song ông Trần Bá Trung, Phụ trách phân tích ngành, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng lưu ý rủi ro với nhóm này.
Theo đó, rủi ro của ngành xây dựng chính là giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. Còn với ngành vật liệu xây dựng, giá nguyên liệu đầu vào và thuế tài nguyên môi trường tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành…