Cổ phiếu VFS lên cao kỷ lục, vốn hóa VinFast lọt TOP 3 hãng ô tô lớn nhất toàn cầu

Cổ phiếu VFS của hãng VinFast tiếp tục tăng 'cực mạnh' ngày thứ 4 liên tiếp, giúp giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, lọt top 3 hãng sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu VFS lên mức cao kỷ lục

Cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq vừa trải qua phiên giao dịch biến động cực mạnh trong ngày 24/8 (theo giờ Mỹ). Mở đầu ngày giao dịch, thị giá cổ phiếu VFS liên tục được đẩy lên cao với khối lượng giao dịch tăng vọt so với mức thông thường. Chỉ sau 30 phút giao dịch, thị giá cổ phiếu hãng xe điện VinFast đã vượt 56 USD/cổ phiếu, tăng hơn 51% so với mức giá đóng cửa của ngày 23/8.

Khối lượng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast từ ngày 22/8 đến ngày 23/8/2023 trên sàn Nasdaq (theo khung 15 phút). (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast từ ngày 22/8 đến ngày 23/8/2023 trên sàn Nasdaq (theo khung 15 phút). (Nguồn: TradingView)

Thậm chí, thị giá cổ phiếu VFS đã có lúc đạt tới ngưỡng 57,6 USD/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 14/8 vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực cầu vào sụt giảm mạnh khiến mức giá cao trên không neo giữ được lâu cùng với áp lực bán chốt lời đã đẩy thị giá cổ phiếu VFS đần “hạ độ cao”, xuống quanh mức 46 USD/cổ phiếu trong suốt quãng thời gian giao dịch buổi sáng.

Đầu phiên chiều, phe mua đã có những nỗ lực đẩy giá cổ phiếu VFS trong khoảng thời gian giao dịch còn lại nhưng không tạo ra sự đột phá.

Đóng cửa thị trường ngày 24/8, cổ phiếu VFS của VinFast đạt 49 USD/cổ phiếu, tăng 32,33% so với mức giá đóng cửa ngày 23/8 với thanh khoản đạt 12,8 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập mạch tăng giá kéo dài ngày thứ 4 liên tiếp. Thanh khoản của cổ phiếu này liên tục tăng lên trong 3 phiên giao dịch gần đây, có thể cho thấy giới đầu tư đang quan tâm hơn đến cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam. Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu VinFast đi ngược thị trường chung khi thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, như chir số S&P 500 giảm 1,35%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,87%.

Với mức giá hiện tại, tổng giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã đạt 113,7 tỷ USD, lot top 3 công ty sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu và giữ vị trí thứ 2 trong ngành xe điện thế giới, sau Tesla.

Giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast hiện ở mức 113,78 tỷ USD. (Nguồn: Yahoo finance)

Giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast hiện ở mức 113,78 tỷ USD. (Nguồn: Yahoo finance)

Xem thêm: "Hệ thống KRX sẽ đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư khi đi vào vận hành cuối năm nay?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Mô hình hybrid liệu có giúp VinFast chiếm lĩnh thị trường Mỹ?

Vừa qua, khi trả lời phỏng vẫn hãng tin CNN, CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy cho biết hãng xe “tin tưởng vào một tương lai phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, đặc biệt với mô hình kinh doanh mới - mô hình hybrid sẽ giúp VinFast mở rộng thị trường nhanh chóng hơn”.

Theo VinFast, mô hình kinh doanh hybrid là mô hình kết hợp giữa hệ thống bán lẻ riêng của thương hiệu với hệ thống nhà phân phối, cụ thể ở đây là các đại lý bán ô tô tại Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô bán xe thông qua đại lý không phải là mới trong lĩnh vực phân phối ô tô tại Mỹ. Mô hình hybrid ra đời xuất phát từ mong muốn tập trung nỗ lực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất xe của các hãng. Trong khi để tham gia vào thị trường bán lẻ, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải phân tán nhiều nguồn lực ngoài sản xuất. Do vậy, các hãng xe dần dần từ bỏ các showroom của riêng mình và chấp nhận bán ô tô qua các đại lý trung gian.

Lợi ích chính của mô hình hybird là nhà sản xuất ô tô có thể bán xe của họ cho các đại lý được nhượng quyền - những người sau đó sẽ bán xe cho khách hàng. Điều này tạo ra thanh khoản ngay lập tức cho các nhà sản xuất và chuyển “gánh nặng” hàng tồn kho sang các đại lý một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trong số này sẽ bao gồm cả những mẫu xe có nhu cầu cao được ưa chuộng và cả những mẫu khó bán. Giải quyết điều này sẽ phụ thuộc vào năng lực và kỹ năng bán hàng của các đại lý.

Tại Mỹ, Tesla – hãng xe điện lớn nhất hiện nay vẫn đang tự phân phối xe riêng; trong khi đó, nhiều hãng sản xuất xe động cơ đốt trong đang áp dụng mô hình hybrid. Tuy nhiên, nhà sáng lập Tesla ông Elon Musk cũng cho biết, đến một lúc nào đó, việc bán hàng qua đại lý hoặc các phương thức phân phối khác sẽ được hãng xe này xem xét.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số đại lý xe tại Mỹ cho biết họ sẵn sàng chào đón thương hiệu ô tô đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, những đại lý này cũng chia sẻ rằng họ cần biết thêm chi tiết về kế hoạch của VinFast, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu, kế hoạch phân phối phụ tùng và chính sách bảo hành.

Một số đại lý cho biết ở thời điểm hiện tại, VinFast có thể cần phải cung cấp mức hoa hồng hấp dẫn để bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô Việt Nam có thể cần cung cấp các gói bảo hành tốt nhất trong ngành để giúp người mua xe yên tâm hơn.

Hiện, VinFast đã mở 122 showroom trên toàn cầu tính đến tháng 6, hầu hết ở miền Tây nước Mỹ. Công ty cũng đã có 26.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu và khoảng 10.000 đơn tại Mỹ, trong đó 2/3 đơn đặt trước là cho mẫu VinFast VF 9, theo CEO VinFast chia sẻ.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-phieu-vfs-len-cao-ky-luc-von-hoa-vinfast-lot-top-3-hang-o-to-lon-nhat-toan-cau-109671.htm