Cơ quan chức năng kết luận gì về nước thủy điện Ia Ly xanh lè, nổi váng?
Tỉnh Kon Tum nhận định hiện tượng nước có màu xanh ở lòng hồ thủy điện Ia Ly là do 'dư thừa chất dinh dưỡng và tảo đột biến, bị phân hủy làm nước có màu xanh, nổi váng'.
Ngày 22/1, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Kon Tum cho biết đã cùng các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy đi kiểm tra, kết luận về thông tin lòng hồ thủy điện Ia Ly bị ô nhiễm.
Đoàn đi thực địa dọc lòng hồ thủy điện Ia Ly từ thượng nguồn về đến xã Ia Ly (huyện Sa Thầy), nhận thấy nước hồ có màu sắc bình thường, không có mùi hôi. Riêng tại vị trí xung quanh cầu Đông Hưng thuộc thôn Kiến Hưng, xã Ia Ly (đặc biệt là vùng nước gần bờ), nước có màu xanh đậm, nổi váng. Khảo sát khu vực xung quanh cầu Đông Hưng, không có các nguồn thải công nghiệp thải vào nguồn nước hồ Ia Ly.
Kết quả khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra tỉnh Kon Tum nhận định tình trạng nước hồ có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng (ni-tơ và phốt-pho) hay còn gọi là hiện tượng “phú dưỡng hóa"; kết hợp với nhiệt độ trong nước tăng lên làm cho tảo phát triển đột biến, bị phân hủy làm đổi màu nước còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa".
Tại khu vực lòng hồ Ia Ly, hiện tại người dân đang canh tác nông nghiệp tại vùng bán ngập với tổng diện tích hơn 300ha. Trong đó, diện tích vùng bán ngập có khoảng 15ha cây mì (sắn). Về việc nước hồ có màu xanh, theo đoàn kiểm tra do người dân canh tác trồng mì trong vùng bán ngập nhưng việc thu hoạch mỳ chưa triệt để (cây, cành, lá, mủ mì còn sót lại hoặc chưa thu hoạch kịp) bị ngập nước và bị phân hủy dẫn đến sự xuất hiện của tảo lam làm đổi màu nước hồ.
Trên khu vực lòng hồ Ia Ly có khoảng 6 lồng nuôi cá của người dân. Từ trước đến nay chưa xảy ra hiện tượng cá chết.
Đoàn kiểm tra khảo sát tại các vị trí xả thải của các nhà máy trên địa bàn huyện Sa Thầy, chảy về khu vực thị trấn Sa Thầy, trước khi đổ ra lòng hồ Ia Ly, nước không có màu sắc khác thường.
Báo cáo cũng cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh này tổ chức trinh sát khu vực xung quanh các nhà máy trên địa bàn huyện Sa Thầy chưa phát hiện có hiện tượng xả thải trái phép, xả thải vượt quy chuẩn cho phép.
Như Tiền Phong đã đưa tin, người dân sinh sống quanh bãi bồi lòng hồ thủy điện Ia Ly (huyện Sa Thầy) phát hiện nước ở đây đổi màu xanh đục, đặc quánh, có mùi hôi. Họ lo ngại nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, đất sản xuất.
Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản số 183 (ngày 19/1) đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý.
Ông Nguyễn Kim Thái, Chủ tịch huyện Sa Thầy cho biết, nguyên nhân nước lòng hồ thủy điện Ia Ly bị nhuộm xanh, nổi váng là người dân thu hoạch mì; sau khi lấy củ, họ để lại lá, thân, khi nước dâng lên ở đây tạo bọt, đổi màu xanh.